Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du không những được nhiều tầng lớp nhân dân tiếp nhận như là một món ăn tinh thần vô giá mà còn đã ăn sâu bám rễ vào đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Có biết bao nhiêu người dân không hề biết mặt chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ mà vẫn đọc thuộc vanh vách từng câu Kiều.
Đó chính là bởi cốt chuyện và ngôn ngữ do tác giả sử dụng có vần có điệu nên dễ đọc và dễ nhớ. Không chỉ có tiếp nhận Truyện Kiều, có rất nhiều tao nhân mặc khách, thi nhân đã dựa vào cốt truyện để làm thơ vịnh về thân phận của nàng Kiều như là để cảm thông, chia sẽ với kiếp hồng nhan nhưng bạc phận. Nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du, chúng tôi xin được giới thiệu một văn bản có nhan đề Thúy Kiều thi (thơ vịnh về cuộc đời Thúy Kiều) bằng chữ Nôm, từ đó khẳng định sức sống và sự lan tỏa của Truyện Kiều còn lay động trong tâm hồn của người Việt.
- Xem thêm: Những nàng Kiều… rất Sài Gòn
Văn bản này chép 20 hồi, mỗi hồi tương ứng với một bài thơ thất ngôn bát cú. Văn bản 翠翹詩 Thuý Kiều thi, kí hiệu R.1957, được sao chép năm 保大貳年柒月拾五日抄籙 Bảo Đại nhị niên thất nguyệt thập ngũ nhật sao lục (1927) không rõ tác giả, khổ 27 x 16cm. Hiện lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Nội dung được chia làm 2 phần: Phần 1: Chép Thúy Kiều thi 翠翹詩: Đầu sách chép bài Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường 佳人不是到錢塘 [của Phạm Quý Thích 范貴適], tiếp sau là 20 hồi từ Đệ nhất hồi 第一回 đến Đệ nhị thập hồi 第二十回 đều có cốt truyện được diễn giải bằng 20 bài thơ Nôm vịnh cuộc đời Thuý Kiều 翠翹.
Phần 1: Lời đề thơ và phần tổng kết cuộc đời Thúy Kiều
佳人不是到錢塘,
半世煙花債未償.
玉面豈應埋水國,
冰心自可對金郎.
斷腸夢裡 根緣了,
薄命琴終怨恨長.
一片才情千古累,
新聲到底為誰傷
Quốc âm dĩ hạ (từ đây trở đi là phần Quốc âm, chữ Nôm)
Một kiếp yên hoa một ngón đàn,
Quân thân vì truyện hóa lan man.
Đất bồi dạ hiếu không Kim Trọng,
Báo đáp hồn trung có Thổ Quan.
Phận đẹp lẽ chừa đeo bạc mệnh,
Duyên may khôn yếm chỉ hồng nhan.
Yên nhà yên nước thân là gái,
Mười mấy năm trời thế mới ngoan.
Phần 2: Cuộc đời Thúy Kiều qua 20 bài thơ
Đệ nhất hồi (hồi thứ nhất)
Vui xuân vui cả thiếu chi nơi,
Riêng để sầu xuân gặp gỡ chơi.
Thương kẻ dấu giày in mặt đất,
Nhớ ai màu áo nhiễm da trời.
Khóc cùng cây cỏ chừng y phận.
Cười mấy non sông muốn ngượng lời,
Nào khách ba sinh người chín suối,
Biết lòng ai chửa hỡi ai ơi.
Đệ nhị hồi (hồi thứ 2)
Rằng trong gặp gỡ lúc vô tình,
Ai biết rằng ai lại quẩn quanh.
Trên ghế mười bài mê mẩn bướm,
Bên thoi một lối thẩn thơ oanh.
Cỏ hoa như họa màu sương trắng,
Sương tuyết dường in vẻ mắt xanh.
Ơ cái chiêm bao mà có nhiệm,
Hoài công đeo đẳng khách ba sinh.
Đệ tam hồi (hồi thứ 3)
Quạt ước trâm thề chuốt mấy ai,
Tấc lòng trinh phận giám đơn sai.
Cầu sương chung lối tình không cạn,
Tiệc ngọc thâu đêm dạ chẳng phai.
Tường miên nhẽ nặng lời đá tạc,
Song the đon đả truyện hoa nài.
Nước non dầu có duyên sau nhẽ,
Giá thiếp danh chàng vẹn cả hai.
Đệ tứ hồi (hồi thứ 4)
Vì đâu bạc bội nát gan vàng,
Non nước thề xưa dở dở giang.
Hiếu thứ trăm đường giành chị gánh,
Tình này một khối mặc em mang.
Tóc tơ đường Bắc lòng man mát,
Sương tuyết tường Đông mặt bẽ bàng,
Ví cái duyên ai ai sớm biết.
Truyện đêm hôm nọ tiếc chi chàng.
Đệ ngũ hồi (hồi thứ 5)
Trêu ngươi chi mấy khách chương đài,
Một mối tình riêng nỡ chẻ hai.
Mưa thảm ngậm ngùi duyên mới cũ,
Mưa sầu tầm tã nỗi trong ngoài.
Hồn còn mang nặng lời sơn hải,
Nghĩa chửa đền xong truyện trúc mai.
Kinh Bắc lều Tây gần cách mấy,
Vui ai riêng để mối sầu ai.
Đệ lục hồi (hồi thứ 6)
Tơ chỉ vì ai đạt truyền ra,
Má hồng mặt thiết chẳng buông tha.
Ngậm ngùi lửa đốt lòng con trẻ,
Vơ vét vàng nhai miệng một già.
Chín chữ cao sâu hai tấc cỏ,
Trăm năm trong đục một tờ hoa.
Thôi thôi lấy hiếu làm trung vậy,
Quan thế như mà đã có nha.
Đệ thất hồi (hồi thứ 7)
Mùi chuông đỉnh ấy giống tanh hôi,
Ngượng ngập thưa ra sợ hứa mô.
Xin nhớ lời con duyên chắp nối,
Cũng liều mình thiếp bước pha phôi.
Hàm ơn tang tử(*) chưa đền nửa,
Kiếp mặt phong trần muốn rạch đôi.
Nông nỗi chàng Kim như có hỏi,
Đóa trà mi đó đã phong rồi.
Đệ bát hồi (hồi thứ 8)
Chót thẹn lời xưa với núi sông,
Mưa chiền nắng dữ cũng hoài công.
Nay đeo tay áo khuôn mệnh bạc,
Nọ thưở gặp xuân hãm má hồng.
Bình thủy đã nhắm duyên từ trước,
Yên hoa lại mặc nở vào trong.
Kiếp này con tạo xoay cho chán,
Cho chán rồi ra cũng một chồng.
Đệ cửu hồi (hồi thứ 9)
Phương tiện này ai đã mở đường,
Có thương sao chẳng vẹn lòng thương.
Đinh ninh gác nguyệt tiên đề chữ,
Tan tác rừng thu ngựa gãy cương.
Ngoảnh lại thêm xa lời sắt đá.
Trông ra càng thẹn mặt phong sương,
Ô hay trẻ tạo làm sao thế.
Quanh quẩn lầu xanh cũng một phường.
Đệ thập hồi (hồi thứ 10)
Má phấn lầu xanh chuốc mấy cầu,
Phũ phàng ai trước dỗ ai sau.
Mảnh tiên cậu bướm chưa phù phép,
Con sách nhà ma đã khô đầu.
Già dẫn khôn phần lời trách phải,
Trẻ thơ nào bạc nghĩa nông sâu.
Lạ cho học đạo ông mày trắng,
Bày cái trò chơi xỏ lẫn nhau.
Đệ thập nhất hồi (hồi thứ 11)
Tưởng những bà tơ thói nhẽ ngươi,
Cớ sao lối một lại mai mười.
Tình xưa nghĩ đến ăn năn khóc,
Duyên mới trông ra khúc khích cười.
Nhớ cảnh hãy khoan năm vận họa,
Yêu hoa xin chữ một màu tươi.
Phong trần thế thế phong lưu thế,
Trong áng bình khang đã mấy người.
Đệ thập nhị hồi (hồi thứ 12)
Mặt phấn suy nên truyện lọc lừa,
Tình càng dan díu nết càng ưa.
Mượn điều xẹn trúc xe mau ruổi,
Nhờ cái duyên đằng gió thổi đưa.
Hòa chén nâng tay thầy tớ trước,
Công tư vẹn nghĩa sắt cầm xưa.
Chủ trương còn nỗi nhà trong đấy,
Mừng chộm cho ai đã biết chưa
Đệ thập tam hồi (hồi thứ 13)
Tưởng cái nhân duyên cũng trộm mừng,
Nửa còn nghe lệnh nửa trông trừng.
Xót người sân dưới lòng pha muối,
Hoài kẻ nhà trong miệng ngậm ngừng.
Đã quyết một bề xin lấy chọn,
Nào ngờ trăm giọng kín như băng.
Quan tha nẻo biết còn mờ nhẽ,
Ai khảo mà ai đã giám xưng.
Đệ thập tứ hồi (hồi thứ 14)
Lâu đài nào ấy tính danh chi,
Giấc mộng mơ màng nửa tín nghi.
Giấy thắm buộc chân khi xuống lệnh,
Áo xanh thêu lũ lúc ra uy.
Rượu mời trên tiệc mùi cay đắng,
Đàn gảy ngoài hiên tiếng búa ghì.
Ai ấy cắm râu ngồi đấy mãi.
Vừa ra sao lại gấp vào chi.
Đệ thập ngũ hồi (hồi thứ 15)
Thuở kiếp đa mang thuở phúc này,
Thôi thôi thôi thế cũng là may.
Đã đem chân bước miền cây gốc,
Thời gửi thân vào áng cỏ cây.
Nén hẳn lòng trần câu kệ độc,
Khua tan niệm tục tiếng chuông lay.
Xuất gia phiếm hỏi từ bao nhẽ,
Tiểu mạn lâu rồi tiểu mới trai.
Đệ thập lục hồi (hồi thứ 16)
Nhà quen đâu có thói ghen ngầm,
Thiếp đấy chàng đây nào ngậm tăm.
Gác nguyệt lẻn chân khi kệ viết,
Am mây nương bóng lúc thơ ngâm.
Đã e nỗi khách lòng sâu sắc,
Lại thẹn duyên chàng truyện bỗng thầm.
Thuở kiếp hai lần tu chẳng cực,
Hay là phật nể chửa khai tâm.
Đệ thập thất hồi (hồi thứ 17)
Thuở kiếp chân tu mấy chẳng tròn,
Cũng liệu may thay phận con con.
Hãi hùng nhà bạc người khuê các,
Dan díu lầu xanh khách nước non.
Hai chữ sắc không lòng đã chuyển,
Một lời tâm phúc dạ không mòn.
Châu đài có phải rằng tiên lộ,
Đem cái đâu sòng đổi phấn son.
Đệ thập bát hồi (hồi thứ 18)
Trướng hùm rộng mở giữa vòng quân,
Bắt lũ năm nào nạp dưới sân.
Lẫm liệt trả thù gươm một lưỡi,
Núi non tạ nghĩa bạc nghìn cân.
Nhà mà chi trách tu vô hạnh,
Đạo phật nào quên kẻ có nhân.
Biết mặt nhau chưa ai đố nhẽ,
Kỹ tàn kỹ tản kỹ uy ân.
Đệ thập cửu hồi (hồi thứ 19)
Đem thân bách chiến gác ra ngoài,
Trung hiếu tôn rằng vẹn cả hai.
Cuốn giáp trước hiên hùm mắc hiểm,
Treo châu mặt nước cá vướng chài.
Mấy tầng tử khí lay không chuyển,
Một mảnh hồng nhan rữa chẳng phai.
Chín suối uy linh chàng có biết,
Cơ trời nào phải truyện nghe ai.
Đệ nhị thập hồi (hồi thứ 20)
Cái nỡ phong trần chửa rạch không,
Mảy may còn gặp lối bên sông.
Trên đàn công đức nồi hương át,
Dưới tiệc đoàn viên chén rượu nồng.
Thấy mặt đã nghe lời khấn nguyện,
Nhẽ lòng lại ép chuyện riêng chung.
Phong lưu cho bõ phong trần trước,
Đem áo Già Lam đính chỉ hồng.
Cuộc đời Vương Thúy Kiều được một nhà thơ nào đó đúc kết trong 20 bài thơ Nôm thật sự chưa lột tả hết được những bi kịch đắng cay cuộc đời của nàng phải trải qua. Tuy nhiên, cái kết cuối cùng chính là sự sum vầy, đoàn tụ sau bao năm lưu lạc. Chữ hiếu, chữ tình cuối cùng đều được vẹn toàn cả hai.
- Xem thêm: Tranh đẹp cho Truyện Kiều
(*) Tang tử: tức quê nhà.
Tài liệu tham khảo: Thuý Kiều thi, kí hiệu R.1957, Thư viện Quốc gia Việt Nam.