Nhân dịp năm năm ngày ra đời đường sách TPHCM, anh Lê Hoàng có gợi ý một số thân hữu thường xuyên lui tới nơi đây ghi lại vài cảm nghĩ về không gian khá lãng mạn đầy chất văn hóa của thành phố này.
Tôi không nghĩ đây là một sự vẽ vời thành tích bởi qua báo chí đã có quá nhiều lời ca ngợi nét đẹp sinh động về con đường sách đầu tiên của cả nước, thậm chí có nhiều bài viết đặt ra sứ mạng quá lớn cho đường sách như “lãnh trách nhiệm trở thành đoàn tàu chuyên chở văn hoá đọc của thành phố hiện đại này”. Lại có tác giả hào hứng cho rằng “thay vì nhân bản đường sách Sài Gòn, nên chăng nghĩ đến việc đưa các thư viện ra khỏi bốn bức tường tù túng và ngột ngạt”. Làm sao được, vì thư viện và đường sách có chức năng khác nhau. Theo tôi, anh Lê Hoàng hiện là giám đốc Công ty đường sách TPHCM và chị Quách Thu Nguyệt, phó giám đốc, cùng các chiến hữu thời buổi khai hoang vốn là những người khiêm tốn, giờ đây muốn nhìn lại một chặng đường vất vả đã qua để tìm điều gì đó mới hơn cho một không gian văn hoá thân thiện rất đời thường, mà như anh nói “không gian này trước sau vẫn là của người Sài Gòn”.
Sống trong thành phố của sách báo, người Sài Gòn vốn rất yêu sách. Trước năm 75, hiệu sách mọc khắp các đường phố là điểm gặp gỡ không chỉ của học sinh-sinh viên mà còn thu hút rất nhiều cư dân từ khắp nơi khi có dịp ghé lại thành phố này đôi ba ngày.
Chắc hẳn giới trí thức Sài Gòn vẫn còn nhớ đến một người mê sách đáng cho lớp trẻ noi theo. Ông Nguyễn Hùng Trương , thành lập nhà sách Khai Trí vào năm 1952, về sau cũng là người điều hành một nhà xuất bản uy tín cùng tên. Thuở nhỏ là một cậu bé mê sách, ông đã khởi đầu sự nghiệp kinh doanh với một quầy sách báo trên lề đường ở trung tâm Sài Gòn. Nhà sách Khai Trí sau này với hàng chục triệu cuốn sách là không gian thân thiện với người đọc tồn tại đến năm 1975. Nhưng rồi cơn bão thời cuộc đã cuốn đi tất cả sự nghiệp kinh doanh, ông qua đời vào năm 2005 ở tuổi 80, để lại trong lòng nhiều người Sài Gòn sự ngưỡng mộ dành cho một doanh nhân đóng góp đáng kể về văn hoá…
Sài Gòn cũng có nhiều hiệu sách cũ, nơi đáp ứng nhu cầu của một lớp người đọc tìm về quá khứ. Hình thức kinh doanh này phát triển mạnh sau năm 75 với những tiệm sách nghèo trên các đường Đặng Thị Nhu, Nguyễn Thị Minh Khai , Cách mạng tháng Tám, Trần Huy Liệu, Lê Quang Định…
Rồi Hội sách TPHCM, ra đời lần đầu tiên trên cả nước vào năm 2000, hai năm một lần là nơi giao lưu giữa hàng trăm nhà làm sách và gần cả triệu người đọc. Những năm sau này còn có sự tham gia của một số nhà xuất bản nước ngoài.
Thành phố cũng đã từng có đường sách Nguyễn Huệ vào dịp Tết nhưng thực chất là một phố sách nặng kinh doanh hơn là con đường sách có đời sống thường ngày đúng nghĩa
Đường sách Sài Gòn – tạm gọi như vậy – ra đời năm năm trước là sự dung nạp vừa tự nhiên vừa mang tính đặc thù của văn hoá đọc Sài Gòn xưa nay luôn thích nghi với hoàn cảnh, năng động và sáng tạo với cách làm mới.
Ý tưởng về đường sách manh nha từ những người yêu sách nhiều kinh nghiệm trong hoạt động xuất bản, có người từng sống chết với nghề sách cả mấy chục năm. Để rồi một ban điều hành ra đời không có yêu tố nhà nước, nhưng được lãnh đạo thành phố tích cực hỗ trợ mà điểm son nỗi bật là đã cho sử dụng con đường mang tên Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình bên cạnh Vương cung Thánh đường Sài Gòn làm đường sách. Các công ty văn hoá và nhà xuất bản cũng đóng góp công sức không nhỏ, nhưng đây không phải là nơi kinh doanh mặt bằng hay chia chác quyền lợi, không phải là nơi dành cho giới đầu nậu sách vùng vẫy làm vẩn đục không gian văn hoá.
Điều này giải thích tại sao nhiều thành phố đã học tập kinh nghiệm mà không làm được hoặc làm mà không thành công bởi thiếu nét độc đáo của một Sài Gòn kế thừa phong thái mê đọc sách, cùng sự năng động trong chuyện làm ăn. Tuy đã qua một quá trình khảo sát, học tập kinh nghiệm từ những người làm nghề và nhu cầu thực tế của người đọc, vậy mà đường sách vẫn không tránh được chuyện thị phi lời qua tiếng lại . Thôi thì đành chịu như một phần qui luật của cuộc sống để luôn tâm niệm rằng trong cái được có cái mất và không ai có được mọi chuyện cùng một lúc.Nhưng dù gì thì trên tất là chúng ta đã một con đường sách đậm nét Sài Gòn.
Anh sinh viên trường luật thuở xưa, nay đã là một doanh nhân thành đạt tuổi xế chiều. Mỗi buổi sáng chủ nhật anh đến đây tìm mua một vài cuốn sách mới, gặp bạn bè uống ly nước chanh đường mà vương vấn trong đầu ký ức về “con đường Duy Tân cây dài bóng mát“, để rồi “chủ nhật uyên ương hẹn hò đây đó…” Ngày chủ nhật ở đường sách không chỉ có những cuộc hẹn hò chụp hình kỷ niệm mà còn có cả những cặp vợ chồng đưa con dạo chơi mua vài cuốn sách tranh vẻ dành cho thiếu nhi. Biết đâu anh chị cũng đang hy vọng rằng trong cảnh vật này, con cái mình chẳng bao lâu sẽ là những đứa trẻ mê sách như cha mẹ.
Đến đường sách để mua sách? Chưa hẵn, vì giá sách ở đây không rẻ như mua trên mạng, nhưng có điều là hưởng được cái thú chọn sách, gặp bạn bè và những người yêu sách trong một không gian thân thiện. Mấy cô bạn sinh viên ngồi bên ly cà phê nói vui như vậy nhân dịp đến dự buổi giao lưu với một tác giả họ quý mến.
Trong số hàng ngàn người đến đây mỗi ngày – đặc biệt là vào cuối tuần – có những vị khách như vậy, cũng đủ đặt ra cho đường sách nhiều thách thức về bài toán tổ chức điều hành, làm phong phú nội dung sinh hoạt và hoàn thiện phần nào phương thức kinh doanh sản phẩm văn hoá.