Theo số liệu mới nhất từ Liên Hiệp Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu được kỳ vọng sẽ hồi phục trong năm 2015 sau khi giảm đến 16% trong năm ngoái do kinh tế thế giới còn chưa thoát khỏi suy thoái và khủng hoảng chính trị lẫn quân sự bùng phát tại nhiều nơi. Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) trong bản báo cáo thường niên đã cho biết FDI trên toàn thế giới giảm chỉ còn 1.230 tỉ USD trong năm 2014, phần lớn do niềm tin của giới đầu tư sụt giảm mạnh, trong khi năm vừa qua cũng chứng kiến mâu thuẫn giữa các nước gia tăng mạnh, nổi bật là cuộc khủng hoảng tại Ukraina dẫn đến việc đối đầu giữa Nga và phương Tây được xem là căng thẳng nhất kể từ sau thời Chiến tranh lạnh. Trong khi dòng tiền đầu tư đổ vào các nước đang phát triển đạt mức cao kỷ lục 681 tỉ USD trong năm qua với mức tăng 2%, FDI đi vào các nước phát triển giảm 28%, còn 499 tỉ USD. Quốc gia ghi nhận mức FDI cao nhất năm 2014, Trung Quốc, đồng thời là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thu hút tổng cộng 129,6 tỉ USD, còn châu Á nói chung thu về 465 tỉ USD. Nền kinh tế thứ hai sau Trung Quốc lục địa thu về nhiều FDI nhất khu vực là Hongkong với 103 tỉ USD, đứng thứ ba là Mỹ với 92 tỉ USD. Tiếp theo, danh sách lần lượt là Anh, Singapore, Brazil, Canada, Úc, Ấn Độ và Hà Lan.
Báo cáo năm nay dự báo FDI trong năm 2015 sẽ tăng 11% lên 1.400 tỉ USD nhờ vào nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia. Số liệu kỳ vọng cho năm 2016 sẽ là 1.500 tỉ USD và 1.700 tỉ USD trong năm 2017, khi đó các tập đoàn đa quốc gia được dự tính sẽ sở hữu khoảng từ 24% đến 32% số tiền đầu tư. Tuy nhiên, UNCTAD cảnh báo rằng mức độ hồi phục và tăng trưởng FDI trên toàn cầu vẫn lệ thuộc rất nhiều vào những yếu tố kinh tế và chịu tác động mạnh bởi những rủi ro chính trị bao gồm những biến động hiện nay tại khu vực đồng euro, những chuyển biến trong mâu thuẫn chính trị giữa các quốc gia và tính rủi ro vốn có tại các nền kinh tế đang phát triển. Do đó, trong những năm tới, FDI vẫn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dịch vụ và phát triển cơ sở hạ tầng tại những nước nghèo để không chỉ cải thiện điều kiện kinh tế đầu vào mà còn giảm những hạn chế trong việc mở rộng hoạt động kinh tế về mặt lâu dài một khi các tập đoàn quốc tế thâm nhập những nước nghèo. Trong 3-5 năm tới, những quốc gia sẽ mang tiền sang nước ngoài đầu tư nhiều nhất sẽ là những nền kinh tế mới nổi bao gồm Brazil, Trung Quốc, Hongkong, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Singapore, Nam Phi và Đài Loan.
Lâm Kiên theo AFP (DNSGCT)