Hà Lan được công nhận là nền giáo dục đại học đứng thứ ba trên toàn thế giới với 13 trường đại học nằm trong Top 200 theo Bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới của tạp chí Times Higher Education. Đất nước của những chiếc cối xay gió cũng đang là điểm đến hấp dẫn cho các du học sinh Việt Nam.
Theo anh Phạm Đình Bảng, đại diện của Văn phòng Hỗ trợ Giáo dục Hà Lan tại Việt Nam – Nuffic Neso Vietnam, lý do quan trọng để chọn du học Hà Lan là chương trình và phương pháp giảng dạy mang tính ứng dụng cao. Các trường ở Hà Lan thường áp dụng phương pháp đào tạo khuyến khích sinh viên đặt ra nhiều vấn đề, thuyết trình, nghiên cứu và làm việc nhóm, bổ sung rất nhiều cho sinh viên Việt Nam vốn đã quen với chương trình thiên về học thuật. Văn hóa giao tiếp của Hà Lan với Việt Nam có nhiều nét tương đồng, người Hà Lan khá thẳng thắn, cởi mở hiếm có các trường hợp sinh viên bị “sốc” văn hóa khi du học ở đất nước thân thiện này.
Những ngành học thế mạnh của Hà Lan
Phương pháp giáo dục của Hà Lan chú trọng sự tương tác và lấy sinh viên làm trung tâm, nên sinh viên sẽ có môi trường thú vị và chuyên nghiệp để phát triển ý kiến cá nhân, duy trì một tư duy mở và tăng cường định hướng quốc tế, đồng thời kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo cũng được rèn giũa và trau dồi.
Ngoài ra, sinh viên có thể chuyển đổi tín chỉ giữa các trường trong liên minh châu Âu một cách linh hoạt. Chẳng hạn, sinh viên có thể học một, hai học kỳ ở Hà Lan rồi học những năm còn lại hoặc đi thực tập ở Anh, Áo… Theo anh Phạm Đình Bảng, những ngành học thế mạnh của Hà Lan và phù hợp với sinh viên Việt Nam là các ngành quản lý chuỗi cung ứng, hàng hải, nông nghiệp, truyền thông, thương mại, ngành khởi nghiệp và quản lý nhà hàng khách sạn. Các chương trình học của các trường đại học khoa học ứng dụng (hogescholen) chuyên sâu vào áp dụng thực tiễn kiến thức đã học.
Gặt hái kinh nghiệm thực tiễn trong công việc qua thực tập là một thành phần không thể thiếu của các chương trình học phát triển nghề nghiệp. Hà Lan có 42 trường đại học khoa học ứng dụng được chính phủ tài trợ. Trường đại học lớn nhất trong số này có chỉ tiêu tuyển sinh từ 20.000 đến 40.000 sinh viên. Tổng cộng các trường đại học khoa học ứng dụng tuyển sinh hơn 400.000 sinh viên theo học các chương trình đào tạo nghề nghiệp.
Đặc biệt, chính phủ Việt Nam và Hà Lan vừa ký kết nghị định thư cho các dự án liên kết, ưu tiên hợp tác năm lĩnh vực gồm quản lý nước và ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp, năng lượng, kinh tế biển và dịch vụ vận tải logistics. Đây đều là những chương trình, ngành học thế mạnh tại các trường đại học Hà Lan, nên cơ hội việc làm trong tương lai khi về nước của các bạn theo học các chương trình này là rất lớn.
Các trường ở Hà Lan xét điểm tuyển sinh từ tháng 4 mỗi năm nên sinh viên lưu ý nộp hồ sơ đúng hạn. Sinh viên tuyển sinh bậc đại học và sau đại học xin visa du học Hà Lan khá dễ dàng, trường đại học Hà Lan sẽ chủ động thực hiện thủ tục thị thực cho sinh viên trung tuyển. Một thử thách lớn với sinh viên là yêu cầu điểm tiếng Anh IELTS phải đạt ít nhất 6.0 dành cho cử nhân và 6.5 trở lên dành cho bậc thạc sĩ, đây là một mức điểm không dễ dàng cho nhiều sinh viên. Trong các quốc gia khác có thể chấp nhận mức điểm thấp hơn và sinh viên có thể học chương trình dự bị thì chương trình này rất hạn chế ở Hà Lan. Ngoài ra, sinh viên còn gặp khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường vì đôi khi ngành học các bạn chọn lại không có chương trình dạy tiếng Anh của ngành đó. Ngoài ra, có những chương trình đặt ra yêu cầu riêng mà sinh viên cần lưu ý kỹ, chẳng hạn như trong lĩnh vực nghệ thuật.
Có nên chọn trường hàng đầu tại Hà Lan?
Theo anh Phạm Đình Bảng, xu hướng của các bạn sinh viên Việt Nam là chọn trường nằm trong Top các trường hàng đầu, nhưng đa phần các trường này thuộc hệ thống giáo dục thiên về nghiên cứu, sẽ khó khăn hơn trong khâu xét tuyển đầu vào. “Theo tôi, các em nên quan tâm nhiều hơn đến hệ thống giáo dục thiên về ứng dụng, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Các ngành ứng dụng đã mang lại thành công cho không ít sinh viên Việt Nam trước đây”, anh nói.
Ngoài ra, Hà Lan được xem là quốc gia có môi trường tốt ở châu Âu để khởi nghiệp. Chính sách thu hút nhân tài của chính phủ đất nước này đã mở ra nhiều cơ hội để sinh viên quốc tế có thể làm việc tại đây. Sinh viên có thể xin gia hạn giấy phép cư trú ngay sau khi tốt nghiệp hoặc quay trở lại để tìm việc tại Hà Lan trong vòng ba năm sau đó. Tham gia vào mạng lưới cựu du học sinh Hà Lan, các trang thông tin tìm việc cũng giúp tăng cường cơ hội của bạn trong thị trường lao động hấp dẫn.
Chi phí du học Hà Lan không quá đắt đỏ, khoảng từ 800-1.100 USD mỗi tháng đã bao gồm chi phí nhà ở, sinh hoạt. So với các nước nói tiếng Anh khác thì cuộc sống ở Hà Lan không đắt đỏ. Thomas Kramer, một sinh viên người Đức cho biết: “Tôi đã tiết kiệm 20% khi học ở Hà Lan so với tại Anh!”. Sinh viên có thể được giảm giá ở các cửa hàng ăn, viện bảo tàng và rạp chiếu phim. Chúng ta cũng có thể dễ dàng đi dạo quanh thành phố bằng xe đạp hoặc các phương tiện giao thông giá rẻ. Nếu chịu khó tìm hiểu, sinh viên có thể tìm thấy các chợ của người châu Á tại Hà Lan.
Để hành trình du học Hà Lan được thuận lợi, bạn trẻ nên bắt đầu chuẩn bị từ năm lớp 11. Ngoài chuẩn bị về tiếng Anh, các em nên tham gia các buổi hội thảo, triển lãm, tham khảo thông tin từ Văn phòng Hỗ trợ Giáo dục Hà Lan tại Việt Nam, gởi thư tìm hiểu thông tin về trường, ngành mình chọn. Giáo dục Hà Lan luôn khuyến khích tính tự giác, chủ động, độc lập, sáng tạo để phát huy cá tính của sinh viên. Vì vậy, những sinh viên năng động, sáng tạo và tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi sẽ dễ thành công khi du học ở đất nước này.
Với các sinh viên có tính tự chủ, nhanh nhạy thì có thể tự liên hệ trường và nộp hồ sơ. Còn với đa phần các bạn không có nhiều thời gian và không biết nguồn thông tin đáng tin cậy thì nên nhờ đến các trung tâm tư vấn uy tín. Vì các đơn vị tư vấn thường có kinh nghiệm để làm hồ sơ nhanh hơn, đầy đủ hơn. Sinh viên cũng nên tham gia các hội, nhóm sinh viên Việt Nam, chẳng hạn Hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan (VSNL), để được bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau trong một cộng đồng đáng tin cậy.