Táo bón ở trẻ có thể thuộc một trong hai loại là táo bón chức năng (không gây tổn thương hoặc rối loạn nhu động đường tiêu hóa, nguyên nhân là chế độ ăn ít chất xơ, uống không đủ nước, ít vận động hoặc do thói quen hay nhịn đại tiện hoặc khi trẻ bị sốt cao hay uống các thuốc làm giảm nhu động ruột, thuốc làm phân khô lại) và táo bón bệnh lý (bị tổn thương ống tiêu hóa như xoắn ruột, tắc ruột, hẹp hậu môn, có các khối u trực tràng hoặc có tổn thương tủy, màng não do mất phản xạ mót rặn).
Dù bất cứ do nguyên nhân nào việc điều trị táo bón phải bắt đầu bằng thay đổi lối sống và chế độ ăn. Cụ thể là trẻ phải uống đủ nước (trẻ nặng 10kg cần 1.000ml nước mỗi ngày, nếu nặng trên 10kg thì mỗi kg cần bổ sung thêm 50ml nước) và ăn thực phẩm kích thích nhu động ruột (rau đay, mồng tơi, khoai lang, giá đỗ, đu đủ, thanh long, chuối, cam, quýt, hạt ngô, đậu, yến mạch…). Đồng thời, cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất tăng cường vận động cơ thành bụng và cơ hậu môn. Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có thể xoa bụng nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ từ trong ra ngoài khoảng 10-15 phút mỗi tối để làm tăng nhu động ruột. Tập cho trẻ thói quen đi đại tiện đều đặn, nhắc nhở trẻ không nhịn đại tiện.