Tính đến ngày 5-6, giá gạo 25% tấm của Việt Nam chỉ khoảng 355 USD/tấn (so với mức giá 435 USD/tấn vào tháng 9-2012), còn tính bình quân giá gạo xuất khẩu năm tháng đầu năm 2013 của nước ta giảm 23,5 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Dù giá xuất khẩu giảm, nhưng sản lượng gạo hàng hóa của nước ta vẫn không ngừng tăng, dự kiến năm nay có thể đạt 8,4 triệu tấn. Trong khi đó, cầu lương thực thế giới giảm do suy thoái kinh tế. Cung nhiều hơn cầu càng khiến giá gạo ViệtNamgiảm mạnh. Hệ quả của việc giá gạo xuất khẩu giảm là giá thu mua lúa cũng giảm, thấp hơn giá thành sản xuất, thậm chí nhiều nơi thu hoạch xong nông dân không tìm được người mua.
Được mùa nhưng người nông dân không vui vì giá quá thấp
Để giúp đỡ người nông dân, ngày 5-6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) trong vụ hè thu 2013 ở Đồng bằng song Cửu Long. Các loại lúa gạo tạm trữ gồm lúa gạo thường và lúa gạo thơm, thời hạn mua tạm trữ từ 15-6 đến hết ngày 31-7-2013. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa gạo tạm trữ, thời gian được hỗ trợ lãi suất tối đa là ba tháng tính từ 15-6 đến hết ngày 15-9-2013.
Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần có một chiến lược dài hạn để phát huy hết sức mạnh của cây lúa và của hạt gạo xuất khẩu. Có thể phải chuyển một số diện tích lúa chất lượng không cao sang trồng màu, bắp hay cỏ, hoặc chuyển từ trồng ba vụ sang hai vụ để nâng cao chất lượng, đồng thời với nâng cao công tác chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Thay vì chạy theo số lượng, chúng ta cần quan tâm đến giá trị cuối cùng mà hạt gạo xuất khẩu đem lại, để không lâm vào tình trạng xuất khẩu nhiều nhưng giá trị không bao nhiêu như hiện nay.
Ly Lam