Với tinh thần quyết liệt, thần tốc và đóng góp kịp thời cho các nhu cầu cấp thiết trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt ở các khu cách ly, FPT liên tục triển khai ứng dụng công nghệ phục vụ công tác truy vết dịch, đảm bảo kết nối không gián đoạn trong các bệnh viện dã chiến, cung cấp khu cách ly hơn 3,000 chỗ.
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã lan ra rộng khắp 62 tỉnh thành trên cả nước với diễn biến khó lường, cùng với sự xuất hiện của chủng mới Delta của virus nguy hiểm cao, lây lan nhanh và khó chữa trị. Điều này đã tạo áp lực kép về nhu cầu tập trung nguồn lực đội ngũ y bác sĩ tác chiến cũng như nhu cầu về cơ sở hạ tầng tại khu vực chữa trị, cách ly phục vụ cho công tác khám và chữa bệnh.
Với mong muốn chung tay cùng cả nước trong kiểm soát, hạn chế tối đa sự lây lan của dịch, FPT chủ động phối hợp cùng các lực lượng chống dịch đưa các giải pháp công nghệ sẵn có vào các hoạt động phòng chống dịch hiện tại, nhằm tiết kiệm nguồn lực, nâng cao an toàn cho mọi người. Tập trung triển khai các giải pháp công nghệ tới các bệnh viện dã chiến, cùng các hoạt động hỗ trợ trên các mặt trận, FPT đã và đang cố gắng giảm tải khối lượng công việc và nâng cao an toàn cho lực lượng tuyến đầu.
Phối hợp cùng Bộ/Ban ngành kiểm soát, truy vết dịch
Việc áp dụng các giải pháp công nghệ vào công tác kiểm soát, truy vết thông tin dịch bệnh nhằm mang lại hiệu quả cao trong giải phóng một nguồn sức lao động khổng lồ từ các nhân viên tổng đài. Qua đó, chúng ta có thể tập trung nguồn lực này cho công tác chữa trị ở tuyến đầu.
Cụ thể, chỉ trong vòng 1 ngày sau khi nhận được thông tin từ Bộ KHCN, FPT đã hoàn thiện trợ lý ảo voiceBot truy vết Covid-19, giúp gia tăng hiệu quả đáng kể cho đội ngũ truy vết dịch trên toàn quốc. Tính đến nay, trợ lý ảo đã thực hiện hơn 2.2 triệu cuộc gọi tới hơn 1.2 triệu công dân Việt Nam tại 6 tỉnh thành phố có dịch, góp phần phát hiện hàng nghìn trường hợp có triệu chứng nhiễm bệnh.
Trước đó, năm 2020, chỉ trong vòng 7 ngày khi diễn ra làn sóng Covid-19 lần thứ nhất tại Việt Nam, FPT đã hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam kịp thời xây dựng và đưa Trợ lý ảo nCov vào ứng dụng để tự động cung cấp thông tin và giải đáp mọi câu hỏi về dịch bệnh của người dân.
Đảm bảo kết nối không gián đoạn tại các bệnh viện dã chiến
Bám sát từ nhu cầu cấp thiết của những bệnh viện dã chiến mới được thành lập tại TP.HCM cũng như những bệnh viện trên cả nước, FPT nhanh chóng áp dụng thế mạnh công nghệ sẵn có để triển khai lắp đặt thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin tại các bệnh viện. Những thiết bị, hạ tầng công nghệ được lắp đặt trong thời gian thần tốc, để nhanh chóng kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết về hội chẩn, họp trực tuyến của các y bác sĩ. FPT mong muốn góp phần giảm tải việc tiếp xúc trực tiếp của y bác sĩ trong quá trình thăm khám chữa bệnh để bảo vệ đội ngũ bác sĩ tiền tuyến, tránh lây lan dịch bệnh, đồng thời nâng cao vận hành an toàn, hiệu quả của bệnh viện dã chiến.
Nhanh chóng tiến hành khảo sát, lên phương án, thống nhất kế hoạch với bệnh viện, FPT đã hoàn thiện triển khai lắp đặt hạ tầng CNTT tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1, số 4, số 7, số 8, số 10, số 16 tại TP. HCM và Bệnh viện dã chiến Khu kí túc xá phía Tây Đà Nẵng. Hệ thống Wi-Fi với 100 điểm phát, cùng đường truyền băng thông lớn, hệ thống họp trực tuyến Onmeeting by FPT, dàn máy tính, máy in và các camera giám sát đã được lắp đặt tại các Bệnh viện Dã chiến chỉ trong 1-2 ngày triển khai.
Sau khi triển khai bệnh viện dã chiến, FPT tiếp tục trang bị giải pháp công nghệ toàn diện cho khu cách ly tập trung, bao gồm phủ sóng Internet băng thông rộng, camera an ninh giám sát đảm bảo an toàn cho khu cách ly và đặc biệt giải pháp On Meeting – tích hợp giữa thiết bị phần cứng hiện đại OnMeeting OMT-10 và Ứng dụng họp trực tuyến thông minh trên đa nền tảng, có thể hỗ trợ các y bác sĩ họp giao ban, hội chẩn trực tuyến trong tình hình dịch bệnh cần tương tác nhanh gọn và liên tục như hiện tại. Quá tình triển khai được thực hiện an toàn, nhanh chóng để đưa vào hoạt động kịp thời.
Hỗ trợ khu cách ly đảm bảo an toàn giãn cách
Bên cạnh thế mạnh công nghệ sẵn có, FPT đã liên tiếp triển khai hoạt động hỗ trợ thiết thực như tiên phong hỗ trợ khu vực cách ly, vật dụng sinh hoạt, lương thực… tới những tỉnh, thành phố trọng điểm, nhằm hỗ trợ công tác cách ly và đảm bảo an toàn giãn cách.
Ngay khi xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên tại Hà Nội, FPT gấp rút bàn giao gần 3,000 chỗ tại ký túc xá Trường đại học và THPT FPT ở Hoà Lạc nhằm hỗ trợ công tác cách ly của thành phố. Hơn 70 cán bộ, nhân viên, thầy cô nhà trường đã tham gia hỗ trợ sinh viên di chuyển khối lượng tài sản, đồ đạc lớn trong thời gian gấp gáp, song song với tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc 5K. Trước đó, khi dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020, ký túc xá của Đại học FPT cũng được Hà Nội trưng dụng làm khu cách ly cho khoảng 2,000 người.
Trong thời điểm Bắc Giang là tâm dịch với số ca mắc mới mỗi ngày tăng tới hơn 300 ca, FPT cũng triển khai hỗ trợ 1 tỷ đồng tiền mặt tới Bệnh viện đa khoa Bắc Giang và UBND thành phố Bắc Giang, hỗ trợ kịp thời cho các hoạt động phòng chống dịch của tỉnh. Mới đây, ngày 23/7, FPT cũng tổ chức trao tặng 1 tấn gạo tới người dân gặp khó khăn mùa dịch tại Ninh Thuận.
Chung tay cùng Quỹ Hy vọng hỗ trợ những người yếu thế trong dịch Covid-19, từ 25-27/7, FPT đã trao tặng 16 tấn rau củ tươi tại tâm dịch TP.HCM. Tiếp tục với thông điệp “Kết nối an toàn – Yêu thương lan tỏa”, ngày 27/7, FPT triển khai tặng 10 tấn nông sản sạch từ Đà Lạt chuyển về hỗ trợ những khách hàng khó khăn tại tâm dịch TP.HCM. Những món quà thiết thực là rau, củ tươi xanh, đảm bảo an toàn với bắp cải, cà rốt, sả, bầu, bí… được đóng gói và trao tận tay từng gia đình trong khu vực phong tỏa, cách ly thông qua sự hỗ trợ với chính quyền địa phương đảm bảo quy tắc 5K trong mùa dịch.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định: “Công tác hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu tại tâm dịch cần triển khai nhanh chóng, kịp thời, để ngay lập tức đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. FPT mong muốn góp sức, chung tay cùng các Bộ/ Ban ngành để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, từng bước khôi phục sản xuất, lấy đà tăng trưởng kinh tế.”