Trong 193 quốc gia trên thế giới, Belize chỉ xếp thứ 151 về mặt diện tích. Với 22.966km², Belize thậm chí còn nhỏ hơn Việt Nam 14 lần. Nhưng trong chính đất nước tí hon ấy lại có Hố xanh Khổng lồ lừng danh, Rạn san hô Barrier sống hơn cả Great Barrier cùng nhiều tàn tích Maya có giá trị lịch sử khác.
Belize là một quốc gia ở vùng Trung Mỹ, phía Bắc giáp Mexico, Tây và Nam giáp Guatemala, còn phía Đông là Vịnh Honduras, một vịnh lớn thuộc biển Caribê. Giống như Mexico, nó cũng là cái nôi của người Maya nguyên thủy, được tộc người này chọn làm địa bàn sinh tồn từ thế kỷ XVI trước Công nguyên.
Giàu động thực vật hoang dã bậc nhất
Có đến hơn 60% diện tích của Belize vẫn là rừng. Nhờ khí hậu ẩm, mưa nhiều (kéo dài từ tháng 5 – tháng 11) và nhiệt độ dễ chịu, chỉ từ 24-27oC, đất nước này phát triển một hệ thực vật cực kỳ đa dạng và tươi tốt. Phía Bắc là các đồng bằng ven biển bằng phẳng, đầm lầy, rừng thấp dày đặc cây cối, dây leo, cỏ đại. Còn phía Nam bao gồm các dãy núi thấp, cao nhất là đỉnh Doyle’s Delight, nhưng cũng chỉ mới 1.124m.
Theo ước tính vào đầu năm 2019 thì tổng dân số của Belize khoảng 398.050 người. Xét trên tổng diện tích, mật độ dân cư ở quốc gia này thấp tới mức chỉ 17,3 người/km2. Tất nhiên là trong điều kiện thuận lợi cả về địa hình, khí hậu lẫn diện tích hoang dã ấy, thực vật nô nức chen chân. Chí ít, Belize cũng là nhà của hơn 5.000 loài cây khác nhau. Thêm một điều đáng ngưỡng mộ nữa là ngoài trên 60% diện tích là rừng ra, Belize còn có 20% diện tích là đất đai canh tác nông nghiệp. Nói cách khác, hơn 80% đất nước này được cây cối phủ xanh.
Nhờ độ cao so với mực nước biển thấp mà trong Belize hình thành đủ các loại rừng thấp quan trọng, trong đó có rừng ngập mặn. Nó chiếm một phần quan trọng của Hành lang Sinh thái Trung Mỹ (Mesoamerican Biological Corridor), cái trải dài từ Nam Mexico tới tận Panama. Không chỉ thế, Belize còn hết lòng bảo vệ thiên nhiên hoang dã, đưa hẳn 37% diện tích đất liền vào diện bảo tồn chính thức, nức tiếng là đất nước có diện tích bảo tồn lớn nhất châu Mỹ.
Trong Belize cũng có hàng trăm loài động vật, bao gồm cả các loài quý hiếm như báo đốm, thú có mai, đại bàng, heo vòi, vẹt đuôi dài… Đáng tiếc là vì rừng quá rậm rạp mà rất khó cho du khách ưa khám phá thiên nhiên hoang dã tận mắt chiêm ngưỡng những loài thú quý hiếm này trong tự nhiên. Nhưng đừng lo bởi Belize sẵn sàng phục vụ bằng một sở thú rộng rãi. Vườn thú Belize (Belize Zoo) chỉ cách thành phố Belize có 45 phút lái xe. Đặc biệt, nó không vì mục đích nuôi nhốt, trưng bày động vật, mà vì nhiệm vụ giải cứu cao cả. Các động vật bị thương, cần được chăm sóc đều được đưa vào đây. Sau khi liền da, lành xương, sẵn sàng tự lập, tất cả lại được trả về thiên nhiên hoang dã.
Điều thú vị là Vườn thú Belize được thành lập và điều hành bởi một người Mỹ tên là Sharon Matola. Matola vốn chỉ định tới Belize để quay phim tài liệu, nhưng lại bị các động vật đáng yêu của nơi này níu chân, cuối cùng quyết định ở lại làm “vệ sĩ” cho chúng. Do được cứu và chăm sóc bởi con người, các động vật hoang dã trong Vườn thú Belize khá dạn dĩ, một số còn ưa quấn quýt nữa. Bạn có thể tự tay cho heo vòi ăn, thậm chí chơi đùa với báo cũng được.
Rạn san hô sống nhất hành tinh
Nếu so sánh về mặt diện tích, Rạn san hô Barrier (960km2) của Belize rõ ràng là thua kém Great Barrier (348.700km2) của Úc rất nhiều. Tuy nhiên, nó lại nằm trong Hệ thống Rạn san hô Trung Mỹ lớn nhất thứ hai trên thế giới, cái trải dài hơn 1.000km, kéo từ Isla Contoy, Yucatán tới Belize, vắt qua cả Guatemala và Quần đảo Bay của Honduras. Đặc biệt, nếu so sánh về khái niệm sức sống thì nó “sống” hơn Great Barrier.
Kể từ năm 2010, Belize đã đi đầu toàn cầu trong việc cấm đánh bắt tầng đáy. Đến năm 2015, quốc gia này lại ra sắc lệnh cấm khoan dầu ngoài khơi trong phạm vi 1km tính từ rìa Rạn san hô Barrier. Nhờ thế, Barrier tránh được số phận thảm khốc bị tẩy trắng đến 2/3 như Great Barrier. Trong 300km chiều dài của nó có tổng cộng 450 cồn và 3 rạn san hô vòng. Chúng nuôi dưỡng tất cả 70 loài san hô cứng, 36 loài san hô mềm, 500 loài cá cùng hàng trăm loài động vật không xương sống. Thú vị là mới chỉ có 10% Barrier là đã được khám phá thôi, 90% còn lại vẫn còn là bí ẩn và thách thức. Lẽ đương nhiên, nó lập tức trở thành địa điểm lặn biển hấp dẫn nhất Trái đất, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách ghé thăm hàng năm.
Do sớm được bảo vệ nên Barrier giờ đây đầy rẫy địa điểm chiêm ngưỡng sự sống dưới đáy biển, song nổi bật nhất vẫn là Ngõ Cá đuối Cá mập (Shark Ray Alley). Nó nằm ngoài khơi Đảo Ambergris, thuộc Khu bảo tồn Đại dương Hol Chan. Do cư dân thường hay mổ rửa cá ngay tại chỗ, sau đó vứt ruột xuống biển mà cá mập miệng bản lề (Ginglymostoma cirratum) và cá đuối ó (Myliobatoidei) thi nhau kéo về kiếm chác, đông đến đặc cả nước.
Hố xanh khổng lồ nhất đại dương
Great Blue Hole hay còn được gọi là Hố xanh Khổng lồ là một hố chìm ngay giữa đại dương, nằm ngoài khơi bờ biển Belize. Nó có hình tròn hoàn hảo với chiều rộng 318m và chiều sâu 124m, được hình thành cách đây 153.000 năm.
Nhìn từ trên cao, Great Blue Hole rõ mồn một với màu xanh đậm hơn hẳn so với nước biển xung quanh. Trong nó tràn ngập vô số sinh vật biển, từ cá vẹt đến cá mập. Tuy hiếm khi xuất hiện nhưng cả cá mập bò lẫn cá mập đầu búa đều có trong Hố xanh. Rất nhiều du khách ưa lặn biển bị quyến rũ bởi cái hố độc đáo này. Họ đến để được thỏa thích vẫy vùng trong làn nước trong vắt và ngắm nhìn cá biển đầy màu sắc lượn lờ phía dưới.
Theo suy đoán của các nhà nghiên cứu thì Hố xanh vốn là sản phẩm của đất liền, được hình thành trong kỷ Băng hà, khi nước biển cực thấp. Tuy nhiên, do tiết trời dần ấm làm băng tan và nước biển dâng, nó bị nhấn chìm, trở thành cái hố kỳ dị giữa lòng nước biếc mênh mang.
Có 2 cách để tận hưởng Great Blue Hole là bằng thuyền hoặc bằng trực thăng, nhưng bằng trực thăng là tuyệt hơn cả. Từ trên cao, toàn bộ dáng vẻ tuyệt sắc của Hố xanh sẽ trong tầm mắt. Belize cũng cung cấp dịch vụ nhảy dù xuống Hố xanh. Nếu bạn đủ can đảm thì đừng ngại thử! Đó sẽ là một trải nghiệm cực kỳ đáng giá, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Kho báu văn hóa, khảo cổ
Tới phía Nam của Belize, một “di sản văn hóa phi vật thể” đang “cực kỳ nguy cấp” sẽ hiện ra. Đó là ngôn ngữ, vũ điệu, âm nhạc Garifuna. Vốn dĩ Garifuna là một tộc người bản địa của đảo Saint Vincent. Họ có tổ tiên là các nhóm di cư từ Anter Antilles, Saint Vincent và Grenadines. Vào cuối thế kỷ XVIII, khi Saint Vincent vẫn còn bị Anh – Pháp thuộc địa, chính phủ Anh đã ban lệnh trục xuất toàn bộ cư dân Garifuna ra khỏi đảo. Sau thời gian lang bạt, cuối cùng họ tìm được bến đỗ tại phía Nam Belize.
Ngày nay, các Garifuna đều là người lai, mang tổ hợp gien bao gồm Tây Phi, Trung Phi, Caribê, châu Âu và Arawak. Tuy từng bị đuổi khỏi nơi sinh cư, phải chịu không ít khốn khổ nhưng các hậu duệ của họ vẫn nỗ lực giữ gìn bản sắc. Từ năm 2001, văn hóa Garifuna được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Rất dễ để trải nghiệm văn hóa Garifuna ở Belize, từ ẩm thực cho đến trang phục, nhảy múa, hát hò. Tại thị trấn Dangriga, Belize còn có một bảo tàng lưu giữ các hiện vật hiện thân cho văn hóa Garifuna, Bảo tàng Gulisi Garifuna.
- Xem thêm: Lạc vào thế giới của người Maya cổ đại
Ngược qua phía Bắc, bạn còn thấy những tàn tích Maya nổi bật. Chúng bao gồm 4 địa điểm chính là Lamanai, Caracol, Lubaantun và Xunantunich. Trong số đó, Lamanai là nổi bật nhất. Theo tiếng Maya thì Lamanai có nghĩa là “cá sấu lặn”. Có nhiều bằng chứng cho thấy người Maya đã bắt đầu sinh sống ở Lamanai từ thế kỷ XVI trước Công nguyên. Sau thời thuộc địa Tây Ban Nha (1544-1700) khu định cư này mới bị bỏ rơi, dần bị rừng già phủ kín. Hiện nay, hầu hết các công trình lớn của nó đều đã được khôi phục, bao gồm cả 3 kiến trúc vĩ đại nhất là Đền Mặt nạ, Đền cao và Đền Báo.