Cộng đồng kinh tế ASEAN (viết tắt là AEC – ASEAN Economic Community) chính thức hình thành cuối năm nay. AEC là một thị trường đơn nhất với năm yếu tố: hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động. Trong đó, để chuẩn bị cho nguồn lao động có chất lượng dịch chuyển tự do trong khu vực, giáo dục đại học đóng vai trò khá quan trọng. Sự chuẩn bị đồng bộ của hệ thống giáo dục đại học không chỉ trong nước mà trong cả khu vực sẽ giúp người lao động dễ dàng tìm kiếm các cơ hội việc làm thích hợp ở tất cả các nước ASEAN.
Tham gia hệ thống kiểm định chất lượng chung
Một trong những rào cản lớn trong việc thúc đẩy lao động chất lượng cao dịch chuyển trong khu vực chính là sự khác biệt trong hệ thống đào tạo và bằng cấp của các nước trong khu vực. Nói cách khác, cách thức và chất lượng đào tạo của các trường đại học trong khu vực hiện nay khá cách biệt. Nguồn lao động được đào tạo tại các nước có nền giáo dục đại học tiến bộ, có thứ hạng cao và được công nhận rộng rãi trên thế giới như Singapore sẽ mặc nhiên được đánh giá tốt hơn một số nước khác trong khu vực. Điều này dẫn đến việc bằng cấp tại quốc gia này có thể không được công nhận hoặc bị đánh giá thấp tại các quốc gia khác, gây khó khăn cho người lao động muốn tìm các công việc phù hợp trong khối ASEAN.
Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong khu vực nói chung, đồng thời cũng tạo cơ sở hướng đến việc công nhận bằng cấp rộng rãi trong khu vực, kể từ năm 1998, tổ chức giáo dục đại học ASEAN (viết tắt là AUN) đã thành lập mạng lưới đánh giá chất lượng chung cho các trường đại học trong tổ chức (AUN-QA). Theo PGS-TS Damrong Thawesaengskulthai – một chuyên gia đánh giá của AUN-QA, đồng thời là nguyên trưởng khoa Kỹ thuật của Đại học Chulalongkorn – Thái Lan, chương trình đào tạo được đánh giá đạt tiêu chuẩn của mạng lưới đại học Đông Nam Á sẽ giúp cho người học khi ra trường thuận lợi hơn trong việc xin việc ở các nước khác nhau trong khu vực.
Tính đến nay có 30 trường đại học trong khối ASEAN chính thức tham gia mạng lưới AUN, 20 trường đại học tham gia liên kết với hơn 100 chương trình được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA. Con số này thật ra chưa nhiều khi so với tổng số các cơ sở đào tạo đại học trong khu vực. Ông Damrong cho biết: “Tính riêng Indonesia hiện nay đã có hơn 3.000 trường đại học. Chỉ cần một nửa số lượng các trường tham gia đánh giá theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA thì mạng lưới này sẽ được nhân rộng gấp nhiều lần”.
Theo bà Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành của mạng lưới đại học Đông Nam Á (AUN), nếu việc đánh giá chất lượng theo AUN-QA được bộ giáo dục các nước ủng hộ theo hình thức khuyến khích hoặc bắt buộc các trường đại học thực hiện thì quá trình hội nhập giáo dục trong khối ASEAN sẽ được đẩy nhanh hơn. Tuy nhiên, cũng theo bà Nanatana, dường như các vấn đề về giáo dục chưa được quan tâm nhiều bằng các vấn đề khác trong các chương trình nghị sự của các quốc gia Đông Nam Á.
Trong thời điểm hiện nay, một số trường đại học đã nhìn trước được ích lợi của việc tham gia chuẩn đánh giá chung của khu vực. Điều quan trọng là khi thị trường chung AEC hình thành, các tổ chức giáo dục này sẽ giúp người học được đào tạo theo chương trình đạt chuẩn khu vực và đứng trước nhiều cơ hội việc làm trong khối ASEAN.
Đẩy mạnh du học trong khu vực Đông Nam Á
Giáo dục đại học khu vực cũng đang hướng đến việc thúc đẩy sự đi lại của sinh viên (student’s mobility) giữa các nước thông qua các chương trình trao đổi. Đây là cơ sở để tạo ra một lực lượng lao động quen với thị trường lao động chung AEC. Bà Nantana Gajaseni nhận định: “Việc sinh viên có cơ hội học tập tại một nước khác trong quá trình học đại học ít nhất trong một học kỳ sẽ là một lợi ích đáng kể cho sinh viên. Bên cạnh việc học, điều quan trọng hơn là các bạn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ của một nước Đông Nam Á. Khi thị trường chung AEC hình thành, nếu bạn đã có hiểu biết về văn hóa và kinh nghiệm sống cùng mạng lưới quan hệ tại các nước ASEAN khác nhau, bạn hẳn sẽ có ưu thế hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động”.
Hai năm qua, hệ thống chuyển đổi tín chỉ giữa các trường đại học Đông Nam Á (ACTS – ASEAN Credit Transfer System) giữa các trường đại học thành viên trong mạng lưới AUN đã bước đầu đi vào hoạt động. Trên thực tế đã có hơn 100 sinh viên từ sáu nước thành viên ASEAN tham gia trao đổi tại các trường đại học trong khu vực. Trong năm 2014, tổng số các môn học các trường cung cấp cho sinh viên đăng ký trao đổi đã tăng thành 14.138 môn. Hệ thống đăng ký online của ACTS (http://acts.ui.ac.id/) ghi nhận số lượng sinh viên đăng ký trao đổi tăng 20% và số lượng sinh viên được các trường tiếp nhận tăng 30% trong năm 2014 so với năm 2012.
Cách nghĩ về trao đổi sinh viên trong khu vực cũng đang dần dần thay đổi. Theo bà Nantana, trước kia các trường cho rằng chương trình đào tạo cần giống nhau 70% trở lên thì mới có thể tiến hành trao đổi. Tuy nhiên hiện nay cần áp dụng một cách nghĩ mới, đó là mục tiêu của việc trao đổi không phải đến một nước khác để học những nội dung cũng được dạy tương tựở nước mình, mà là để có những trải nghiệm quốc tế và trưởng thành hơn trong một môi trường văn hóa mới. Cách tiếp cận này giúp cho các trường đại học cũng như sinh viên các nước trong khu vực hội nhập thuận lợi hơn.
Giáo dục đại học Việt Nam: vẫn xa với hội nhập
Ở Việt Nam hiện nay có ba trường đại học là thành viên chính thức của AUN, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Cần Thơ. Tại ba trường đại học này, công tác đánh giá chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA được triển khai tương đối tích cực. TS Lê Hoàng Dũng, Trưởng khoa Ngữ văn Anh ĐH KHXH&NV TP.HCM – một trong những khoa có chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng AUN-QA vào cuối năm 2013, cho biết: “Tham gia kiểm định chất lượng là cơ hội để những người tham gia công tác đào tạo nhìn lại chương trình của mình và cải tiến chương trình tốt hơn. Đạt được chuẩn AUN-QA giúp khoa có uy tín hơn khi làm việc với đối tác quốc tế”.
Bà Nantana Gejaseni nhận xét: “Chất lượng giáo dục đại học của các trường ở Việt Nam tham gia kiểm định quốc tế tiến bộ rất nhanh trong những năm gần đây. Tôi nhận thấy những thay đổi trong chính sách giáo dục đại học và chất lượng giảng dạy ở các trường này. Nếu tiếp tục được tạo điều kiện tốt thì giáo dục đại học ở Việt Nam sẽ vươn lên các thứ hạng cao trong khu vực”.
Tuy nhiên, xét theo con số hàng trăm trường đại học và hàng ngàn chương trình đào tạo bậc đại học trên cả nước thì con số vài chục chương trình đạt chuẩn kiểm định chất lượng Đông Nam Á còn quá ít ỏi. Số lượng sinh viên quan tâm đến việc trao đổi, học tập tại các nước ASEAN còn hiếm hoi. Thông tin về việc du học trong khối ASEAN chưa được phổ biến rộng và hướng dẫn cụ thể.
Điều này xuất phát từ thực tế đa số chương trình đào tạo đại học của Việt Nam còn lạc hậu, chưa đồng bộ, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, những điều kiện hỗ trợ người dạy và người học chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, cho đến nay tiếng Anh vẫn là rào cản lớn nhất trong hội nhập giáo dục đại học của Việt Nam. Hạn chế về tiếng Anh không chỉ khiến cho đa số sinh viên Việt Nam chưa mạnh dạn du học theo hình thức trao đổi với các trường trong Đông Nam Á, mà còn khiến cho các tổ chức giáo dục đại học của Việt Nam chưa thể tiếp nhận nhiều giảng viên, sinh viên, các nhà nghiên cứu quốc tế như một số nước khác trong khu vực.
Bài báo này được viết trong chương trình: “Tường thuật ASEAN: 2015 và xa hơn” của tổ chức IPS-Asia hợp tác với Probe Media Foundation thực hiện. Chương trình được quỹ Rockefeller Foundation, quỹ ASEAN Foundation và ASEAN-Japan Solidarity Fund tài trợ.
Thanh Lê (DNSGCT)