Đó là nhận định của tổ chức Markit Economics chuyên thực hiện những cuộc điều tra về tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, dựa trên chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng, lấy 50 làm con số trung bình). Cụ thể, theo kết quả điều tra mới nhất của Markit, PMI của Eurozone đã từ 48,7 trong tháng 6 tăng lên 50,4 trong tháng 7-2013, một sự tăng tiến (quá 50) phải chờ đến 18 tháng mới có được. Chuyên viên cao cấp của Markit, ông Chris Williamson đã nhận định: “Chỉ số PMI tốt nhất trong vòng một năm rưỡi cung cấp những chứng cứ đáng phấn khởi về việc khu vực đồng euro có thể thoát ra khỏi suy thoái vào quý III”. Cũng theo Williamson, hai yếu tố dẫn đến tình trạng lạc quan trên là sự vươn lên của lĩnh vực sản xuất và những dấu hiệu ổn định của khu vực dịch vụ. Nhưng ông cảnh báo là tình trạng nhân dụng vẫn tiếp tục đi xuống, cho dù với một mức độ chậm hơn so với đầu năm.
Công nghiệp sản xuất ôtô phát triển nhanh ở Đức
Được biết chỉ số PMI do Markit công bố là kết quả của một cuộc điều tra tiến hành với hàng ngàn công ty trên khắp Eurozone và được dư luận rộng rãi đánh giá là những dữ liệu đáng tin cậy. Theo kết quả đó, nền kinh tế hàng đầu của khu vực là Đức đã có sự gia tăng sản lượng trong năm tháng qua, trong khi tình trạng thất nghiệp đã giảm nhẹ. Nền kinh tế đứng thứ hai Eurozone là Pháp tăng trưởng chậm, PMI từ 47,4 vào tháng 6 tăng lên 48,8 vào tháng 7. Trong khi đó, các nền kinh tế từng bị nguy ngập như Ý, Hy Lạp, Cyprus, Bồ Đào Nha có những dấu hiệu của sự phục hồi sản xuất, nhưng để có một sự ổn định trong lĩnh vực dịch vụ, họ cần vực dậy thị trường tiêu thụ nội địa đang ở trong tình trạng trầm lắng. Về mặt nhân dụng, theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tình trạng thất nghiệp ở Eurozone sẽ lên mức 12,3% vào cuối năm 2014, trong đó thành phần cư dân dưới 25 tuổi chiếm phần lớn. Những dữ liệu trên chỉ hé mở một triển vọng tương đối của Eurozone trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Trong một tương lai xa hơn, các nhà quản lý kinh tế khu vực này cần có nhiều biện pháp mạnh mẽ và đúng đắn hơn nữa để đảm bảo một sự tăng trưởng kinh tế bền vững.
Lê Nguyễn tổng hợp