Nguyễn Tùng, Lữ Phương, Phan Cẩm Thượng, nhóm Nhất Nghệ Tinh là những dịch giả nhà văn hóa đầy trách nhiệm với sứ mệnh “Góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XXI”, đã được vinh danh tại Lễ trao Giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ XI, diễn ra tại TP.HCM vào tối 24-3 vừa qua.
Nếu như các giải thưởng văn hóa khác đều ưu tiên cho các tác giả, tác phẩm trong nước thì Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lại bắt đầu bằng một giải dịch thuật, sau đó mới mở rộng thêm các hạng mục khác. “Điều ấy không hề ngẫu nhiên! Ngay từ đầu, chúng ta đã coi việc chuyển toàn bộ tài sản trí tuệ tinh hoa của nhân loại sang tiếng Việt, cho người Việt và xã hội Việt, là việc vô cùng quan trọng, có tính quyết định đối với phát triển của đất nước, cũng là thực hiện tâm nguyện khai sáng từ hơn trăm năm trước của Phan Châu Trinh.
Như quan điểm của dịch giả Nguyễn Tùng, chừng nào Việt Nam chưa dịch được hàng trăm cuốn sách được xem là tinh hoa của thế giới về triết học, nhân học, xã hội học… thì chừng đó Việt Nam chưa có được một nền đại học đúng nghĩa về xã hội và nhân văn”, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết. Từ suy nghĩ đầy trách nhiệm như vậy, Nguyễn Tùng và các dịch giả trên đã bắt tay vào công việc dịch thuật tác phẩm của các tác giả kinh điển, nhằm tạo nền tảng căn bản cho khoa học xã hội và nhân văn trong nước. Và họ xứng đáng được vinh danh ở một giải thưởng uy tín như Giải Văn hóa Phan Châu Trinh.
Đáng chú ý là ở hạng mục Việt Nam học, giải đã tôn vinh những tác giả người nước ngoài có những nghiên cứu xuất sắc về Việt Nam. Tân khoa năm nay là hai nhà sử học Pháp Pierre Brocheux và Daniel Hémery, với những tác phẩm quan trọng như Đông Dương, một công cuộc thực dân hóa nhập nhằng (1994), Hồ Chí Minh – từ nhà cách mạng đến bức tranh thánh (2003), Một lịch sử kinh tế Việt Nam – Cây đòn gánh và chiếc xe tải (2009), Châu thổ sông Cửu Long, Sinh thái, Kinh tế và Cách mạng, Lịch sử Việt Nam – Quốc gia có sức chống chịu mạnh mẽ” (2011), Công cuộc giải thực dân thế kỷ XX (2012), Hướng dẫn nghiên cứu Việt Nam. Thư mục. Tư liệu và Thư viện ở Pháp (1983), Tình trạng nô lệ quyền năng – Một lịch sử về năng lượng, Tiến tới một lịch sử của phát triển. Các quốc gia, các xã hội, và phát triển (1988)…
Đặc biệt, nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã được vinh danh ở hạnh mục Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Đây là dự án được truyền cảm hứng từ Điện Panthéon (Pháp), dành cho các danh nhân văn hóa tiêu biểu, nhằm lưu giữ những tư liệu về cuộc đời của danh nhân, các tác phẩm và thành tựu tiêu biểu, những bài viết và nghiên cứu đặc sắc cũng như một số đề xuất nghiên cứu thêm về từng vị danh nhân…
Sau đây là kết quả Giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ XI:
Giải Vì Sự nghiệp Văn hóa – Giáo dục cho Nhóm dịch sách Nhất Nghệ Tinh vì đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giáo dục công kỹ nghệ
“Khi dịch sách giảng dạy, chúng tôi rất thận trọng trong việc dịch thuật, phải nghiêm túc, tránh tạo lỗi sai, có thể gây hậu quả không tốt. Để hoàn tất một cuốn sách chuyên ngành, trung bình chúng tôi cần đến 20 người. Thời gian kể từ khi bắt đầu dịch cho đến khi in mất ba năm. Cho nên, thành quả của công trình này không phải là do một hai cá nhân, mà là sự chung sức làm việc, hòa đồng với nhau của một tập thể trong và ngoài nước”.
Giải Vì Sự nghiệp Văn hóa – Giáo dục cho nhạc sĩ Dương Thụ vì đóng góp đặc sắc quảng bá văn hóa và tri thức tinh hoa
“Một xã hội mà những người ưu tú nhất đã tìm đến nhau, đã ý thức được trách nhiệm của mình, không trông chờ, dựa dẫm vào những yếu tố bên ngoài, không im lặng trước cường quyền, trước sự bất công và dối trá, xã hội như thế là một xã hội đang tiến bước”.
Giải Nghiên cứu cho nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng vì những công trình đặc sắc nghiên cứu văn hóa dân gian
“Tôi nghĩ rằng chỉ có văn hóa mới khắc phục được các yếu kém trong quá trình phát triển, mà văn hóa cần phát triển từ gốc, từ truyền thống xa xưa, gạt bỏ và tiếp nhận liên tục, đổi mới liên tục cùng sự tổ chức xã hội thời đại toàn cầu và công nghệ”.
Giải Nghiên cứu cho nhà nghiên cứu Lữ Phương vì những công trình nghiên cứu sâu sắc về chủ nghĩa Marx
“Sự bất lực trong phát triển kinh tế, xã hội không chỉ khiến đất nước giậm chân trong lạc hậu, chậm tiến, mà quan trọng hơn nhiều lần là nó dẫn đến tình trạng những chủ thể của đất nước bị làm cho bệ rạc, ích kỷ, tầm thường, ác độc, khác hẳn với sự hình dung của Marx về hình mẫu một con người tự do, biết sống vì người khác bằng văn hóa và sáng tạo ra văn hóa cho xã hội mới”.
Giải Dịch thuật cho dịch giả Nguyễn Tùng vì những công trình dịch thuật đặc sắc về nhân học
“Phải chăng nhà nước Việt Nam cần phải có một “quốc sách” về vấn đề “khai dân trí” mà Phan Châu Trinh đã nói đến cách đây hơn một thế kỷ. Việt Nam cần rất nhiều dịch giả nghiêm túc và nhất là chuyên nghiệp, tức là có thể sống được với nghề này. Chứ không thể dựa vào những người dịch tài tử, không những “dở dở ương ương” mà còn quá già như tôi!”.
Giải Việt Nam học cho nhà nghiên cứu Daniel Hémery vì thành tựu đặc sắc về Việt Nam học
“Đối với chúng tôi, những người Pháp, Phan Châu Trinh là một trong những nhà trí thức lớn của thế kỷ XX đã từng suy nghiệm về dân chủ và sự tiến bộ của con người, và cho đến nay chúng tôi vẫn tự hào về cuộc vận động công luận do Liên minh Nhân quyền của Francis de Pressensé và Jean Jaurrès phát động ở Pháp đã cứu được ông ra khỏi ngục tù Côn Đảo ở Đông Dương”.
Giải Việt Nam học cho nhà nghiên cứu Pierre Brocheux vì thành tựu đặc sắc về Việt Nam học
“Tôi càng dễ nhạy cảm hơn trong nhận thức về các công trình chép sử của tôi khi nó bắt nguồn từ đất nước mà tôi gọi là đất mẹ của tôi trong khi tổ quốc tôi là đất nước của cha tôi. Nhà Brocheux vốn thuộc một dòng họ vùng Normandie còn mẹ tôi lại thuộc dòng họ Trương mà cái nôi sinh thành là Phan Thiết và sau đó đã di cư về Vĩnh Long”.