Từ đầu tháng 6 vừa qua, cả giá dầu Brent và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đều bước vào thời kỳ giảm sút. Tính đến ngày 29-7, giá dầu Brent đã giảm 16,69% so với mức cao nhất trong tháng (từ 52,51 USD xuống còn 41,8 USD/thùng), còn dầu WTI cũng mất 20% giá trị (từ 51,23 USD còn 40,77 USD/thùng).
Có một số nguyên nhân dẫn tới xu hướng giảm giá trên thị trường dầu mỏ hiện nay. Thứ nhất là con số thống kê công bố ngày 27-7 của Bộ Năng lượng Mỹ, theo đó bất chấp mọi dự đoán, kho dự trữ dầu thô và xăng tại Mỹ đang ngày một đầy lên. Ngoài ra, những yếu tố tác động làm tăng giá dầu từ hồi mùa xuân cũng đã không còn. Nguồn cung dầu từ Canada vốn bị ngưng trệ do cháy rừng đã được phục hồi. Nigeria cũng tăng nguồn cung vốn bị gián đoạn do nhiều vùng khai thác dầu bị các tay súng tấn công. Chính do gián đoạn nguồn cung cấp dầu từ hai nước này mà thị trường tưởng như đã vượt qua tình trạng thừa, nhưng thực tế thật ra không phải như vậy.
Nguyên nhân làm giảm giá dầu vẫn không được gỡ bỏ khi nguồn cung dư thừa và các nguồn xuất khẩu được nối lại. Theo các chuyên gia phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs, nguy cơ lớn nhất đe dọa giá dầu là đồng USD tiếp tục tăng giá và FED có thể tăng lãi suất cơ bản.
Công ty dầu khí Mỹ Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trong suốt bốn tuần của tháng 7. TờFinancial Times cho biết nếu số giàn khoan tiếp tục tăng, tình hình thu hẹp sản lượng dầu tại Mỹ sẽ ngừng lại, giá dầu sẽ lại chịu sức ép đi xuống.
Economist Intelligence Unit dự báo giá dầu Brent sẽ giảm còn 40,34 USD/thùng. Một số chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực năng lượng cho rằng giá dầu sẽ giảm xuống 40 USD/thùng vào giữa hoặc cuối tháng Chín tới nếu giá xăng giảm.
Financial Times nhận định, trên thị trường Mỹ đang rất dư thừa nhiên liệu: thậm chí còn nhiều hơn mức dự trữ năm 2015 tới 12%. Theo chuyên gia Philip Verledzher, tiêu thụ xăng tại Mỹ trong năm 2016 chỉ tăng 1,1% so với năm 2015.
Các nhà phân tích của một số ngân hàng đầu tư thế giới, bao gồm Citigroup Inc. và Société Générale SA, thì ngược lại, dự báo rằng bất chấp xu hướng giảm giá hiện nay, thị trường sẽ hồi phục vào cuối năm. Bloomberg dẫn lời chuyên gia phân tích của Barclays Misuin Mahesh cho hay: “Nguồn cung đang được điều chỉnh mạnh, giảm mạnh hơn nhiều nguồn cầu từ quý IV-2015”. Theo ý kiến của các chuyên gia của Barclays và Commerzbank, giá dầu sẽ quay trở lại mức 50 USD/thùng. Song đồng thời, theo Commerzbank, tâm lý thị trường lại xấu đi trước viễn cảnh giá dầu sẽ giảm còn 40 USD/thùng trong thời gian tới.
Các chuyên gia được hãng tin Anh Reuters thăm dò ý kiến cho rằng trong năm nay, giá dầu sẽ tăng nhờ nhu cầu tăng, thậm chí bù lại được cả giai đoạn xuống dốc. Theo họ, trong năm 2016, giá một thùng dầu trung bình sẽ đạt 45,51 USD, cao hơn 0,31 USD so với dự báo hồi tháng Sáu. Hãng tin Reuters dẫn lời chuyên gia phân tích tại công ty tài chính Raymond là James Luana Siegfried: “Năm 2016 chúng tôi dự báo lượng cầu dầu thế giới sẽ tăng trung bình 1,4 triệu thùng/ngày, còn sang năm 2017 sẽ tăng ở mức độ vừa phải, trước hết tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Phi”.
Cung vẫn sẽ vượt cầu, song những trục trặc trong sản xuất, bao gồm cả những trục trặc do bất ổn địa chính trị sẽ kìm hãm cung tăng. Theo ý kiến các chuyên gia mà hãng Reuters thăm dò, trên bối cảnh cung và cầu được cải thiện, giá dầu Brent trong quý IV-2016 sẽ đạt 51,15 USD/thùng, năm 2017 – 58,63 USD/thùng, và năm 2018 – 66,28 USD/thùng.
Lê Quân (DNSGCT)