Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá thể, gia đình, doanh nghiệp và đặc biệt chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là môi trường giáo dục – nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp 4.0.
Giáo dục 4.0 nên được hiểu như thế nào?
Tại hội thảo Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục diễn ra tại ĐH Quốc tế – ĐHQG TP.HCM vào tháng 11 vừa qua, PGS-TS Hồ Thanh Phong – hiệu trưởng nhà trường nhận định: “Với CMCN 4.0 cần phải có nền giáo dục 4.0. Ở đó, con người, máy móc, thiết bị, công việc được kết nối mọi nơi để tạo ra nền giáo dục thiên về đào tạo cá nhân hóa. Trong khái niệm mới này, trường học, con người, chương trình, phương tiện truyền thống… được chuyển đổi thành đối tượng thông minh hơn, đặt trong hệ sinh thái sáng tạo, khởi nghiệp. Với giáo dục 4.0, trọng tâm là sáng tạo và kiến tạo giá trị”.
Cũng cho rằng giáo dục 4.0 sẽ hướng đến một nền giáo dục thông minh và sáng tạo hơn, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – HUTECH cho rằng: “Giáo dục 4.0 là mô hình giáo dục thông minh, hướng đến sáng tạo và tạo ra giá trị, với “sản phẩm đào tạo” là một thế hệ đủ tri thức, bản lĩnh, có khả năng tự mình khởi nghiệp. Trường đại học không chỉ là nơi nghiên cứu, đào tạo mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo – vừa giải quyết các vấn đề thực tiễn, vừa kiến tạo giá trị cho xã hội”.
Tương tự, Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên – PGĐ Trung tâm TV-TS-TT ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM – UEF chia sẻ giáo dục 4.0 sẽ là mối quan hệ “tay ba” của Nhà trường – Nhà quản lý – Doanh nghiệp từ đó giúp tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động trong xã hội tri thức.
Những cơ hội và thách thức trong nền giáo dục 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 thật sự đặt giáo dục đại học trước những thách thức mới đang nảy sinh nhanh chóng, trong đó, thách thức lớn nhất theo nhiều chuyên gia nhận định chính là các trường đại học đang rơi vào thế bị động. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh cho biết: “Bản thân các trường đại học vì chưa thể dự đoán hết được các kỹ năng mà thị trường lao động cần nên đang ở vào thế bị động. Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của các trường đại học chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống sẽ phải đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ cả về tư duy, cơ cấu kiến thức, kỹ năng và phương pháp. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi giáo dục không chỉ trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng mới mà còn xây dựng được một phương thức tư duy mới, “đánh thức” khả năng sáng tạo và thích ứng với sự thay đổi. Đây chính là thách thức lớn nhất khi các trường ĐH muốn “đón đầu” cuộc CMCN 4.0”.
Trong khi đó, theo PGS-TS Hồ Thanh Phong, CMCN 4.0 sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn cho người lao động với hàng loạt đòi hỏi kỹ năng: sáng tạo, quản lý con người, trí tuệ cảm xúc, đàm phán, linh động trong nhận thức… Từ đó, các đại học phải cạnh tranh nhau trong việc tạo ra sự khác biệt trong đào tạo, các giá trị cốt lõi, linh hoạt trong mọi hoạt động. “Nếu như trước đây trọng tâm của giáo dục là có việc làm, tạo ra kiến thức, thì nay phải là sáng tạo và kiến tạo giá trị. Sản phẩm của giáo dục những năm trước là người lao động có kỹ năng, có kiến thức hay cao hơn là người tạo ra kiến thức thì sắp tới phải là những nhà sáng tạo và nhà khởi nghiệp”, ông phân tích.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, CMCN 4.0 cũng mở ra nhiều cơ hội cho các trường đại học, đặc biệt trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các trường đại học trong nước và trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. “Khoảng cách giữa các trường đại học nước ta với các trường trong khu vực sẽ thu hẹp lại hoặc gia tăng thêm tùy vào chính sách và chiến lược của từng trường. Các trường đại học phải kịp thời nhìn thấy được xu hướng chung của thế giới, linh hoạt và có sự chuẩn bị tốt nhất trong giai đoạn này. Trong đó, những yêu cầu tiên quyết là đổi mới về tư duy quản lý, đánh giá đúng giá trị của sự đổi mới và sáng tạo, đầu tư tốt về hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống phòng thí nghiệm, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế hiện đại… Với các trường đại học đáp ứng được những yêu cầu đó thì cách mạng 4.0 chính là cơ hội để rút ngắn khoảng cách và thậm chí là bắt kịp xu thế đào tạo của khu vực và thế giới; nâng cao uy tín cho trường nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh nhận định.
Xu hướng ngành nghề trong cuộc CMCN 4.0
Theo các tài liệu được tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố và theo tư liệu nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế từ các hội thảo được công bố vào năm 2017-2018 cho thấy: Trong cách mạng công nghiệp 4.0, viễn cảnh các nhà máy thông minh – trong đó các máy móc được kết nối internet và liên kết với nhau qua một hệ thống, có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định – có vẻ không còn xa xôi nữa.
Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM phân tích: “Cuộc CMCN 4.0 dẫn đến tổn thất việc làm do sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, in ấn 3D, di truyền học và công nghệ sinh học. Chúng dẫn đến sự rối loạn không chỉ trong môi trường kinh doanh mà còn ở thị trường lao động vì cần các kỹ năng mới đáp ứng điều kiện mới”.
Ông cho biết thêm: “Song song đó, cũng theo khảo sát của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy lĩnh vực được xác định sẽ tăng nhu cầu lao động là phân tích dữ liệu, bán hàng chuyên nghiệp và loại nguồn nhân lực mới cũng như các chuyên gia liên quan đến vật liệu, hóa sinh, công nghệ nano và robot. Còn các lĩnh vực chịu thất nghiệp dự kiến là chăm sóc sức khỏe, năng lượng, dịch vụ tài chính, đầu tư sản xuất, đặc biệt là những lao động kỹ năng thấp. Từ đây, bản thân các trường đại học và học sinh, sinh viên cũng cần thay đổi định hướng trong việc lựa chọn ngành nghề để đào tạo cũng như theo học”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh cho rằng CMCN 4.0 tại Việt Nam về cơ bản là ứng dụng những công nghệ tự động hóa, trao đổi dữ liệu… trong công nghệ sản xuất. Chắc chắn những ngành như Công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin quản lý, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật cơ điện tử, Cơ khí tự động… sẽ là những ngành trọng tâm, chịu tác động và cũng có tác động lớn nhất đến cách mạng 4.0. Đây cũng là những ngành được ĐH Công nghệ TP.HCM – HUTECH đang chú trọng xây dựng và hoàn thiện đội ngũ giảng viên cũng như trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu của người học.
“Các ngành học có xu hướng chuyên môn hóa cao độ để hình thành các chuyên ngành mới, đòi hỏi bản thân sinh viên phải tìm hiểu thông tin khi lựa chọn ngành (hay chuyên ngành) và nhà trường phải kịp thời định hướng cho sinh viên – thông qua các hoạt động hướng nghiệp liên tục. Nhìn chung, thế giới nghề nghiệp thời đại 4.0 đòi hỏi ở người lao động sự linh hoạt, khả năng ứng dụng công nghệ vào công việc và thích nghi hiệu quả với những thay đổi của môi trường. Hơn nữa, vượt qua “giới hạn” của những chương trình đào tạo mang tính đơn ngành, liên ngành và đa ngành trước đó, nền giáo dục 4.0 đòi hỏi sự “xuyên ngành” để kịp thời cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế hiện đại. Dù với ngành học nào thì nhà trường và người học đều phải chú trọng đến sự kết hợp của những yếu tố và những yêu cầu này để quá trình đào tạo thực sự hiệu quả”, ông kết luận.