Năm 2015 khủng bố vẫn tiếp tục là sự kiện làm đau đầu các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới. Sự gia tăng những hành vi phi nhân tính của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS là một trong những nét nổi bật nhất trong hoạt động khủng bố trên thế giới. Ngày 20-7-2015, một kẻ đánh bom liều chết của tổ chức này đã cướp đi mạng sống của 33 người tại thành phố Turuc, Thổ Nhĩ Kỳ, không xa đường biên giới với Syria. Ba tháng sau, hai tên đánh bom liều chết khác đã giết hại 102 người tại một cuộc mít tinh vì hòa bình ở thủ đô Ankara, cũng của Thổ Nhĩ Kỳ. Những hoạt động khủng bố của IS lan ra bên ngoài lãnh thổ Trung Đông và đỉnh điểm của chúng là vụ nổ bom tại thủ đô Paris của nước Pháp, sát hại 130 người dân vô tội. Ngày 31-10-2015, IS lại nhận trách nhiệm về việc làm nổ tung một chiếc máy bay chở khách của Nga trên bầu trời Sinai (Ai Cập), làm chết 224 người. Sự tăng cường không kích tổ chức khủng bố này do Mỹ và các đồng minh tiến hành đang làm dấy lên nhiều dư luận nghịch chiều trong nội bộ nước Mỹ và Pháp, đặt ra nhiều vấn đề cho công cuộc chống khủng bố năm 2016.
Đồng hành với khủng bố, các cuộc nội chiến, sự biến đổi khí hậu, sự nghèo đói đã đẩy hàng triệu người dân Trung Đông và châu Phi ra khỏi đất nước của họ, gây nên một làn sóng người di cư và tỵ nạn tràn ngập lãnh thổ châu Âu. Cuộc khủng hoảng về người tỵ nạn với những cái chết đau thương trên biển, sự đói nghèo cùng cực, đã vượt quá sức chịu đựng của cộng đồng các nước châu Âu, đồng thời tạo cơ hội cho sự trỗi dậy của tinh thần quốc gia chủ nghĩa, óc bài ngoại của một số đảng phái tại châu lục này. Nó cũng đồng thời tạo ra những vấn đề chính trị xuyên châu lục.
Tháng 9-2015, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ tiếp nhận ít nhất 10 ngàn người tỵ nạn Syria trong năm 2016, nhưng sau vụ khủng bố tại Paris, không ít chính khách lên tiếng chống lại việc cho người Hồi giáo nhập cư vào nước Mỹ, trong đó tiêu biểu là ứng cử viên tổng thống nhiệm kỳ tới thuộc Đảng Cộng hòa là Donald Trump.
Trung Quốc tiếp tục là nỗi lo ngại của chính quyền nhiều nước trong vùng Đông Á và Đông Nam Á khi họ mở rộng việc xây dựng các đảo nhân tạo quanh khu vực các quần đảo có tranh chấp với Việt Nam, Philippines và một số nước châu Á khác. Sự lo ngại gia tăng khi họ xây dựng các đường băng dành cho máy bay, tiến hành các lắp đặt quân sự trên những hòn đảo nhân tạo đã bồi đắp. Đáp ứng điều mong mỏi của dư luận nhiều nước trên thế giới, chính quyền Mỹ nhanh chóng khẳng định lập trường khi nhấn mạnh rằng tuyên bố của Bắc Kinh xác nhận chủ quyền lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Tháng 10-2015, sau nhiều lần nhắc lại lập trường của mình về vấn đề Biển Đông, Washington tuyên bố sẽ cho máy bay bay trên vùng trời, cho tàu chạy trên vùng biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Và Mỹ đã đưa tàu khu trục di chuyển trên vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ. Được biết hằng năm, số hàng hóa được thông thương trên Biển Đông trị giá hơn 5 ngàn tỉ USD, một vùng biển có nhiều tiềm năng khai thác hải sản, khoáng sản và dầu lửa.
Bên cạnh những hoạt động gây quan ngại cho cộng đồng thế giới, vào tháng 8-2015, Trung Quốc còn thực hiện một động thái quan trọng về mặt tài chính là phá giá đồng nhân dân tệ dưới áp lực nhiều năm qua của một số chính phủ phương Tây. Về phần mình, các quan chức của Bắc Kinh cho việc phá giá là nhằm để đồng nhân dân tệ có giá trị phù hợp với thực tế trên thị trường tài chính thế giới. Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ là dấu hiệu nền kinh tế nước này đang xuống dốc nhanh hơn dự kiến và Bắc Kinh đang dựa vào đây để khởi động lại đà tăng trưởng. Quý III năm nay, tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới chỉ đạt 6,9%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ bình quân 10% trong ba thập niên qua. Tuy vậy, tháng 12-2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn coi nhân dân tệ là một loại tiền tệ quan trọng của thế giới, góp phần mở rộng cánh cửa tài chính toàn cầu. Ngoài ra, một chuyển biến quan trọng khác trong chính sách nội trị của Trung Quốc cũng được dư luận chú ý; đó là việc Bắc Kinh công bố hủy bỏ quy định mỗi gia đình chỉ có một con, để đối phó với tình trạng dân số ngày một già nua, gây nhiều trở ngại cho các chương trình phát triển kinh tế – xã hội.
Tại Trung Đông, cuộc nội chiến ở Syria kéo dài bốn năm đã giết hại hơn 200 ngàn người và đẩy 9 triệu người khác ra khỏi nhà ở của họ. Tháng 9-2015, chính quyền Nga đã tiến hành một bước can thiệp quan trọng vào lãnh thổ Syria qua việc oanh kích vào những vị trí mà theo họ là của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS. Nhưng dư luận phương Tây lại khiến người ta nghĩ theo một chiều khác hơn, đó là Nga đã mượn cớ tiêu diệt IS để tấn công các lực lượng chống lại chính quyền của Tổng thống Syria Bashir al-Assad mà Moscow đang ủng hộ. Điều này gây ra những phản ứng bất lợi cho Nga từ phía Mỹ và các nước đồng minh vốn đang chủ trương một giải pháp chính trị cho Syria mà không có sự hiện diện của ông Assad. Trong lúc mọi việc đang rối rắm thì vào cuối tháng 11-2015, một máy bay F-16s của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi một chiếc máy bay chiến đấu của không lực Nga, khiến tình hình khu vực này trở nên nóng bỏng hơn. Ở một lĩnh vực khác, mối quan hệ giữa Nga và Ukraina cũng có chiều hướng xấu đi khi Ukraina tuyên bố không nhập dầu lửa từ tập đoàn dầu lửa GazProm của Nga, mà mua của các nước khác, đồng thời không trả khoản tiền 3 tỉ USD đang nợ Nga. Cũng về dầu lửa, Venezuela cùng một số nước mà ngành xuất nhập khẩu lệ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên này đang khốn đốn khi giá dầu ngày càng sụt giảm, ở mức 36 USD/thùng vào hạ tuần tháng 12-2015. Các chuyên gia còn ước tính giá dầu có thể sẽ về mức 20 USD/thùng trong năm 2016, buộc nhiều mỏ dầu đang khai thác phải tạm ngừng hoạt động, khi mà chi phí khai thác vượt số tiền bán dầu thu về. Hẳn nhiên, ngoài những nước lệ thuộc vào xuất khẩu dầu lửa, các nước sản xuất cần nhiều năng lượng từ nguồn tài nguyên này sẽ có lợi khi giảm giá thành, kích thích tiêu thụ và đẩy nền kinh tế đi lên.
Trong tình hình giá dầu biến động nhiều, Mỹ – nền kinh tế hàng đầu thế giới có những dấu hiệu hồi phục và phát triển nhanh. Hàng triệu việc làm được chính quyền Obama tạo ra, hạ tỷ lệ thất nghiệp trên toàn nước Mỹ xuống còn 5%, một trong những tỷ lệ thấp nhất từ nhiều năm qua. Như một hệ quả tương ứng, số việc làm tại Mỹ tăng lên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm còn dưới mức 300 ngàn đơn, con số biểu thị một thị trường lao động đang được cải thiện rất nhiều.
Tình hình kinh tế Mỹ cải thiện, việc Mỹ ký với 11 nước châu Á, trong đó có Việt Nam, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một cột mốc quan trọng trong sự hợp tác Đông – Tây. Hiệp định thể hiện chính sách tái cân bằng với châu Á của Tổng thống Obama, một châu lục chiếm đến 40% nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, ông Obama cần phải thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua hiệp định để nó có thể có hiệu lực thi hành.
Xét chung, năm 2015 là thời điểm kết thúc việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (2000-2015) với không ít mục tiêu chưa được hoàn thành. Năm 2015 cũng là thời điểm mà các tổ chức khủng bố vẫn còn có cơ hội thực hiện những vụ giết người hàng loạt và vấn đề Biển Đông được đẩy lên cao hơn nữa, với sự tham gia của Mỹ, và có thể cả Nhật Bản. Nhằm ngăn chặn những hoạt động bành trướng của Trung Quốc năm 2016 sẽ phải tiếp tục gánh vác trách nhiệm nặng nề do năm 2015 chuyển giao.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)