Tuần qua, Liên minh châu Âu (EU) công bố “danh sách đen” gồm 17 quốc gia và vùng lãnh thổ được cho là những nơi tiếp tay cho hành vi trốn thuế của các doanh nghiệp và có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt liên quan tới chính sách đối ngoại, quan hệ kinh tế và hợp tác phát triển.
Đài CNN dẫn nguồn tin EU nói rằng các hình phạt có thể bao gồm yêu cầu chia sẻ tài liệu đặc biệt. Các nước thành viên của EU cũng sẽ bị yêu cầu thực hiện kiểm toán và giám sát những giao dịch với các quốc gia và vùng lãnh thổ này.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ trong danh sách đen của EU gồm quần đảo Samoa thuộc Mỹ, Bahrain, Barbados, Grenada, Guam, Hàn Quốc, Macao, quần đảo Marshall, Mông Cổ, Namibia, Palau, Panama, Santa Lucia, Samoa, Trinidad & Tobago, Tunisia, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Nhiều quốc gia đã thoát khỏi danh sách này nhờ cam kết cải thiện các chính sách thuế, nâng cao tính minh bạch và chia sẻ thông tin với EU. Ví dụ, một số thiên đường trốn thuế như quần đảo Cayman, Bermuda và Jersey từng bị tổ chức Oxfam nêu tên đều không có mặt trong danh sách đen này.
Một số quốc gia tại vùng biển Caribê được tạm hoãn xem xét vào danh sách đen vì đang phải chịu ảnh hưởng của thiên tai gần đây. EU cho biết các nước này có thể sẽ được đưa vào danh sách cập nhật hằng năm.
Đây được xem là một bước đi đầu tiên của EU trong nỗ lực chống lại tình trạng trốn thuế, sau khi nhiều tài liệu trốn thuế lớn được công bố. Gần đây nhất là tài liệu Paradise Papers cho thấy nhiều tập đoàn, lãnh đạo chính phủ và nhân vật lớn dùng các tài khoản ở nước ngoài để tránh phải nộp thuế hoặc che giấu việc sở hữu tài sản.
Năm ngoái, EU cũng đưa ra đề xuất quy định mới yêu cầu các công ty đa quốc gia phải công bố chi tiết hoạt động của mình tại các thiên đường thuế và số thuế họ nộp tại các nước trên thế giới.
Ủy ban châu Âu cũng đã có những động thái pháp lý đối với các công ty lớn, trong đó hãng thương mại điện tử khổng lồ Mỹ Amazon bị cáo buộc nợ thuế.
Không có nước thành viên EU nào bị đưa vào danh sách dù trước đó Hà Lan và Ireland bị cáo buộc có ưu đãi thuế đặc biệt dành cho Starbucks và Apple.