Từng nương chè kết nối nhau, đẹp miên man trong trùng điệp mây núi, ao hồ, tạo thành vùng cảnh quan ngoạn mục ở Thanh Chương, Nghệ An, đã và đang định hình một điểm ngoạn cảnh đầy hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt.
Xứ Nghệ nổi tiếng với giống chè Gay đặc hữu, với tục gọi chè được nhạc sĩ An Thuyên miêu tả rằng: “Trưa nắng hè, gọi nhau râm ran chè xanh”.
Bên cạnh đó, miền chè công nghiệp trải dọc theo miền tây xứ Nghệ với Anh Sơn, Thanh Chương, Con Cuông, Nghĩa Đàn… nhờ hợp thổ nhưỡng, khí hậu, cùng công sức gieo trồng của cư dân bản địa đã tạo nên vùng cảnh quan ngoạn mục, trở thành điểm du lịch chè đầy kỳ thú so với những đồi chè danh tiếng khắp cả nước như Cầu Đất (Đà Lạt), Bảo Lộc (Lâm Đồng), Mộc Châu (Sơn La)…
Nói về ngành chè, Nghệ An luôn trong nhóm dẫn đầu xuất khẩu chè nguyên liệu cả nước với thị trường chính là khu vực Trung Đông. Còn về cảnh đẹp nương chè, miền Thanh Chương đang là một điểm đến hấp dẫn lữ khách khắp cả nước.
Du lịch chè
Hỏi đường tới vùng chè Thanh Chương, những người bản địa tận tình chỉ dẫn kèm câu giới thiệu: “Mấy chú ni đi du lịch, tham quan đồi chè hả? Chỗ nớ đẹp lắm!”.
Nói về nương chè công nghiệp (gieo trồng và chăm sóc bởi bàn tay con người) luống thấp, ít người biết Nghệ An đang sở hữu một miền phong cảnh miên man với đảo chè – đồi chè vùng Thanh An, Thanh Thủy thuộc huyện Thanh Chương.
Đến tâm điểm của vùng chè Thanh Chương quanh xí nghiệp chè Ngọc Lâm, tôi cùng những người trong ngành chè Việt thực sự bất ngờ bởi vẻ đẹp đồi chè trước mặt. Cả một vùng mênh mang, nhấp nhô, có núi, có ao hồ, phủ lên đó là màu xanh các luống chè mơn mởn lộc non.
- Xem thêm: Những đảo trà độc đáo ở Thanh Chương
Bên nương chè của gia đình, anh Nguyễn Duy Khai – thuộc đội 1, xí nghiệp chè Ngọc Lâm, Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, Nghệ An – cho biết: “Gia đình tôi trồng và khai thác nương chè này đã hơn 25 năm, trước kia làm ruộng bấp bênh vì địa hình không thuận lợi, nguồn nước khan hiếm. Khi chuyển qua chè mọi chuyện giản đơn hơn nhiều, thu nhập ổn định và khá hơn trước nhờ nguyên liệu được xí nghiệp bao tiêu”.
Vùng chè Thanh Chương gắn liền với các xí nghiệp sản xuất chè như Thanh Mai, Hạnh Lâm, Ngọc Lâm… trực thuộc Công ty Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An.
Trao đổi về câu chuyện sản xuất chè, ông Nguyễn Bá Trị – Giám đốc Xí nghiệp chè Ngọc Lâm giới thiệu: “Vùng chè này thành lập từ 1974, đến 1990 thuộc Liên hiệp Các xí nghiệp chè Nghệ Tĩnh, hiện thuộc Công ty Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An. Chúng tôi khai thác 600 hécta chè, 300 hécta là đất của xí nghiệp, phần 300 hécta còn lại thu mua từ trong dân”.
Các vùng chè công nghiệp ở Nghệ An trồng ba giống chủ lực của ngành chè Việt là PH1, LPD1 và LPD2. Tính riêng sản lượng của Xí nghiệp Ngọc Lâm, Thanh Chương mỗi năm đã xuất khẩu trung bình 800 tấn chè đen CTC (Crushing Tearing and Curling – lá trà nghiền thành bột, dùng chế biến trà túi lọc) cho thị trường Trung Đông, Đài Loan và EU.
Nói chuyện chè sạch, ông Nguyễn Bá Trị cho biết thêm: “Chất lượng và vệ sinh an toàn của chè là mấu chốt quyết định giá và uy tín, nên chúng tôi xây dựng bộ phận khuyến nông tăng cường công tác quản lý các hộ trồng chè, chỉ đạo họ chăm sóc, phòng sâu bệnh theo định kỳ mà xí nghiệp yêu cầu, làm tốt công tác này chất lượng sẽ đảm bảo. Về phần xí nghiệp ký kết mua bao tiêu sản phẩm của nông dân để họ an tâm sản xuất. Khi thu mua, chúng tôi đặt niềm tin vào nông dân, toàn bộ sản phẩm ra bao nhiêu được xuất khẩu hết”.
Với lữ khách, sản phẩm chè Thanh Chương chưa phải là yếu tố hấp dẫn cho bằng cảnh đẹp của nương chè. Từ hình thức gieo trồng, khai thác công nghiệp, nhờ cảnh đẹp ngoạn mục mà miền chè Thanh Chương đã xây dựng nên những mô hình du lịch chè, du lịch cảnh quan vùng đồi chè, đảo chè, hấp dẫn lữ khách khắp miền đất nước.
Chuyện chè xứ Nghệ
Rời các nương chè miên man, tìm hiểu thêm về chè xứ Nghệ, biết được nơi đây có hai dòng sản phẩm chủ lực là chè xanh và chè đen.
Việc phát triển vùng chè công nghiệp hình thành không chỉ đáp ứng thị trường trong nước, mà trọng yếu là xuất khẩu.
Lý giải điều này, ông Hồ Viết An – Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An cho biết: “Vùng chè bản địa ở Nghệ An có từ xa xưa, dựa trên nền đó để phát triển thành vùng chè công nghiệp. Hiện công ty chúng tôi có khoảng 10.000 hécta, mỗi vùng chè gắn với các nhà máy chế biến, tạo ra sản phẩm xuất khẩu. Tổng sản lượng xuất khẩu hằng năm từ 96 – 98%, số ít ỏi còn lại tiêu thụ trong nước”.
Để chè trở thành kinh tế trọng điểm của Nghệ An, việc phát triển vùng chè công nghiệp này những năm đầu 1970 đã gắn với sản phẩm chè đen truyền thống OTD (Orthodox). Lọ mọ vào thế giới chè, chuyện chế biến những mẻ chè đen đầu tiên ở Nghệ An lại gắn bó với ông Phạm Đức Trình – người từng công tác trong ngành chè phía Bắc, điều về Nghệ An làm Phó giám đốc Xí nghiệp Nông – Công nghiệp chè Anh Sơn, xây dựng quy trình sản xuất chè đen, phục vụ xuất khẩu những năm 1970.
Ông Trình nay đã nghỉ hưu. Gợi chuyện chè xứ Nghệ, ông hào hứng kể: “Nhiệm vụ của tôi là hướng dẫn sản xuất chè đen truyền thống OTD. Thời đầu ngành chè ở đây sơ khai lắm, chưa có máy làm héo, làm chè đen công đoạn héo rất quan trọng, giúp chè lên men và quyết định chất chè khi thành phẩm.
Tôi bày với anh em, nghĩ cách làm các tấm đan lưới, rải chè lên trên, dùng quạt thổi và tận dụng hơi gió tự nhiên để chè héo, vì nếu héo đủ điều kiện khi vò cánh chè không bị dập vỡ, mình chè đẹp, xuất khẩu có giá cao hơn. Sau này các xí nghiệp có nguồn vốn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, có máy làm héo kiểu cưỡng bức, rồi máy vò… việc sản xuất đơn giản hơn thời tôi rất nhiều”.
- Xem thêm: Hấp dẫn vùng trà Chế Là
Nhận xét về vùng chè công nghiệp Nghệ An, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng – Phó chủ tịch Hiệp hội Chè Việt (cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích người làm chè) – cung cấp thêm những con số cụ thể: “Tỷ trọng sản phẩm chè Việt ở 2018, có 49% sản phẩm chè đen. Trong những vùng sản xuất chè đen lớn như Phú Thọ, Lâm Đồng, Thái Nguyên… Nghệ An là tên tuổi ít được giới làm chè trong nước biết đến, nhưng sản phẩm của họ đáp ứng tốt các thị trường khó tính như EU và giữ phong độ tốt, cả về sản lượng lẫn uy tín.
Trong tổng diện tích 130.000 hécta trồng chè công nghiệp cả nước, 80% do nông dân kiểm soát, do vậy việc quản lý chất lượng được như vùng chè công nghiệp ở Nghệ An là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên vùng chè này cần khai thác nhiều hơn nữa thế mạnh nguyên liệu, bởi chất lượng tốt đủ tạo ra những sản phẩm mang yếu tố then chốt, song song việc sản xuất chè nguyên liệu xuất khẩu”.