Theo Bộ này, thời gian vừa qua, hoạt động vận tải hành khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm đã xảy ra một số sự cố, tai nạn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa.
Thống kê trong năm 2012 cho thấy, cả nước đã xảy ra sáu vụ va chạm, chết máy, hỏng máy giữa hành trình. Gần đây nhất là ngày 26-7, tàu cánh ngầm chết máy trên sông Lòng Tàu (Đồng Nai) đã trôi dạt, va chạm với phao tiêu trên luồng. Và ngày 23-8, một tàu cánh ngầm từ TP. Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu đã bị sóng đánh bể kính chắn gió, gây hoảng loạn cho hành khách. Tình trạng tàu cánh ngầm chở quá số người quy định vẫn còn xảy ra, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Tàu cánh ngầm tuyến TP.HCM – Vũng Tàu
Mới đây, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét không cho phép các tàu có một động cơ hoạt động trên tuyến này do hành trình tuyến đi qua khu vực cửa biển Cần Giờ và vịnh Gàng Rái với điều kiện khai thác không thuận lợi, thường có gió to, nhất là vào mùa mưa bão.
Để đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải của TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng chỉ đạo các Cảng vụ Đường thủy nội địa tạm thời không cấp phép rời cảng, bến đối với các tàu cao tốc cánh ngầm lắp một động cơ từ ngày 1-9-2013 để kiểm tra các điều kiện về an toàn theo quy định.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra các điều kiện an toàn đối với luồng hàng hải, cảng bến thủy nội địa đón trả khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm, đồng thời đề xuất các điều kiện đảm bảo an toàn trước khi cho tàu cao tốc lắp một động cơ hoạt động.
Gia Minh tổng hợp