Đầu tháng 10/2024, ba nhà sáng lập dự án chống ô nhiễm nhựa đại dương đầy tham vọng Plastic Odyssey StopOver, bao gồm Simon Bernard, Alexandre Dechelotte và Bob Vrignaud đã có mặt tại TP. HCM. Đây là một phần của hành trình ba năm giải quyết nạn ô nhiễm nhựa đại dương và thúc đẩy các sáng kiến tái chế bền vững trên toàn cầu. Thông điệp chính của dự án là kết nối cộng đồng, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tìm kiếm những giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.
Simon Bernard và Alexandre Dechelotte đều là sĩ quan hải quân thương mại còn Bob Vrignaud là kỹ sư công nghệ, gặp nhau tại Trường Hàng hải Quốc gia ở Marseille, Pháp. Họ chọn một con tàu đặc biệt, bắt đầu một hành trình kết nối các sáng kiến địa phương ở 30 quốc gia nhằm giải quyết rác thải nhựa. Họ đến các thành phố ven biển, chia sẻ các công nghệ tái chế đổi mới và khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia.
Buổi giao lưu của dự án Plastic Odyssey StopOver đã thu hút hơn 450 người tham dự từ nhiều tỉnh thành khác nhau như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Cần Thơ, cùng các khách mời là bà Emmanuelle Charrier – Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM, Bà Kim Green – Hiệu trưởng Trường Quốc tế ISHCMC, và Hoa hậu Trái đất Việt Nam 2024 – Cao Ngọc Bích.
Cũng trong buổi này, đông đảo khán giả được giải đáp về cách thức quản lý và xử lý rác thải nhựa. Nhiều khán giả cũng quan tâm về việc áp dụng công nghệ của Plastic Odyssey để giảm thiểu sử dụng và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam, cũng như tình trạng ô nhiễm biển quanh khu vực. Ngoài ra, các cuộc thảo luận đã nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa các ngành nghề khác nhau, bao gồm cộng đồng doanh nghiệp và các thợ lặn, nhằm chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.
Ngoài sự kiện, Plastic Odyssey còn giới thiệu nhiều sáng kiến quan trọng trong hành trình của họ, mở ra các cơ hội học hỏi và tham gia như Recycling Academy – Kho kiến thức và kỹ năng tái chế tiên tiến; Onboard Laboratory – Phòng thí nghiệm di động trên tàu và Local micro factories – Những nhà máy nhỏ xử lý và tái chế nhựa tại địa phương.