Hỏi ở đâu trà ngon nhất huyện, bà Vũ Thị Hòa, Phó chủ tịch UBND huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang chỉ chúng tôi lên Chế Là. Từ thị trấn Cốc Pài, chúng tôi ngược 20km đường núi quanh co đến với xã Chế Là khi những tia nắng hè chói chang đang cố gắng xuyên thủng lớp mây dày đặc che vùng đất cao gần 1.000 mét này. Ấy vậy mà cũng non trưa, mặt đất Chế Là mới được rải một lớp nắng vàng nhạt. Điểm trên đó là các thảm màu xanh có lớp lang của những đồi trà…
Nhiều chuyên gia về trà cho rằng trà ngon thường được trồng ở độ cao 800m trở lên. Điều này rất đúng với Chế Là khi điểm thấp nhất của xã này cũng nằm tại khoảng độ cao 850m so với mực nước biển. Màu nước trà ở đây vàng như mật ong chứ không xanh cốm bắt mắt. Nhưng cái ấn tượng ban đầu không lừa được cái vị giác. Sau khi nhấp ngụm nhỏ theo lối “ngưu ẩm”, chỉ một xíu khi qua cổ họng, khoang miệng tôi bỗng cảm nhận một vị ngọt dịu, thanh thanh. Một cảm giác dễ chịu, mát mẻ, nhẹ nhàng, lâng lâng chứ không mạnh mẽ, cuộn trào khiến người ta say như những loại trà khác. Cái vị ấy vương vấn mãi nơi cổ họng làm quên đi cái bụng đang réo rắt vì đói khi mặt trời đứng bóng.
Ấm trà pha đến nước thứ bốn, thứ năm vẫn còn ngon. Trà Chế Là luôn được đánh giá cao trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng vì là trà sạch, không có hàm lượng phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Người dân lấy hạt của các cây shan tuyết cổ thụ mọc hoang dã hàng trăm năm nay trên những đỉnh núi cao của Chế Là. Quan sát kỹ những cánh trà đựng trong chiếc lọ thủy tinh sẽ thấy những búp chè khô, to, xù xì, cong hình móc câu được phủ một lớp lông tơ trắng như tuyết. Đã vương thì khó mà không thương. Cầm chén trà trên tay, tôi tập trung khứu giác để cảm nhận. Hòa với mùi thơm nồng của trà chín là cái ngậy ngậy của mùi ngô non hay mùi lá nếp. Cái sự thú vị ấy được ngẫm trong giây lát, thoảng đi để lại mùi trà nồng đượm.
Chế Là là xã vùng cao khó khăn của huyện Xín Mần, cây trà là một trong những cây đặc trưng và là tiềm năng phát triển của xã. Theo chân bà Nùng Thị Rọt, ở thôn Cốc Cộ, chúng tôi tìm được những cây trà shan tuyết lá to như lá đa, thân to như cột nhà, cao lừng lững nằm ở những đỉnh núi cao hơn 2.000 mét và rất xa trung tâm xã như Xỉn Khâu, Cốc Cang. Phần để tiện thu hái, phần do quy hoạch của ủy ban nhân dân xã nên người dân đã lấy hạt của những cây trà cổ trên rừng về ươm giống rồi trồng thành nương quanh nhà. Người dân ở đây có truyền thống hái lá trà tươi về đun nước uống và sao thủ công rồi gác lên gác bếp để bảo quản, uống quanh năm.
Chúng tôi đến thăm ông Đào Đăng Hiệp, sinh năm 1967, người được mệnh danh là ông tổ nghề trà Chế Là. Ông Hiệp quê ở huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, bản tính ưa chu du nên thích đi đó đi đây để thỏa chí và tìm cơ hội làm ăn. Cách đây 11 năm, ông đặt chân đến Chế Là, thấy những đồi trà xanh bạt ngàn, búp mập mạp, hái vài búp nhấm thử thấy chát mạnh, hậu ngọt; mê quá, ông quyết định ở lại mở lò sao trà. Mua trà tươi của dân, ông về nhặt rồi sao bằng chảo gang, đun bằng củi. Cứ 7kg trà tươi sao trong 1 giờ 45 phút đến 1 giờ 55 phút thì được 1kg trà khô. Có thành phẩm, ông lấy thương hiệu là Ngọc Bình, đóng gói bằng túi nylon rồi bán tại địa phương và gửi bán về xuôi, thậm chí vào tận miền Nam.
Cây trà ở Chế Là là có tiềm năng nhưng loay hoay để phát triển. Thương hiệu chưa có, giá cả thấp hơn nhiều loại trà shan tuyết khác trên thị trường bởi chất lượng và mẫu mã sản phẩm chưa được cải thiện. Việc truyền thông chưa được quan tâm nên cái ngon cái lạ của trà Chế Là mới chỉ dừng ở mức… truyền miệng. Trước những khó khăn của nghề trà Chế Là, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết, hiệp hội sẽ mời những nghệ nhân giỏi trong nghề sản xuất và kinh doanh trà lên dạy nghề tại chỗ và hỗ trợ địa phương làm thương hiệu, quảng bá và bán sản phẩm.
Một tin vui là Chi cục Quản lý chất lượng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang) vừa khảo sát, lập quy hoạch 57ha trà trồng theo phương pháp hữu cơ ở các thôn Cốc Cộ, Đản Điêng để làm chỉ dẫn địa lý. Các diện tích trà còn lại cũng được xã quy hoạch để sản xuất trà an toàn.