Giao tiếp là một trong những yếu tố quan trọng nhất để các mối quan hệ trở nên bền chặt. Và với hôn nhân, nơi hai con người hoàn toàn không có bất cứ ràng buộc nào về huyết thống, thì sự giao tiếp lại càng quan trọng.
Cụ thể, khi Mark Manson (một blogger và tác giả sách) cùng các trợ lý của mình tiến hành nghiên cứu trên 1.500 cặp đôi tại Mỹ về các yếu tố tạo ra một cuộc hôn nhân bền vững, thì giao tiếp là yếu tố quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, những cặp đôi đang trong quá trình thụ lý ly hôn và những cặp đôi có trên 15 năm gắn bó đều nhấn mạnh, giao tiếp là chìa khóa chính của mọi vấn đề.
“Đôi khi, nhiều cặp đôi cứ nghĩ vì quá yêu, quá thấu hiểu nhau, nên họ không nhất thiết phải giao tiếp, trò chuyện với nhau thường xuyên. Tuy nhiên, đó lại chính là cội nguồn của mọi việc” – Mark Manson chia sẻ trên trang Business Insider.
Mark Manson cũng đặc biệt nhớ về Susan (một trong 1.500 người được lấy ý kiến) khi cô đã gửi email kể về câu chuyện của mình. Susan có một mối tình đẹp, kéo dài năm năm với một chàng trai mà cô rất yêu mến. Sau khi kết hôn, Susan và chồng đã nỗ lực rất nhiều để kiếm tiền, vun đắp cho gia đình.
Tuy nhiên, khi nền tảng tài chính trở nên ổn định, Susan phát hiện chồng mình ngoại tình. Sau đó, dù cả hai vẫn còn yêu nhau và Susan chấp nhận tha thứ, nhưng họ vẫn không thể hòa hợp. Sau nhiều lần hòa giải, cuối cùng họ phải ly dị.
“Tôi và anh ấy chẳng thể giao tiếp với nhau trong bất cứ vấn đề nào. Thời gian, cuộc sống đã khiến chúng tôi thay đổi, nhưng chúng tôi lại không nhận ra. Thay vì hiểu nhau, chúng tôi chỉ biết thêm vào những lỗi lầm, những thói hư tật xấu cho nhau. Sự im lặng quá lâu đã giết chết cuộc hôn nhân của chúng tôi” – Susan kể lại.
Dựa trên các nghiên cứu và đánh giá thực nghiệm của Mark Manson và những chuyên gia tâm lý, dưới đây là hai điều mà các cặp đôi cần chú ý để hoàn thiện kỹ năng giao tiếp trong mối quan hệ của mình.
Mọi thứ luôn khởi đầu bằng sự tôn trọng
Thông qua cuộc khảo sát, Mark Manson nhận ra rằng trong giao tiếp, dù cặp đôi thể hiện sự cởi mở, điềm đạm, kỷ luật hay thô bạo, nóng tính, to tiếng… thì điều quan trọng nhất là cả hai phải luôn có được sự tôn trọng dành cho người đối diện.
Trong trường hợp cặp đôi có xung đột, mâu thuẫn, sự giao tiếp đúng cách lúc này trở nên vô cùng quan trọng, vì sau bất cứ cuộc xung đột nào cảm xúc của một trong hai người chắc chắn sẽ bị tổn thương.
Vợ/chồng vì thế tuyệt đối không nên hạ thấp giá trị, bản chất con người của đối tác, sử dụng những hình thức bôi nhọ, nhắc lại những lỗi lầm, nỗi đau… trong quá khứ để hạ thấp bạn đời, nâng cao giá trị và bảo vệ quan điểm bản thân. Tất cả khiến cho buổi trao đổi trở thành nơi để miệt thị, sỉ nhục nhau hơn là để bàn về mâu thuẫn cần giải quyết.
Tôn trọng bạn đời đôi khi đơn giản chỉ là đối xử với họ như cách bạn muốn được đối xử. Vì thế trong giao tiếp, hãy tin tưởng rằng họ cũng như bạn, đang cố gắng giải quyết vấn đề theo cách tốt nhất với điều kiện, mục tiêu, động lực mà họ có.
- Xem thêm: Chia sẻ bí mật với bạn đời
Nếu không có sự tôn trọng, chúng ta sẽ đánh giá sự lựa chọn của họ là sai lầm, ngu ngốc, thiển cận… Chúng ta sẽ hạ thấp họ và tấn công vào những điểm khiến họ cảm thấy nhỏ bé, suy yếu. Nhưng dù bạn hả hê hay tủi hổ, thì các vết nứt trong ngôi nhà cũng đã bắt đầu xuất hiện.
Bên cạnh đó, Mark Manson cũng liệt kê những việc biểu hiện cho sự không tôn trọng mà các cặp đôi cần tháo gỡ từ sớm, như phàn nàn, nói xấu về bạn đời với bạn bè, người thân, thiếu sự tin tưởng, hay so sánh, hay mang những lỗi lầm, điểm yếu của nhau ra để công kích…
Lắng nghe cảm xúc
Leon F. Seltzer, tiến sĩ tâm lý học, giảng dạy tại Cleveland State University, người có hơn 30 năm nghiên cứu, thực nghiệm, hướng dẫn các cặp đôi giải quyết những rắc rối trong mối quan hệ, thì luôn nhấn mạnh rằng, sự đồng cảm – hay khả năng lắng nghe cảm xúc đối phương, là một trong những yếu tố tiếp theo để cải thiện khả năng giao tiếp cho các cặp đôi.
Lắng nghe luôn là một yếu tố quan trọng trong giao tiếp. Khi yêu, đa số phụ nữ đều thích những đối tượng nam giới biết lắng nghe và thấu hiểu họ. Hay cụ thể hơn, họ thích nam giới nghe, hiểu và giao tiếp với họ theo cách họ muốn.
Tuy nhiên trong hôn nhân, cả nam và nữ đều cần được lắng nghe như vậy. Và khi chúng ta nghe sai, đối tác của chúng ta sẽ thất vọng. Thông thường, họ sẽ phản ứng để ra tín hiệu cho chúng ta, như càu nhàu, ngó lơ, giận dỗi hay khuyên bảo, thậm chí là chỉ trích, tức giận…
Nếu cả hai tiếp tục nghe sai, đường dây giao tiếp của cả hai có thể sẽ bị đóng lại, vì giao tiếp lúc này không tạo ra sự thỏa mãn cho ai cả.
Do đó, để có thể nghe được đối tượng một cách tốt nhất, cả vợ và chồng đều phải có được sự đồng cảm. Cụ thể hơn, khi bắt đầu một cuộc giao tiếp, việc sử dụng những từ chân thành, sự hiểu biết tường tận vấn đề, con người đối phương hay tiếp cận mọi thứ với sự nhẹ nhàng, trên tinh thần xây dựng, tôn trọng… không phải lúc nào cũng tỏ ra hữu ích, mà hiểu được cảm xúc của người đối diện mới là chìa khóa của một cuộc giao tiếp thành công.
- Xem thêm: Bộc lộ tình yêu với bạn đời
Bởi thông thường, mọi hành động, lời nói của một người thường bị chi phối bởi ba yếu tố, là cảm xúc hiện tại, mục tiêu tương lai và bản chất, giá trị của họ được hình thành trong quá khứ. Trong đó, cảm xúc ở hiện tại là thứ dễ cảm nhận và tác động mạnh nhất, vậy nên, lắng nghe cảm xúc mới là cách lắng nghe hiệu quả nhất.
Đơn cử, trong rất nhiều trường hợp, cho dù đối tác của chúng ta đã công khai khẳng định điều gì đó bằng ngôn ngữ, cử chỉ, văn bản… thì biểu hiện trên khuôn mặt và giọng điệu của họ vẫn có thể khiến những điều khẳng định đó trở nên… vô nghĩa.
“Trong công việc, giao tiếp bằng cảm xúc nên được hạn chế, vì mọi thứ nên được rõ ràng, chi tiết, cụ thể. Tuy nhiên trong các mối quan hệ thân tình, đặc biệt là quan hệ hôn nhân, thì giao tiếp bằng cảm xúc, hiểu cảm xúc của đối phương là rất quan trọng. Điều này đặc biệt đúng với phụ nữ” – Leon F. Seltzer hóm hỉnh chia sẻ.