Tôi rất ngạc nhiên và cũng cảm thấy băn khoăn khi biết tin mình được nhận Giải thưởng “Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục” mà Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao tặng.
Kể từ năm 1965 cho đến nay, sau khi tốt nghiệp khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, đi dạy học rồi chuyển sang làm nhạc và hoạt động văn hóa, tôi luôn thấy mình lạc lõng. Các giải thưởng với tôi là một điều gì rất xa lạ. Làm trong sự cô độc, chưa bao giờ dám mong mọi người hiểu mình, huống chi lại được nhận một giải thưởng mà là giải thưởng duy nhất hiện nay ở Việt Nam được trao tặng bởi những người tôi cảm thấy gần gũi và kính trọng nhất. Đây là chuyện tôi không bao giờ nghĩ tới.
Tôi hiểu, được trao giải là một vinh dự rất lớn, nhưng cái còn quan trọng hơn với tôi từ giải thưởng này chính là sự được hiểu bởi những con người đáng kính, một sự khuyến khích vô cùng to lớn cho những công việc mình đang làm.
Được hiểu, được cảm thông, được chia sẻ có lẽ là hạnh phúc lớn nhất.
…Năm nay tôi bước sang tuổi 76. Quá nửa đời người, làm rất nhiều việc chỉ vì bản tính là người tham công tiếc việc, và làm rất nhiều việc không phải cho mình cũng chỉ vì bản tính là người “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. May mắn là những việc ấy không đến nỗi tệ.
Làm vì cái gì, vì ai? Một câu hỏi lớn, một băn khoăn cao qúy mà các nhân vật thường đặt ra cho mình. Nhưng thật xấu hổ, ở tôi thì không…Vì lẽ đó hôm nay nói về công việc mình đã làm tôi vô cùng lúng túng, khó khăn.
Tôi mê nhạc từ thuở bé nhưng không dám có giấc mơ trở thành nhạc sĩ. Nhạc sĩ sáng tác như các ông Phạm Duy, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát v.v. là một cái gì đó cao vời. Người như thế mới có thể sáng tác, còn mình viết vớ vẩn thôi, sáng tác nỗi gì.
Viết nhạc từ năm 17 tuổi, giấu biệt chẳng cho ai biết. Năm 21 tuổi (1964) mới dũng cảm tiết lộ cho một người: cố nhạc sĩ Nguyễn Xinh (nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc, người thầy sáng tác đầu tiên của tôi).
Năm 1965 thi đỗ vào khoa Sáng tác trường Âm Nhạc Việt Nam (Ô chợ Dừa) thì có thêm hai người biết là cố nhạc sĩ Tô Vũ, nguyên trưởng khoa Sáng tác nơi tôi thi vào và cố nhạc sĩ Hoàng Hà, sinh viên lớp dự bị năm đó. Và cũng phải kể đến ba ông bạn thưở còn vô danh: Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường và nhạc sĩ Chu Minh – người nhận dạy tôi khi tôi thi đỗ lần thứ 2 vào hệ sáng tác Đại học (năm 1972). Gần hai mươi năm sau, có thêm vài người nữa trong giới. Thế thôi.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày ấy, tôi đã là nhạc sỹ. Nhiều khi ngồi một mình nghĩ ngợi thấy cũng không ổn lắm khi mình tự dưng được coi là người của công chúng, và cũng chẳng hiểu sao mình lại có thể trở thành cái mình không bao giờ dám. Nhưng có một điều chắc chắn là tôi được là chính mình, được làm những việc mình muốn làm và mình thực sự yêu thích: trước tiên là âm nhạc và những thứ liên quan, rồi hoạt động xã hội trong lĩnh vực văn hóa, sau nữa là công việc của người đàn ông: xây nhà, trang trí nội thất, làm vườn và làm bếp.
Sáng tác nhạc là thứ tôi có thể làm được tốt nhất trong khả năng của mình. Với người chuyên nghiệp nó phải coi đó là một công việc. Nhưng điều này chỉ đúng với tôi khi tôi nhận làm album cho ca sĩ, làm giám đốc nghệ thuật và biên tập cho các chương trình nghệ thuật do mình nghĩ ra, hợp đồng viết nhạc cho đoàn văn công nào đó để đi hội diễn, hoặc hợp đồng viết nhạc phim hay nhạc quảng cáo.
Còn lại, với tôi sáng tác nhạc là để sống với phần sâu thẳm nhất của tâm hồn mình, để giải phóng năng lượng đã tích tụ, để đi tìm ngôn ngữ biểu đạt riêng, để được mơ, để được yêu thương, để được là chính mình. Nó tự nhiên như ta phải thở. Tôi sáng tác nhạc không vì mục đích xã hội to lớn gì, không để tuyên truyền cho một lý tưởng xã hội nào, không để giáo dục ai. Nếu có, nó chỉ là một sự chia sẻ, đúng hơn là một tiếng nói đi tìm bạn.
Hơn 30 năm trước, tôi hát:
Tìm em
36 phố phường Hà Nội.
Và em
như cơn gió sang mùa, gió thổi.
Em,
em là gió bay đi…
(Tìm em – bài hát viết năm 1985)
Chẳng phải một bài tình ca của anh chàng 42 tuổi là tôi ngày ấy. Một bài hát buồn, có cái gì đó rất mơ hồ mà tôi chưa thể cảm nhận được.
Tôi nhớ, khoảng cuối thập niên 60, mỗi lần về Hà Nội, không có cái cảm giác cô đơn như thế. Mẹ tôi bảo: “Cái thằng này bạn cứ như ruồi bâu”. Quả thật bạn bè rất đông. Đứa vẽ, đứa làm thơ, viết văn, đứa làm nhạc, đứa nổi tiếng trong chính thống, đứa nổi tiếng trong giới “văn nghệ chui”, họ toàn là những người tài hoa cả…
Chúng tôi bề ngoài có vẻ giống nhau như đồng năm xu đúc từ một khuôn: dép râu, dép nhựa Tiền Phong, mũ cối, áo bộ đội cũ, áo thợ xanh Sĩ Lâm bạc màu, chiếc quần kaki pích kê đầu gối, đại loại như thế.
Còn bên trong ư? Có thế không? Có thể không, cũng có thể có, không nhiều thì ít, nhưng còn như cái này thì vô cùng phổ biến: sống và suy nghĩ theo kiểu đoàn thể và tập thể. Mất đi chân dung cá nhân, thay vào bằng chân dung thế hệ: trong sáng, đơn giản, giàu nhiệt huyết và lý tưởng. Quen nhau hoặc sống chung cũng bởi hai chữ đồng chí. Cái kết nối này thời ấy gọi là kết đoàn. “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh”, một khẩu hiệu có thể đúng cho một đất nước nghèo khổ và chiến tranh.
Thế mà chỉ 10 năm, sau ngày kết thúc chiến tranh (30.4.1975), tôi lại viết Tìm em như một ám ảnh về sự lạc mất nhau, về điều không thể.
Em không phải là một cô nào đấy bởi tôi lúc ấy có yêu ai đâu. Một cuộc khủng hoảng thật sự của thế hệ chúng tôi. Sự kết nối tinh thần để làm nên sức mạnh của cả một thế hệ không còn nữa.
Xưa, sống, với nhiều người là chiến đấu cho những lý tưởng xã hội cao cả, không ra trận nhưng vẫn là chiến sĩ. Nay chữ chiến đấu thay bằng chữ kiếm sống, khẩu hiệu “học, học nữa, học mãi” thay bằng khẩu hiệu “hãy trở thành triệu phú”, chân dung thế hệ mờ đi và chân dung cá nhân bị “đám đông hóa” bắt đầu nổi lên. Một sự phân rã tất yếu đã đánh mất sức mạnh vốn có.
Cái kết nối xưa không còn lý do để tồn tại. Trong khi thế hệ 7X, 8X, 9X sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh xã hội khác.
Sự bùng nổ cá nhân trên một nền tảng vật chất khá hơn xưa nhưng nền tảng văn hóa còn thấp đã dẫn đến một kiểu kết nối mới, “kết nối đám đông”. Và sức mạnh của sự “kết nối” này cũng thật là khủng khiếp. Nó đã tạo ra báo chí lá cải, những trang mạng bẩn và tục tĩu, tạo ra cái gọi là “nhạc thị trường” và giới “Showbiz Việt”với những “ông hoàng”, những “divo diva tự phong”, những “thần tượng” âm nhạc cùng các “fan cuồng”…
Nói tóm lại nó đã tạo ra được lối sống và cách suy nghĩ theo kiểu đám đông. “Kết nối đồng chí” có thể cho thế hệ tôi sức mạnh ghê gớm trong công cuộc kháng chiến cứu nước, còn “kết nối đám đông” lại mang đến sức mạnh hủy hoại đối với một xã hội muốn phát triển trên nền tảng văn hóa và nhân bản, cái xã hội mà những người tử tế luôn mơ ước.
Xưa, sống, với nhiều người là chiến đấu cho những lý tưởng xã hội cao cả, không ra trận nhưng vẫn là chiến sĩ. Nay chữ chiến đấu thay bằng chữ kiếm sống, khẩu hiệu “học, học nữa, học mãi” thay bằng khẩu hiệu “hãy trở thành triệu phú”, chân dung thế hệ mờ đi và chân dung cá nhân bị “đám đông hóa” bắt đầu nổi lên.
Tôi không tìm được “em” nên “cà phê một mình”. Nhưng chính việc “cà phê một mình” này khiến tôi nhận ra được “đồng loại”, những người đang muốn tách ra khỏi “đám đông” để đi tìm chính mình, hoặc là những nhân vật độc lập, chẳng “đám đông” bao giờ.
Họ là số ít, nhưng ở ngành nào cũng có, lứa tuổi nào cũng có. Ở ngành tôi, họ là những “đồng loại” trong công việc sáng tác, biểu diễn và sản xuất âm nhạc. Sự kết nối giữa tôi và những người cùng thế hệ với những “người số ít” thuộc thế hệ trẻ hơn và sự kết nối giữa họ với nhau đã cho ra đời những sản phẩm có giá trị của nền âm nhạc mới:
Chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam, Chương trình hòa nhạc thường niên Điều còn mãi do tôi làm giám đốc nghệ thuật và trực tiếp biên tập, rồi cuộc thi Bài Hát Việt cùng nhiều chương trình tác giả, tác phẩm, nhiều album tử tế của riêng mình và của đồng nghiệp mà sự kết nối đã tạo ra được.
Chỉ tiếc rằng nó chưa được nhìn nhận đúng mức để phát huy hết giá trị mà nó có thể đóng góp cho nền văn hóa mới. Vậy tôi không còn cà phê một mình nữa.
Năm 2009 tôi đã thực hiện dự án “cà phê nhiều mình” mà tôi đặt tên cho nó là “Cà Phê Thứ Bảy” để kết nối về văn hóa, truyền cảm hứng và thông tin, trong tinh thần cởi mở học hỏi lẫn nhau.
Hoạt động Cà Phê Thứ Bảy tới nay đã bước sang năm thứ 9, dần dà trở thành nơi hội tụ của những người ham thích sáng tạo, những tài năng trong mọi lĩnh vực, từ những người trẻ chưa nổi tiếng, đến cả những nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà giáo dục, các chuyên gia công nghệ, kinh tế, những nhà hoạt động môi trường và những văn nghệ sĩ hàng đầu.
Ở những sinh hoạt cà phê này, sự kết nối thật tuyệt vời. Trí thức Sài Gòn, trí thức Hà Nội, trí thức Việt kiều, trí thức được đào tạo từ các nguồn khác nhau (từ các nước Phương Tây, từ các nước xã hội chủ nghĩa), trí thức U70-80-90, U50-60, U30-40 ngồi quây quần bên nhau, chia sẻ với nhau niềm cảm hứng sáng tạo, những sự trải nghiệm và những tri thức mới, những vấn đề nóng bỏng trong các lĩnh vực văn hóa xã hội và con người.
Không cãi cọ vùi dập nhau để tranh thắng thua hơn kém, tôn trọng các góc nhìn khác nhau, không quan trọng chuyện đúng sai mà điều quan trọng là được tỏ bày sẻ chia, được thoát khỏi cảnh “cà phê một mình”. Và cuối cùng là sau mỗi buổi người nào cũng có thêm bạn mới. Bản thân tôi đã tìm thấy “mình” khi kết nối với nhiều “mình”. Bạn bè tôi cũng thế.
Từ một góc rất hẹp này của mình tôi đã nhìn thấy sự đổi thay.
Hơn 30 năm trước khi tôi trở về Hà Nội lần đầu tiên, đi chơi phố, ấn tượng đập vào mắt mạnh nhất là mũ cối. Một Hà Nội mũ cối xoá nhoà mọi sự khác biệt của các tầng lớp người. Lính và dân thường: mũ cối; Văn nghệ sĩ trí thức và người làm ăn: mũ cối; Dân “xã hội đen” cũng…: mũ cối!
Tôi nghĩ về “xã hội mũ cối” mà buồn. Mũ cối là hình ảnh có tính biểu tượng cho xã hội “bình đẳng giới”. Một xã hội như thế không thể có cái gọi là giới tinh hoa, dù người tinh hoa thì lúc nào cũng có, chỉ là nhiều hay ít thôi.
Bây giờ “xã hội mũ cối” đã trở thành quá vãng. Tôi đã nhìn thấy giới tinh hoa đang dần dần hình thành ở lớp người trẻ tuổi. Họ có học vấn cao, suy nghĩ độc lập, những diễn ngôn sáo rỗng về tư tưởng bớt đi rất nhiều. Họ cũng bớt đi nhiều ảo tưởng, sống thực tế hơn và ít bị chính trị hóa như những thế hệ đi trước. Cái khẩu vị văn hóa của họ cũng đáng nể từ việc đọc sách, xem phim, nghe nhạc, thưởng ngoạn hội họa. Không như thế hệ tôi, những giá trị cá nhân của họ không phải giấu giếm, và cũng dễ được thừa nhận hơn.
Ở khu vực nào cũng có những người như thế, họ kết nối với nhau ở quán cà phê, trong các cuộc hội thảo mang tính dân sự, họ thành lập nhóm, CLB cho riêng mình, nghĩ ra rất nhiều dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng và nghề nghiệp họ theo đuổi. Dự án “Cà Phê Thứ Bảy” của chúng tôi chỉ là một bước khởi đầu, một sự kích thích…
Trong gần 10 năm qua tôi đã thực hiện được hơn 800 buổi kết nối, buổi sinh hoạt văn hóa với nhiều chủ đề khác nhau như vậy dưới hình thức Cà Phê Thứ Bảy.
Từ những hoạt động dân sự của mình trong lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa và xã hội tôi đã nhìn thấy một nước Việt Nam mới đang hình thành, một xã hội công dân đang manh nha. Một xã hội mà những người ưu tú nhất đã tìm đến nhau, đã ý thức được trách nhiệm của mình, không trông chờ, dựa dẫm vào những yếu tố bên ngoài, không im lặng trước cường quyền, trước sự bất công và dối trá,…
Xã hội như thế là một xã hội đang tiến bước.