Giá vàng tại châu Á đi xuống trong phiên chiều 11/4 nhưng vẫn ở quanh mức cao của hai tuần đã được ghi nhận trong phiên trước đó, khi nhận định “ôn hòa” của các ngân hàng trung ương tại Mỹ và châu Âu làm dấy lên những lo ngại về khả năng kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ) vào lúc 14 giờ 33 phút (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.304,99 USD/ounce. Trước đó trong phiên 10/4, kim loại quý này đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 28/3 là 1.310,5 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD – thước đo “sức khỏe” của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – phiên này ở quanh mức thấp của hai tuần sau khi biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) củng cố quan điểm ôn hòa của Fed về chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có thể sẽ “hạ nhiệt”.
Nhà phân tích Kyle Rodda của công ty nghiên cứu thị trường IG Markets cho hay các nhà hoạch định chính sách đang tiếp tục phát đi những gợi ý rằng họ không vội vàng tăng lãi suất, nhất là Fed – Ngân hàng trung ương Mỹ. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng bày tỏ sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ của họ. Điều này khiến lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đi xuống và khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Các nhà giao dịch tại công ty môi giới MKS nhận định giá vàng sẽ nhận được hỗ trợ để duy trì trong khoảng 1.300-1.305 USD/ounce. Một sự bứt phá qua ngưỡng 1.310 USD/ounce có thể thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
Thị trường cũng đang chú ý theo dõi cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi hy vọng đang gia tăng rằng hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ nhanh chóng tìm được một giải pháp cho vấn đề tranh chấp thuế quan đã kéo dài gần một năm qua.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 0,2% xuống 15,18 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,6% lên 905,98 USD/ounce.