Lên Lang Bian, tôi muốn trải nghiệm loại hình du lịch homestay trong một căn nhà gỗ nguyên bản của người K’ho. Nghe vậy, anh K’Vâng, ở bon Neur C, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cười bảo: “May quá, còn sót lại một căn”.
Nói đoạn anh dẫn tôi sang bon Dưng 1. Con đường nhỏ xuyên qua một khoảnh vườn rộng rãi xanh mướt cỏ, điểm xuyết những khóm hoa cẩm tú cầu xanh nhạt, những giò phong lan vàng ruộm, những bụi hoa đỗ quyên đỏ rực dẫn vào hai căn nhà gỗ nằm kề nhau bên mảnh vườn mướt xanh cà phê trồng xen hồng, đào…
Cha giữ ấm bếp hồng
Một ông già ngoại thất tuần, nhỏ nhắn đón chúng tôi bằng nụ cười ấm áp. Hai tay nắm vào nhau đặt trước bụng đầy lịch thiệp, ông nói: “Trước tiên tôi rất mừng và vinh dự khi được tiếp đón anh chị có nhã ý ghé thăm buôn làng tôi và nhất là gia đình tôi. Tôi là Krajan Hai xin gửi lời chào tới các anh chị. Niêm sá theo tiếng của bà con tôi nghĩa là xin chào”. Trong tiếng cười sởi lởi, chủ, khách bước chân lên bậc thang vào nhà, ngồi quanh bếp lửa bập bùng…
Bà con ở đây gọi ông Krajan Hai là bác sĩ bởi mấy chục năm trước, ông là người hiếm hoi ở buôn làng này được đi học. “Hồi đó người ta dạy tiếng Pháp nên tôi đọc được, viết được và nói tốt tiếng Pháp. Sau này tôi làm phụ tá cho các bác sĩ người Pháp một thời gian. Từ đó đến nay bà con gọi tôi là Krajan Hai bác sĩ, dù tôi chỉ là y sĩ thôi”.
Khi trở về với nương, rẫy Krajan Hai cùng vợ mình lao động nuôi sáu người con. Khi người bạn đời và hai người con sớm về với núi, ông cặm cụi “gà trống nuôi con”. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, dân bon đã cất nhà xây, nhà lầu hết, ông vẫn giữ lại hai căn nhà gỗ truyền thống (hìu rọt) dài 9m rộng 5m làm từ năm 1952, nằm kề nhau giữa khu vườn xum xuê cây trái, hoa thơm bướm lượn, chim hót líu lo.
Bao năm rồi vẫn vậy, cứ có khách ghé thăm, ông lại mời vào hìu rọt. Bốn bức vách trên treo chiêng, trống, kèn bầu…, dưới dựng đầy những sản phẩm từ bàn tay lao động của thành viên trong gia đình: những ché rượu cần, những chiếc gùi, những tấm thổ cẩm… Và trong nhà luôn có sẵn củi để nổi lửa bập bùng mà sưởi ấm, đun nấu. Tất cả mọi sinh hoạt được diễn ra ấm cúng bên bếp lửa. Trong không gian đầy nghệ thuật ấy, Krajan Hai say sưa kể cho chúng tôi nghe truyền thuyết về chuyện tình cảm động của nàng Lang và chàng Bian. Họ yêu nhau và chết đi trong sự chia cắt, đau đớn để rồi giờ đây ở xứ này có ngọn núi ít cây cối trên đỉnh hơn người ta gọi là núi Ông. Và nơi ngọn núi có cây cối xanh tươi trên đỉnh như mái tóc của nàng Lang người ta gọi là núi Bà. Sau núi Bà có dòng sông Đạ Nhim (Đạ là suối, Nhim là nước mắt) từ nước mắt của nàng Lang tạo thành… Lý giải chuyện chữ viết của người K’ho, Krajan Hai kể: Xưa kia người dân tộc Tây Nguyên viết chữ trên những miếng da trâu vì nghĩ rằng da trâu có thể để lâu sau khi đã phơi khô. Một hôm, sau khi viết xong chữ lên da trâu, người ta đem ra sân phơi cho khô. Con chó trông thấy liền đến tha miếng da trâu đó đi mất. Thế là người Tây Nguyên mất luôn chữ viết. Sau này các nhà truyền giáo phương Tây đặt chân đến Tây Nguyên, để thuận lợi cho việc truyền giáo, họ đã cùng những người già làng biên soạn tiếng K’ho trên cơ sở chữ viết Latin và được sử dụng cho đến ngày nay v.v…
Câu chuyện chuyển dần sang cuộc đời ông. “Thế hệ của tôi người ta mua ông chồng. Mua không phải bằng vàng bằng bạc mà mua bằng con trâu. Khi đó, thông thường một ông chồng giá trị một con trâu, nhưng vợ tôi mua tôi tới năm con trâu vì tôi không chỉ thông thạo tiếng K’ho mà còn biết tiếng Kinh, tiếng Pháp…”, ông hào hứng. Năm 1991 do biết tiếng Pháp nên ông Hai được mời làm phiên dịch cho một đoàn khách Pháp đến tham quan Lang Bian. Không chỉ làm thông ngôn, ông còn kể cho họ nghe đời sống và văn hóa của người K’ho. Du khách khi rời đi còn gửi lại ông những cái ôm thật chặt. Đến tận bây giờ những bức thư, tấm bưu thiếp, những cuốn sách từ Pháp, Úc, Thụy Sĩ… của những người khách ấy vẫn còn được gửi về cho Krajan Hai.
Hơn 25 năm qua, Krajan Hai gắn bó với việc kể chuyện cho du khách trong và ngoài nước. Đã 79 tuổi nhưng giọng nói của ông còn khỏe khoắn lắm. Những câu chuyện của ông vẫn cứ nối tiếp nhau, cuốn hút và dạt dào như dòng nước chảy. Chúng khi thì mang phong vị của truyền thuyết, khi là dấu tích của thời xa xưa, lúc thú vị với những điều mới mẻ diễn ra hằng ngày ở bon. Bao năm qua, hìu rọt của Krajan Hai đã đón biết bao lượt khách háo hức đến rồi lưu luyến đi, mang theo những câu chuyện thú vị về cộng đồng người K’ho bản địa, về người đàn ông đắt giá và thú vị này.
Con tìm lời ru ngàn đời
Để thêm nồng cho câu chuyện, Krajan Hai say sưa hát, đánh chiêng, thổi kèn bầu… và không quên mời khách nếm rượu cần do chính con gái Cil Mom Blui của mình ủ.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Blui sống cùng với cha mẹ và làm vườn, rẫy. Kể từ khi mẹ mất, Blui – người phụ nữ của gia đình – đã ngoài 30 vẫn quẩn quanh bên người cha già với căn hìu rọt.
Blui vừa ngồi bên bếp lửa góp chuyện với cha để tiếp khách, vừa khéo léo nấu bữa trưa. Nào thịt heo nướng, canh cà đắng nấu cá suối ủ chua, rau biếp xào tỏi… Chị cho biết: Bà con ở đây có gì ăn đấy mà lại thành mùa nào thức nấy. Khách du lịch khi đến với bon cũng muốn ăn uống những sản vật bản địa. Anh JeaYoung Charlie Kim – du khách đến từ Hàn Quốc – cho biết: “Được ngồi ăn, uống bên bếp lửa đốt củi cháy bập bùng trong căn nhà gỗ dưới chân núi, thật là kỷ niệm nhớ đời của tôi. Tôi còn học được cách làm món muối chấm thịt nướng bằng cách giã nhỏ củ sả, ớt xanh, hành tím với muối. Rất đặc biệt! Cha con họ đều là những hướng dẫn viên tuyệt vời để giúp mọi người hiểu văn hóa của người K’ho”. Cạnh đó, chị Hoàng Tú Linh, du khách đến từ thành phố Hà Nội, thì chăm chú ghi chép những câu nói thể hiện tri thức dân gian của người K’ho mà cha con chị Blui lồng vào trong câu chuyện. Tôi đọc được những dòng như: “Lá chuối là chiếu của thần”, “Số bảy là số của người K’ho, họ có câu “Tháng Bảy tôi đói rừng” (tháng Bảy phải đi vào rừng săn bắt, hái lượm và tắm không khí của rừng)”…
Bình thường, khách du lịch đến dưới chân Lang Bian là lên xe jeep, phóng lên đỉnh radar cao 1.929m ngoạn cảnh. Nhưng chiều đó Blui bảo chúng tôi phải đi bộ xuyên rừng lên đỉnh núi Ông cao 2.124m và núi Bà cao 2.167m của dãy Lang Bian mới thấy hết vẻ đẹp huyền thoại, mới là đã đặt chân lên “nóc nhà của Đà Lạt”. Theo con đường mòn lô nhô đất đá, chúng tôi băng qua những vườn rau xanh mướt, rẫy cà phê trĩu trịt quả “chín đỏ như môi em cười” lên rừng thông bạt ngàn đôi khi có bãi cỏ rộng hay bãi hoa mua tím rực rỡ trên những khoảng đất bằng phẳng. Nắng nhẹ nhàng xuyên qua tán cây. Blui chỉ cho chúng tôi những cái nấm muôn hình trồi lên từ lớp lá thông rồi khuyến khích “Màu sắc sặc sỡ là nấm độc, mọi người tìm hái những cái nấm trắng đi. Tối về chúng ta sẽ có món nấm nướng thơm, dai, ngọt”. Mỗi người tỏa đi một hướng, một lát sau quay lại, tay ai cũng có vài cái nấm mập mạp. Thấy một con nhím lủi dưới gốc cây thông, Blui kể cho mọi người nghe chuyện về cái cần uống rượu. Chuyện rằng, ngày xưa, khi uống rượu ché người ta không dùng cần để uống như bây giờ. Cho đến một hôm, một người dân trong bon nhìn thấy con nhím dùng lông chích vào trái cây rừng và sau đó vài ngày nó quay lại để ăn. Thấy vậy, người đó vào rừng chọn những tay cây tre, nứa nhỏ, dài và thẳng mang về làm thành một cái cần cắm vào ché rượu để uống. Kể từ đó, việc này được truyền đi các bộ tộc và lan rộng khắp cao nguyên…
Đến khu vực rừng già, ánh nắng chỉ còn le lói. Cổ thụ rậm rạp, lớp mùn phủ dày, ngai ngái. Có những khu vực dốc tới 70 độ, mặt người đi sau như đặt lên chân người đi trước, tay phải bám vào gốc cây, bụi cỏ mà leo lên. Khi mồ hôi ướt đẫm áo, chân bắt đầu căng cơ và co rút, thấy trên đầu mình ánh sáng chan hòa cũng là lúc chúng tôi lên tới đỉnh núi. Từ trên cao dõi ánh mắt ra bốn phía, cảnh sắc thật ngoạn mục, thật hùng vĩ. Thị trấn Lạc Dương, thành phố Đà Lạt bồng bềnh trôi trong mây, luồn trong sương…
Trong hành trình dẫn khách du lịch, Blui – cô gái có cái má lúm đồng tiền dễ thương, có giọng nói ấm áp, cuốn hút – sắm trọn nhiều vai: là người dân ngày ngày kiếm sống dựa vào rừng, khi là một nhà văn hóa bản địa, lúc là nhà sử học nghiên cứu về mảnh đất này. Đối với khách nước ngoài chị còn là một nhà ngoại giao tài ba nữa. Công việc của chị như một vị đại sứ, giới thiệu hình ảnh, nét đẹp thiên nhiên, đặc trưng văn hóa và cái nhìn đúng đắn về con người và quê hương mình.
Những câu chuyện kể, những kiến thức bản địa, tên gọi công dụng của các loại cây, loài rau trong rừng…, chị có được phần lớn là do cha truyền dạy. Rồi chị tích lũy bằng chính cuộc kiếm sống hằng ngày giữa núi rừng. Rồi khi làm trưởng nhóm du lịch cộng đồng tuyến Lang Bian (thuộc vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà), chị lại được Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đào tạo diễn giải môi trường và tiếp thị du lịch sinh thái… Kiến thức bồi đắp từng ngày cộng với cơn đói rừng luôn cồn cào, Blui trở thành người con gái duy nhất dẫn khách du lịch leo núi ở khu vực Lang Bian.
Blui luôn tâm niệm “Phải tiếp nối công việc của cha, phải để khách được trải nghiệm những gì mà cha đã kể, để họ thêm hiểu, thêm yêu con người và vùng đất này”.
Từ giữa tháng 11-2016, Blui phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Tuổi Trẻ (Vietnam And You) khai thác loại hình du lịch cộng đồng (homestay). Chị lấy tên cơ sở lưu trú của mình là Bơkao Lơm Biêng (Hoa Lang Bian).
Anh K’Vâng, người K’ho ở bon Neur C, thị trấn Lạc Dương, hướng dẫn viên của vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, rất tâm huyết đánh thức giá trị văn hóa của người K’ho để khai thác du lịch, phát triển cộng đồng. Anh đã thiết kế tour “Konrong – Hành trình về núi thiêng Lơm Biêng” để hỗ trợ Blui. Theo anh, đây là một hành trình tuyệt vời cho những ai thích khám phá và cắm trại giữa thiên nhiên của cao nguyên Lang Bian rộng lớn – nơi cư trú của cộng đồng người K’ho Cil, K’ho Lạc. Tuyến Konrong ra đời dựa trên một truyền thuyết của hai cộng đồng này và được kể trong hành trình và đêm lửa trại bởi chính những đứa con của bon.
Anh hào hứng: “Thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên yên bình, băng qua các khe suối, thung lũng sâu những nơi bắt đầu của các dòng Da Deum, Da Sar, được nhìn ngắm chim, sóc, thỏ… vui sống trong rừng thông bát ngát, huyền bí, du khách sẽ thấy được sự thay đổi một cách rõ rệt của cảnh quan thiên nhiên. Du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác tự tìm, nấu nướng, thưởng thức các loại sản vật của rừng, đương nhiên không phải các loài động vật, thực vật đang nằm trong sách đỏ Việt Nam. Băng qua các dải rừng thưa, rừng lá rộng, rừng ẩm và kiểu rừng lùn, rêu, du khách tha hồ ngắm những khoảnh khắc tuyệt diệu. Khi lên đến đỉnh ta như chạm vào mây, sương mù bao phủ cả một vùng cảm giác như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh”.
Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức hương vị K’ho coffee, K’Bepizza, những sản vật ra đời từ tình yêu của hai người đàn ông phương Tây với hai cô gái người K’ho, tham quan K’ho gallery, gặp gỡ, trò chuyện, cùng hái cà phê, rang cà phê, xuống suối bắt ếch, bắt cá, lên rừng hái rau, hái nấm… với người bản địa. Đó cũng là cách quảng bá các tri thức và sản vật bản địa. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tuổi Trẻ, cho biết: Tuy mới đưa vào khai thác nhưng K’ho homestay, K’ho tour đã được du khách đón nhận. Trung bình mỗi tuần công ty có một đoàn khách lên trải nghiệm văn hóa K’ho ở Bơkao Lơm Biêng cũng như ở các bon trên địa bàn huyện Lạc Dương.
Mỗi người một tay, họ quyết tâm giúp người K’ho thoát nghèo bằng con đường làm du lịch bền vững.