Bên cạnh những thứ tiếng thông dụng, gọi là tiếng dân tộc hay quốc ngữ, người ta thấy rằng, còn có khá nhiều ngôn ngữ, chữ viết của các thị tộc thiểu số, và thậm chí là ngôn ngữ do một nhóm người ở trong một làng bản, xóm ấp viết ra, ví dụ như trường hợp dưới đây: Nữ thư (Nushu) ở xã Giang Vĩnh (Jiangyong), tỉnh Hồ Nam (Hunan), Trung Quốc.
Không chỉ vậy, nó còn chỉ lưu hành giữa nội bộ phụ nữ với nhau; nam giới không thể nào viết hay đọc nổi, cũng không hiểu ý nghĩa là gì.
Ra đời cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nữ thư vẫn tồn tại đến nay, song hành cùng tiếng phổ thông, tuy rằng các sách vở – văn bản của nó thưa dần, do số người thực hiện ít đi. Theo thống kê năm 2012, chỉ còn khoảng 500 bài viết bằng chữ này, từ các khổ thơ bốn dòng tới chuyện và hồi ký của các bà, các chị. Do sự đặc sắc và giá trị văn hóa, thông tin về lối sống, lịch sử, chính quyền đã có nhiều chương trình để phục hồi và duy trì truyền thống trao đổi bằng nữ thư trong vùng.
- Xem thêm: Những chữ viết đầu tiên của nhân loại
Mọi sự bắt đầu từ phong tục kết bạn liêu đồng (laodong) giữa các bạn nữ ở một ngôi làng xa xôi phía Tây Nam tỉnh Hồ Nam. Do tục lệ trai gái không được bắt chuyện – hẹn hò tự do, con gái cũng phải ở nhà làm bếp, ngoài ra là tục bó chân khiến nữ giới không thể đi xa được, nên từ nhỏ các em gái đã chơi thân với nhau và kéo dài rất lâu, cho dù một người đi lấy chồng và rời khỏi quê hương. Và để có thể liên lạc, hỏi han những khi không gặp mặt, họ thường viết thư trao đổi và bằng những ký hiệu, chữ viết mà chỉ họ mới hiểu nổi.
Trong đó kể những việc ăn gì, mặc chi, bố mẹ – chồng con đối xử ra sao, trong nhà đang có sự kiện nào to, nhỏ… Toàn là những chuyện phụ nữ nên nam giới không được biết hoặc không cần biết. Từ những tâm sự, chia sẻ, họ đã dần biến nữ thư trở thành một công cụ giao tiếp, truyền thông bí mật, và hơn thế trải qua nhiều thế hệ được người mẹ truyền cho con gái như một thứ chữ viết riêng của phái nữ.
Đến thế kỷ 20, trong khi tại nhiều vùng của Trung Quốc, phụ nữ hãy còn mù chữ, thì ở đây nữ giới không hề mù chữ, hoặc ít ra là không mù chữ theo cách của họ. Bất chấp chồng, cha, anh có dạy chữ phổ thông cho không, song vợ và con gái, em gái vẫn am hiểu mọi thứ và có kiến thức mở mang nhờ nữ thư.
Các bà, các chị không chỉ viết chữ trên giấy, sách vở, da thú mà còn thêu nó vào khăn, áo, quần, quạt cùng nhiều tư trang. Để dễ dàng đưa nó ở bất cứ đâu, bất kỳ thời gian nào. Sở dĩ như vậy vì những cô gái luôn bị nhốt trong nhà hoặc bó hẹp trong phạm vi của xóm làng, chứ không được rong ruổi tứ xứ như nam giới. Họ lại là người dân tộc, và đa số là người Dao nên cũng ngại tiếp xúc.
7 tuổi đã phải bó chân, gánh nước, giặt giũ, nấu nướng, chăm em, nếu may mắn thì 15-18 tuổi có chàng trai dạm hỏi, còn không may thì ở giá suốt đời, thậm chí nhiều người đã lấy chồng song theo lệ làng, con gái vẫn phải ở nhà cha mẹ ruột, thêm vào đó là tục trọng nam, khinh nữ, bao gồm cả việc phải sinh con trai nối dõi tông đường, nếu sinh con gái thì bị hắt hủi, chịu bao cô đơn, đau khổ nên cứ có dịp thuận lợi là họ lại viết thư hay làm quà tặng nhau.
- Xem thêm: Chữ viết tay
Nam giới vẫn thấy họ viết, thêu thùa song không rõ họ đang làm gì vì những chữ viết rất lạ, và thường chỉ là những nét chấm, phẩy ngang, dọc và mũ (uốn cong) như thể các nét vẽ cơ bản. Nói chung, mỗi chữ viết đều thuôn dài, có dạng lá tre, sóng nước. Và với phụ nữ Giang Vĩnh, họ gọi đó là chữ chân muỗi vì có những nét mảnh dài, thanh tú như chân muỗi. Nhiều người cũng thường dùng bút tre chấm mực để viết.
Ngoài viết thư tường thuật chuyện nhà – xóm giềng, việc hờn dỗi – than thân trách phận cùng những lời ca, câu thơ để nhẩm đọc lúc vui buồn, họ còn viết những câu chúc mừng, ca tụng véo von khi bạn bè, con gái lớn khôn, thành tài. Tiêu biểu cho điều này là các bài tam chúc (sanzhaoshu) viết trên vải, và gửi cô dâu vào ngày thứ ba sau lễ cưới.
Đây là những lời khuyên kết hợp chúc mừng của mẹ, dì, cô, bác, chị, em trong nhà, mong cô có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình chồng. Và nó là một trong những lá thư đặc biệt nhất của cô, vì kể từ đây nếu đi xa quê, cô không biết có còn gặp mặt, hoặc nhận được thư của họ hay không.
Để có thể viết được nhiều như vậy, vốn từ vựng ở nữ thư phải rất dồi dào. Theo nghiên cứu Hán học, tuy không hẳn là một ngôn ngữ, thứ tiếng hẳn hoi, song nó cũng có khá đầy đủ ký tự lẫn âm, và được viết từ trên xuống dưới, từ trái qua phải như ngữ pháp thông dụng. Nó có khoảng 1.800 từ, trong đó mượn khoảng 80% chữ Hán. Nữ thư cũng có một nửa từ vựng là ký tự ghi âm, và nửa còn lại là từ ghi ý.
Vì tối mật, lại chỉ ấn hành trong xã Giang Vĩnh và một số nơi lân cận, phải đến các năm 1960, người Trung Quốc và năm 1980, cả thế giới mới biết tới nữ thư. Khi mà một cụ già bị ngất tại một ga xe lửa, và kiểm tra túi đồ của cụ, cảnh sát phát hiện ra một tài liệu ghi bằng mật mã kỳ quặc. Cho rằng cụ là một gián điệp, họ đã dẫn giải về đồn.
- Xem thêm: Dạng láy nguyên trong luật thi
Tìm hiểu dần thì giới học giả mới vỡ lẽ, tài liệu ấy là một lá thư được viết bằng một thổ ngữ đã gần 200 tuổi, và là một biến thể của Hán thư hoặc một ngôn ngữ cổ xưa đã bị quên lãng thuộc miền đông đất nước. Tra cứu về ý nghĩa, cách thức của nữ thư, có học giả còn cho rằng, nó bắt nguồn từ cách viết thư của một cung nữ, tiểu thiếp vào cuối thế kỷ 11, đi lấy chồng xa, không trở về nhà được nên thường kể lể nỗi buồn nhớ của cô với những người thân ở quê hương.
Do cuộc cách mạng văn hóa, nhiều văn bản viết bằng nữ thư đã bị đốt cháy. Cộng với tục địa táng theo người chết, một lượng lớn vật dụng ghi nữ thư cũng biến mất. Hơn thế, giữa thế kỷ 20, đa số phụ nữ đều được đi học chữ Hán, nên nữ thư đã gặp nguy hiểm. Cho đến nay, tại Giang Vĩnh, chỉ còn khoảng 10 người hiểu biết và viết được nữ thư song đều đã già, và người am hiểu nhất đã mất vào năm 2004, thọ 98 tuổi.
Thế nhưng, thật may mắn, nó hãy còn sống, nhờ công lao của nhiều nhà ngôn ngữ, trong đó có học giả Zhou Shouyi. Ông là một người đầu tiên nghiên cứu nữ thư vào đầu thập niên 90, và từ năm 2003 đã xuất bản một cuốn từ điển, chú giải từng chữ. Hằng tuần, ở Giang Vĩnh và Đại học Tsinghua – Bắc Kinh vẫn có các lớp dạy nữ thư cho cả nam lẫn nữ nhằm gìn giữ di sản độc đáo này.