Một mùa hè đang đến gần, các bậc phụ huynh có điều kiện đang lên kế hoạch cho con em một chuyến du học ngắn hạn. Đây là chuyến đi thử lửa, học hỏi kiến thức, nâng cao khả năng ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng sống cho các em, hay đơn giản chỉ là cuộc dạo chơi tốn kém?
Học bổng hay tự túc
Du học ngắn hạn không còn xa lạ ở ViệtNam, thường được gọi là du học “2 trong 1”, tức học kết hợp với du lịch. Thay vì du lịch thuần túy, các bậc phụ huynh học sinh tranh thủ cho con học ngoại ngữ – thường là tiếng Anh – để mở mang đầu óc. Chương trình du học ngắn hạn kéo dài từ ba đến sáu tháng, tùy vào khóa học, năng lực tài chính của gia đình.
Chương trình này hiện có hai dạng: học bổng hay tự túc.
Nếu là dạng học bổng, thường do một trường đại học nước ngoài kết hợp với một trường đại học của Việt Nam trao, như là chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn. Sinh viên tham gia chuyến đi này thường được tài trợ ăn, ở, học phí, chỉ tốn tiền vé máy bay và tham quan. Các quốc giaHoa Kỳ,Singapore, Thái Lan, lãnh thổ Đài Loan… thường có một số học bổng ngắn hạn cho sinh viên ViệtNam. Đơn cử, Trường ĐH Chualalongkorn, Thái Lan có chương trình học bổng trao đổi sinh viên cho các trường đại học thuộc khu vực Đông Nam Á. Trường ĐH Quốc gia Singapore (NUS) cũng thường có chương trình trao đổi sinh viên trong một học kỳ. Tuy nhiên, chương trình này tuyển chọn gắt gao, dành cho sinh viên năm thứ hai hoặc năm thứ ba có thành tích học tập tốt, giỏi tiếng Anh (ưu tiên cho sinh viên có chứng chỉ TOEFL IBT hoặc IELTS), có tư chất trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai. Mới đây, Trường ĐH Quốc gia Đài Loan (NTU) gửi thông báo đến ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển sinh viên tham dự chương trình du học hè ngắn hạn 2012. Khóa học dạy bằng tiếng Anh, sinh viên được nghiên cứu các phòng lab hiện đại ở NTU…
Nếu như du học ngắn hạn bằng học bổng giới hạn số lượng sinh viên tham dự, thì đi bằng chính “túi tiền” của mình lại dễ dàng, đơn giản và đa dạng hơn, từ các khóa tiếng Anh cho đến các chứng chỉ chuyên ngành kinh tế, thương mại, truyền thông…
Theo Trung tâm Giáo dục Hoa Kỳ, nước này có các chương trình du học ngắn hạn như trao đổi học sinh trung học, chương trình trao đổi chuyên môn và nghiệp vụ, các chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật và dạy nghề, học đại học ngắn hạn… Đó là chương trình tiếng Anh kinh doanh hay các chương trình cấp chứng chỉ đặc biệt trong các ngành như luật, kỹ thuật, giáo dục, y tế, kiến trúc, lập trình máy tính, hàng không, du lịch khách sạn… Một số chương trình, cả của tư nhân lẫn của trường đại học, có đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản… Riêng các chương trình trao đổi học sinh trung học kéo dài từ vài tuần đến một năm học, và nhiều chương trình cho phép bạn đến sống với một gia đình người Mỹ.
Ngọc Hoa, học sinh Trường THPT Chuyên Trưng Vương TP.HCM cho biết: “Hè năm ngoái tôi đăng ký một khóa ngắn hạn ở Singapore. Nhìn chung, chi phí du học ngắn hạn vừa với khả năng của gia đình, bao gồm chi phí học, ăn, ở và vé máy bay hai chiều. Du học ngắn hạn không chỉ rèn tính tự lập, giao lưu với các sinh viên quốc tế mà còn giúp tôi khám phá được văn hóa nhiều nước”.
Khóa học chỉ thật sự bổ ích nếu học sinh tự tin, chịu học hỏi. Còn nếu đòi du học ngắn hạn chỉ để chứng tỏ mình giàu, hay tìm tự do, khỏi ràng buộc của gia đình… thì dĩ nhiên không thu được kết quả.
Kiến thức hay ngoại ngữ?
Nếu như các khóa du học hè ngắn hạn thường chỉ dành cho học sinh kết hợp đi chơi, tham quan thì hiện nay, nhu cầu của những người đã tốt nghiệp đại học hay đang đi làm, những người không có nhiều thời gian hay khả năng tài chính để theo một khóa học dài lâu học nâng cao kỹ năng, kiến thức chuyên ngành ngày càng lớn.
Nâng cao trình độ ngoại ngữ, tiếp nhận tối đa kiến thức là mong muốn của nhiều du học sinh. Tuy nhiên, do thời gian học ngắn ngủi nên để đạt được mục tiêu này các sinh viên sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Mặt khác, chỉ riêng việc hòa nhập với môi trường mới đã mất vài tháng, nhiều học viên vừa mới thấy thích nghi đã phải quay về nước. Vì vậy, nhiều học viên băn khoăn: “Làm sao có thể hoàn thành khối kiến thức chuyên ngành khi học bằng ngoại ngữ? Giữa ngoại ngữ và kiến thức, cái nào cần hơn khi đi du học ngắn hạn?”.
Trong khi nhiều trung tâm du học quảng cáo: “Sau ba tháng, học viên sẽ nói trôi chảy tiếng Anh như người bản xứ”, thì rất nhiều người sau thời gian du học ngắn hạn những gì thu được vẫn là con số không. “Gia đình đã gom góp cho tôi theo học một khóa tiếng Anh ở Anh, để dễ xin visa đại học sau này. Do vậy, tôi tự hứa sẽ tập trung học để không lãng phí tiền của. Nhưng khi qua môi trường mới, tôi bị cuốn vào những chuyến đi chơi, shopping nên sao lãng quyết tâm ban đầu. Mặt khác, tôi còn rụt rè, thụ động nên trình độ ngoại ngữ không được nâng lên chút nào”, Thanh Hùng, một cựu du học sinh ngắn hạn chia sẻ.
Để chọn lựa những chương trình phù hợp nhất với mình, các học viên nên tìm hiểu thông tin từ internet, các tổ chức quốc tế, các trường đại học… Trung tâm Giáo dục Hoa Kỳ tư vấn rằng trước khi đăng ký một khóa học, học viên cần phải tự đặt những câu hỏi: Bạn có đáp ứng những điều kiện nhập học? Kiểm định chất lượng chương trình đó hay tổ chức đó như thế nào? Chi phí cho khóa học là bao nhiêu? Khóa học có bao gồm chi phí về chỗ ở hay chi phí sắp xếp chỗ ở cho bạn không, có hỗ trợ sinh viên trong việc tìm chỗ ở không? Các dịch vụ khác như các hoạt động xã hội do trường hay cơ sở giáo dục tổ chức? Môi trường học, thời tiết và hệ thống giao thông công cộng như thế nào? Chương trình này được thực hiện bao lâu, những học viên tham gia chương trình là ai, làm những nghề gì sau khi hoàn thành khóa học này? Liệu chương trình bạn sẽ học có được công nhận ở trong nước của bạn hay không, có cấp chứng chỉ?…
Trả lời những câu hỏi trên chính là cách tốt nhất để có thể thành công trong học tập. Thời gian tương đối ngắn khi du học sẽ trở nên có ích hơn. Học viên cũng cần phải mua bảo hiểm y tế trong thời gian sống ở xứ người. Ngoài ra, cần phải tìm hiểu về vấn đề có phải đặt cọc trước hay không, các quy định về việc trả lại tiền, hủy khóa học, hay bất cứ một nghĩa vụ nào mà bạn và cơ sở đào tạo phải cam kết. Bạn cần lưu ý xem các khóa học hay chương trình đào tạo ngắn hạn mình tham gia có được kiểm định hay không.
Riêng tại Hoa Kỳ, nếu có ý định học ở một trường cao đẳng hay đại học, bạn có thể phải tốn một khoản tiền xin cấp thị thực sinh viên. Hầu hết các loại hình học tập ngắn hạn tại Hoa Kỳ đều yêu cầu bạn phải xin Đại sứ quán hay Lãnh sự quán Hoa Kỳ cấp thị thực sinh viên. Đó là thị thực phổ thông nhất cho các sinh viên quốc tế (F-1), học nghề sẽ được cấp thị thực M-1. Còn nếu tham gia một chương trình trao đổi nổi tiếng thì bạn sẽ được cấp thị thực trao đổi J-1. “Các khóa học ngắn hạn, mang tính chuyên môn cao chỉ đạt hiệu quả nếu người tham dự có trình độ ngoại ngữ khá tốt. Khi ấy, bạn sẽ thu được nhiều lợi ích nhất về nhu cầu được đào tạo chuyên môn cũng như hoàn thành mục tiêu của mình”, anh Hồ Ngọc Danh, cựu du học sinhSingaporechia sẻ.
Một số website tham khảo
http://www.ayusa.org
http://www.effoundation.org
http://www.cci-exchange.com
http://exchanges.state.gov
http://www.aaace.org
http://www.cultural.org
http://www.aifs.com
http://www.astd.org
(Nguồn: Trung tâm Giáo dục Hoa Kỳ)