Mới đây, ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và cũng là Giám đốc Toàn cầu về Ngân hàng Trung Ương của Hội đồng Vàng thế giới (World Gold Council – WGC) đã có buổi trao đổi trực tuyến với các cơ quan truyền thông tại Việt Nam về Báo cáo Xu hướng Nhu cầu tiêu dùng Vàng mới nhất cho Quý I năm 2023.
Dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương tăng mạnh góp phần thúc đẩy nhu cầu vàng toàn cầu
Theo báo cáo, nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường OTC đã nâng tổng nhu cầu vàng lên 1.174 tấn, tăng nhẹ 1% so với quý 1 năm 2022.
Các ngân hàng trung ương góp phần kích cầu bằng cách bổ sung 228 tấn vào các dự trữ toàn cầu, đạt mức kỷ lục trong dữ liệu thống kê quý 1. Lượng vàng trang sức toàn cầu trong quý 1 duy trì ở mức ổn định với 478 tấn, trong khi nhu cầu đầu tư toàn cầu vào vàng thỏi và xu vàng đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 302 tấn.
Do rủi ro hệ thống của nền kinh tế Mỹ, nên tháng 3 đã ghi nhận sự phục hồi vốn đầu tư vào quỹ ETF vàng, từ đó góp phần giảm lượng rút của quý xuống chỉ còn mức khiêm tốn, khoảng 29 tấn.
Nhu cầu tiêu thụ vàng của người Việt trong Quý 1 năm 2023 giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thị trường Việt Nam, từ 19,6 tấn trong quý 1 năm 2022, nhu cầu tiêu thụ vàng đã giảm đi 12%, chỉ còn 17,2 tấn. Sự suy giảm nhu cầu trang sức vàng một phần do tác động từ hiệu ứng cơ số (strong base effects) và sự suy giảm trong tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong quý.
Nhu cầu vàng thỏi và xu vàng cũng trải qua sự suy giảm, từ 14 tấn trong quý 1 năm 2022 giảm xuống 10%, còn 12,6 tấn trong quý 1 năm 2023. Trong khi đó, nhu cầu trang sức cũng giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022, từ 5.6 tấn quý 1 năm 2022 xuống còn 4.6 tấn trong quý 1 năm 2023.
Xu hướng dự trữ vàng của ngân hàng và xu hướng chung của vàng
Tổng dự trữ vàng của ngân hàng trung ương toàn cầu gần như không thay đổi trong tháng 3, với mức tăng chỉ khoảng 0,2 tấn. Trong khu vực, dự trữ tại Trung Quốc đã bổ sung 18 tấn vàng, bổ sung tại Singapore tăng 17 tấn và Ấn Độ 4 tấn.
Sự tăng giá mạnh của vàng trong quý 1 sẽ chậm lại trong tháng 4. Các yếu tố hỗ trợ đến từ mức lãi suất thấp và dòng tiền tích cực vào quỹ ETF, trong khi áp lực đến từ kỳ vọng thấp vào sự ảnh hưởng của bối cảnh lạm phát và nhu cầu thu lợi nhuận từ việc bán ra. Giá vàng tăng thúc đẩy nguồn đầu tư tích cực vào các Quỹ ETF Vàng, mặc dù có xu hướng tăng chậm rãi hơn so với tháng Ba.
Tổng giá trị đầu tư khoảng 824 triệu USD trong khi lượng giữ tăng thêm 15 tấn. Tuy nhiên, nhu cầu về Quỹ ETF Vàng trong 4 tháng đầu năm 2023 vẫn tiếp tục âm (-13 tấn), với mức rút khoảng 654 triệu USD, do sự sụt giảm đầu tư ở châu Âu trong hai tháng đầu năm.
Với vai trò là Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) và Giám đốc Toàn cầu về Ngân hàng Trung Ương WGC, ông Shaokai Fan có trách nhiệm tư vấn cho các chính phủ về các vấn đề liên quan đến vàng và mở rộng thị trường vàng. Bên cạnh đó, ông cũng làm việc trực tiếp với ngân hàng trung ương và quỹ tài sản quốc gia về các khía cạnh đầu tư chiến lược.
Trước khi gia nhập WGC, ông Shaokai Fan đã có nhiều năm làm việc tại Standard Chartered Bank và đảm nhận nhiều vị trí quan trọng. Ông từng là Giám đốc Chiến lược Châu Á, và tư vấn cho các ngân hàng trung ương về những ảnh hưởng của quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (RMB) và thúc đẩy RMB trở thành đồng tiền dự trữ mới. Ông cũng đã cung cấp tư vấn về chính sách kinh tế cho chính phủ Đài Loan.