Bên cạnh mâm ngũ quả hay mâm trái cây cúng “cầu vừa đủ xài” (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài) thì dưa hấu là một trong những trái được mua nhiều nhất vào dịp tết ở miền Nam. Gần như nhà nào cũng có ít nhất một cặp dưa hấu để chưng tết, và theo tục lệ vào ngày đầu tiên của năm mới, gia đình thường quây quần bên nhau xẻ một trái dưa để cùng chia sẻ phúc lộc đầu năm. Nếu ruột dưa đỏ thắm, năm ấy gia đình sẽ được tràn đầy phúc lộc. Quả dưa hấu tròn trịa là biểu tượng của sự viên mãn, màu vỏ xanh tượng trưng cho sự thanh xuân, là lộc còn màu đỏ thắm của ruột dưa tiêu biểu cho vẻ đẹp, là phúc, là may mắn. Nhưng theo thời gian, quả dưa hấu đã thay hình đổi dạng, thích ứng với thời đại mới.
Dưa hấu là một loại thực vật dạng dây leo thuộc họ Bầu bí (danh pháp khoa học: Cucurbitaceae), thân bò lan dài trên đất, có nguồn gốc từ Nam Phi, cho quả lớn vỏ cứng với các dạng chính là tròn, oval, thuôn dài. Có bằng chứng khoa học cho thấy dưa hấu được trồng tại thung lũng sông Nile ở Ai Cập từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên và các nhà khảo cổ còn tìm thấy hạt dưa hấu trong hầm mộ của pha-ra-ông Tutankhamun. Đến thế kỷ thứ VII, dưa hấu đã được trồng ở Ấn Độ và được canh tác tại Trung Quốc cách đây hơn 11 thế kỷ. Những người Moor theo đạo Hồi ở châu Phi khi chinh phục và xâm chiếm bán đảo Iberia (bao gồm phần lớn Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay) trong thời gian gần 800 năm đã đưa quả dưa hấu vào châu Âu: có bằng chứng cho thấy loại quả ngọt, bổ dưỡng này đã được trồng tại Córdoba từ năm 961, sau đó tại Seville từ năm 1158. Từ hai vùng đất Tây Ban Nha nói trên, dưa hấu lan rộng đến phía nam châu Âu và chỉ dừng lại ở những vùng có khí hậu ôn đới không thích hợp cho sự sinh trưởng của nó.
Có mặt trong các sách thực vật học ở châu Âu từ thế kỷ XVI, dưa hấu được trồng rộng rãi thành những vụ mùa phụ trong vườn ở châu Âu thế kỷ XVII, sau đó theo chân những kẻ chinh phục và người nô lệ ở châu lục này sang Tân Thế giới. Tuy nhiên, cùng thời gian này thì thổ dân ở Mỹ cũng đã canh tác dưa hấu trong các thung lũng thuộc bang Mississippi và tại Florida, những nơi có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với sự phát triển của nó. Thuyền trưởng, nhà thám hiểm huyền thoại người Anh James Cook (1728-1779) đưa dưa hấu đến với Hawaii và các đảo ở Thái Bình Dương, nơi loại thực vật này thích nghi rất mau chóng.
Còn ở nước ta, nếu căn cứ theo Lĩnh Nam chích quái – một tập hợp các truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam được biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần, thì dưa hấu có từ thời Hùng Vương, nghĩa là dưa hấu Việt có trước dưa hấu Tàu rất lâu. Tây qua truyện trong Lĩnh Nam chích quái kể về sự tích quả dưa hấu và Mai An Tiêm, ông tổ nghề trồng dưa hấu tại Việt Nam. Số là đời Hùng Vương thứ VII có viên quan trong triều tên là Mai An Tiêm, vốn được vua Hùng mua từ thương thuyền nước ngoài về làm gia nhân khi mới lên 7, 8 tuổi. Cậu bé lớn lên, nhờ diện mạo đoan chính, trí óc thông minh nên được vua ban cho tên là Mai Yển, hiệu An Tiêm, lại ban cho một người thiếp, rồi sinh được một trai một gái. Vua rất tin yêu, giao việc, dần dần trở nên giàu có, kẻ quyền cao chức trọng đều muốn kết thân đặng nhờ cậy.
Từ đó An Tiêm đâm ra kiêu căng ngạo mạn, thường nói rằng: “Có được sự nghiệp ngày nay là do kiếp trước ta tu, không phải do ơn chủ”. Vua nghe nói cả giận, phán: “Làm bề tôi mà kiêu căng ngạo mạn, không biết ơn chủ. Nay ta đưa nhà ngươi ra một nơi không có người ở giữa biển, xem nhà ngươi có còn của cải kiếp trước nữa hay không?”. Bèn đày Mai Yển ra ngoài cửa bể huyện Thán Sơn, bốn bề toàn cát và nước không có vết chân người qua lại, chỉ ban cho lương thực đủ sống vài tháng. Nghe vợ than khóc, An Tiêm cười mà bảo: “Trời sinh ta tất sẽ nuôi ta, sống chết bởi trời, ta đâu lo lắng”. Ngày nọ, có một con chim màu trắng từ hướng Tây bay lại, đậu ở đầu núi, kêu vài tiếng rồi nhả mấy hạt xuống cát, hạt nở thành dây leo mọc um tùm và cho rất nhiều quả. An Tiêm cho rằng đây chính là quả trời cho để nuôi sống gia đình ông, bèn bổ ra mà ăn, thấy mùi vị thơm ngon, tinh thần sảng khoái. Từ đó đem hạt ra gieo trồng, ăn không hết, đem đổi lấy gạo từ các thuyền buôn, thuyền chài qua lại để nuôi vợ con. Vì chim ngậm hạt từ hướng Tây bay tới nên An Tiêm gọi là trái “tây qua” (dưa hấu). Tiếng lành đồn xa, các phường chài, phường buôn đến mua bán đổi chác, lần hồi các thôn xóm xa gần đều theo mùa trồng trọt khắp nơi. Sau này vua Hùng có lúc nghĩ tới Mai An Tiêm, cho người đến xem còn sống hay đã chết. Biết được An Tiêm vẫn sống khỏe nhờ loại cây trái trời cho, vua xuống chiếu gọi về, lại phục chức cũ. Bãi cát An Tiêm ở gọi là bãi An Tiêm, chỗ An Tiêm ở gọi là làng Mai nay thuộc huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Tại xã Nga Phú, huyện Nga Sơn ngày nay có một dãy núi mang tên Mai An Tiêm, tương truyền chính là hòn đảo xưa kia vợ chồng An Tiêm đi đày. Dưới chân núi này có đền thờ An Tiêm, được nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vào ngày 12 đến 15 tháng Ba âm lịch hằng năm.
Nhờ nỗ lực lai tạo của các nhà thực vật học, hiện có nhiều loại dưa hấu có khả năng kháng bệnh và có loại dưa hấu gần như không hạt (chỉ có những hạt màu trắng nhỏ, tiêu hóa được khi ăn), lại có loại dưa hấu cho quả chỉ trong vòng 100 ngày sau khi được trồng. Tuy nhiên sự biến đổi ngoạn mục của dưa hấu đã diễn ra cách đây đúng bốn thập niên. Theo rất nhiều nguồn tin, vào năm 1978 một nhà làm vườn cũng là nghệ sĩ đồ họa tên Tomoyuki Ono đã đăng ký bản quyền phát minh “quá trình tạo khuôn một trái cây tự nhiên”, qua đó Ono tìm được cách đặt một quả dưa hấu còn nhỏ vào trong một cái khuôn khối vuông trong suốt, sao cho khi quả dưa chỉ phát triển bên trong cái khuôn và có hình khối vuông. Thành quả của Tomoyuki Ono đã được triển lãm trong một gallery nghệ thuật ở khu Ginza (Tokyo), sau đó được nhân rộng thành sản phẩm bán ra thị trường với giá cao gấp mấy lần quả dưa hấu tròn thông thường. Tomoyuki Ono còn đăng ký bản quyền phát minh của mình tại Mỹ, một thị trường lớn của dưa hấu vuông. Cần nói thêm: cách làm ra dưa hấu vuông được CNN đưa vào danh sách các phát minh quan trọng của người Nhật khiến thế giới đổi thay.
Dưa hấu vuông được ưa chuộng vì thích hợp để vận chuyển trong thùng chứa, cất giữ trong tủ lạnh gia đình, khi cần bổ ra ăn cũng tiện hơn dưa tròn. Dù trong bản quyền phát minh của Tomoyuki Ono có ghi rằng “hương vị của trái cây được tạo khuôn không thua kém trái cây tự nhiên” song dưa hấu vuông để nhìn ngắm vẫn thích hơn là xẻ ra ăn. Chính vì thế nó thường được người Nhật sử dụng làm quà tặng vào các dịp đặc biệt, giống như nhiều thứ trái cây đắt tiền như dưa lưới Yubari, nho đỏ Ruby Roman, xoài đỏ Taiyo no Tamago, táo Sekai… . Hiện giá trung bình của một quả dưa hấu vuông tại các cửa hàng trái cây ở Tokyo khoảng gần 100 USD. Chưa chịu dừng với khuôn hình vuông, các trại chủ người Nhật còn tạo dưa hấu hình trái tim, hình kim tự tháp.
Dưa hấu vuông đã có mặt trong ngày tết truyền thống của người Việt từ vài năm nay, tất nhiên giá cũng cao hơn nhiều so với dưa thông thường. Người ta còn khắc lên vỏ dưa thông thường những hình ảnh và chữ biểu thị chúc phúc, chúc thọ, chúc tài lộc, thịnh vượng… trong năm mới.