Kỳ họp Quốc hội dịp cuối năm ngoài khoảng thời gian dành cho công tác xây dựng luật thường xem xét nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế – xã hội, đồng thời cũng có những đánh giá sơ bộ về những gì mà một bộ, ngành hay cả nền kinh tế đạt được trong năm. Năm nay, lĩnh vực điều hành ngân hàng – tiền tệ được đánh giá khá tốt. Với chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, Ngân hàng Nhà nước đã góp phần quan trọng giúp Chính phủ kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý. Tăng trưởng kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động của hệ thống ngân hàng khá ổn định. Việc điều hành lãi suất tương đối phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô đã góp phần ổn định được thị trường tiền tệ. Tỷ giá cũng được điều chỉnh linh hoạt, theo hướng nâng cao giá trị của đồng Việt Nam và tăng dự trữ ngoại hối, hạn chế tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế. Những mặt tích cực này không chỉ được dư luận, các đại biểu Quốc hội ghi nhận qua kết quả đánh giá tín nhiệm dành cho cá nhân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, mà còn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Việc các tổ chức xếp hạng Moody’s, Standard & Poor và Fitch Ratings trong thời gian qua lần lượt nâng mức xếp hạng của Việt Nam lên một bậc chính là để ghi nhận những nỗ lực của nước ta trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định hệ thống ngân hàng và kinh tế vĩ mô.
Trong khi cố gắng duy trì những tín hiệu tích cực ấy, ngành ngân hàng vẫn phải nỗ lực vượt qua khó khăn, chẳng hạn như vấn đề tăng trưởng tín dụng. Dù đã giảm lãi suất cho vay, tung ra các chương trình ưu đãi, nhưng các ngân hàng cũng không dễ tìm khách hàng tốt để cho vay. Bởi thế, chất lượng từ hoạt động tín dụng cũng là điều đáng nói. Theo Vụ tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), tính đến hết tháng 10, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 8,63% so với cuối năm 2013. Đây là con số khả quan trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên lợi nhuận từ hoạt động tín dụng lại không khả quan tương ứng. Số liệu từ các ngân hàng cho thấy thu nhập từ hoạt động tín dụng chỉ còn chiếm khoảng 45% tổng thu nhập của họ, trong khi tỷ trọng này trước đây lên đến 70 – 80%. Báo cáo tài chính quý III-2014 của nhiều ngân hàng đã thể hiện điều này: Ngoại trừ số ít ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao, đa số có tăng trưởng tín dụng rất chậm, thậm chí tăng trưởng âm. Khó cho vay, một số ngân hàng phải chọn cách mua trái phiếu chính phủ với lãi suất rất thấp, chỉ 4 – 5%/năm để giảm bớt áp lực dư thừa vốn.
Cuối cùng, dù khó đẩy vốn ra, các ngân hàng vẫn không dám nới lỏng điều kiện cho vay để tránh rủi ro nợ xấu. Nợ xấu vẫn là nỗi lo, từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai của hệ thống ngân hàng. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vốn được kỳ vọng nhiều nhưng từ khi ra đời (7-2013) đến nay mới chỉ giải quyết được phần ngọn, đó là gom một phần nợ xấu của các ngân hàng theo giá trị sổ sách về một chỗ, chứ chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Tuy nhiên, tình hình sắp tới có thể sẽ tích cực hơn, khi VAMC bắt đầu thí điểm mua nợ theo giá trị thực thay vì giá trị sổ sách từ các ngân hàng và sẽ hoàn toàn chuyển sang mô hình này vào năm 2016. Phương pháp mới sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu và khuyến khích các ngân hàng mạnh dạn hơn khi cho vay. Ngoài ra, VAMC cũng đã bán được 3.500 tỉ đồng nợ xấu và đặt mục tiêu trong năm tới ít nhất sẽ tăng gấp đôi khối lượng nợ bán ra, giúp các ngân hàng thực sự giảm được tỷ lệ nợ xấu.
Minh Hằng