Một thực tế tồn tại rất rõ ràng là giữa các thương hiệu và tập đoàn thời trang luôn có sự cạnh tranh quyết liệt và hiển nhiên, trong thời buổi internet và công nghệ số, e-commerce (thương mại điện tử) là một trong những công cụ chiến lược quan trọng.
Sự ra đời và phát triển của e-commerce giúp thời trang đến gần và thường xuyên với mọi người vì ai cũng có thể nắm bắt được những điều mới mẻ trong thiết kế và cắt may chỉ với một cú click chuột. Giờ đây, người chuộng thời trang không còn phải lặn lội đến tận một quốc gia nào đó để vào cửa hàng chính hãng mua một món đồ mang thương hiệu mình yêu thích. Họ chỉ cần lên trang chủ, chọn mẫu, chọn kích cỡ, thanh toán và chờ người giao hàng gõ cửa.
Cũng vì thế, các nhà kinh doanh thời trang đang đầu tư rất bài bản cho trang bán hàng qua mạng của mình. Nếu bạn đắn đo về các chi tiết, họ sẽ cho bạn xem các mặt của trang phục, mọi chi tiết trang trí cùng thông tin về chất liệu rất rõ ràng. Nếu bạn không biết phải mặc nó ra sao, trong dịp nào thì họ sẽ tư vấn các bộ trang phục, đồng thời cung cấp đường link dẫn đến các sản phẩm khác. Các chương trình khuyến mại cũng như trang phục phù hợp với các dịp lễ luôn được cập nhật nhằm kích thích người tiêu dùng mua sắm. Thậm chí, một số trang e-commerce như Yoox Net-a-porter còn xuất bản tạp chí định kỳ nhằm bổ trợ cho việc bán hàng qua mạng một cách hiệu quả.
Nếu yêu thích những thương hiệu thời trang lớn như Chanel, Louis Vuitton, Dior hay Hermes, khách hàng thường đến boutique để mua sắm vì tại đó họ có thể tận hưởng được thoải mái thử đồ trong không gian sang trọng với hương thơm quyến rũ và sự phục vụ hết sức nhiệt tình. Gần đây, đã có một bộ phận không nhỏ khách hàng thích mua sắm qua mạng và những trang bán hàng đa thương hiệu thường xuyên được họ ghé thăm. Ưu điểm của những trang bán hàng đa thương hiệu là có mặt hàng đa dạng mang nhiều thương hiệu khác nhau cùng những chương trình khuyến mại vô cùng hấp dẫn cũng như những video hướng dẫn ăn mặc và lối sống lành mạnh cho nam giới của Mr Porter.
Mặc dù người mua có thể bắt gặp một thương hiệu ở nhiều trang bán hàng nhưng họ vẫn cảm nhận được sự khác biệt. Chẳng hạn Yoox Net-a-porter hay Mytheresa (thuộc Tập đoàn Neiman Marcus) nhắm đến nữ giới ở độ tuổi trung bình là 30, trong khi Farfetch tập trung vào nhóm khách hàng trẻ, còn Antonioli dễ dàng chiều lòng những khách hàng có gu độc đáo và thích những điều mới mẻ… Thực tế đó tạo ra một thị trường thời trang qua mạng vô cùng phong phú và nhộn nhịp.
Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng này, Tập đoàn LVMH vừa công bố sẽ cho ra đời trang bán hàng trực tuyến đa thương hiệu, cụ thể là gồm 70 thương hiệu mà họ đang sở hữu. Gã khổng lồ bán lẻ qua mạng Amazon cũng đã chính thức nhảy vào sân chơi thời trang với nhiều dự định, mới đây là đóng vai trò nhà tài trợ chính cho Tokyo Fashion Week. Sự ra đời của “See now, Buy now” củng cố mạnh mẽ hơn cho mô hình mua sắm trực tuyến. Mới đây, tạp chí Vogue tại Italy đã chọn e-commerce làm chủ đề cho số báo tháng 3 của mình với bộ ảnh thời trang mô phỏng chân thực những trang bán hàng qua mạng. Lĩnh vực e-commerce chưa bao giờ nhộn nhịp và đầy tính cạnh tranh như thế.
Sự nở rộ của e-commerce mang đến nhiều cơ hội chọn lựa và mua sắm hơn cho tất cả mọi người. Chủ những trang web bán lẻ có thể bán được khá nhiều hàng hóa mặc dù không có một cửa hàng nào trên phố. Các thương hiệu và các nhà thiết kế trẻ cũng có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với khách hàng và giới tiêu dùng thì không cần ra khỏi nhà vẫn mua được mặt hàng như ý. Dù vẫn có những điểm yếu khiến e-commerce không thể so sánh với mua sắm trực tiếp nhưng không thể phủ nhận rằng mua sắm trực tuyến đang đem lại nhiều lợi ích cho lĩnh vực bán lẻ thời trang và sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
- Hoàng Lê