Cao Đức Thái vừa là một người khởi nghiệp trẻ tuổi, vừa là nhà sáng lập hai dự án phi lợi nhuận lớn là Sách và Hành động và Hành động vì nguồn nước (Action For Water – AFW). Chàng trai có lối trò chuyện triết lý này là một trong 30 người đang có ảnh hưởng tích cực đối với giới trẻ hiện nay do tạp chí Forbes bình chọn. Bằng chất giọng Hà Nội trầm ấm, anh mở đầu câu chuyện về hành trình chạy xuyên Việt trong 30 ngày, cũng là lý do ra đời của dự án Sách và Hành động cách đây ba năm.
Chạy hết chiều dài đất nước hình chữ S là một hành trình cam go hơn tôi tưởng tượng trước đó. Từ một người chỉ chạy được quãng đường dài khoảng 2 cây số, tôi đã hoàn thành đường chạy 10 cây số trong ba tuần nên tôi tự tin nghĩ rằng chạy hơn 1.700 cây số từ Bắc xuống Nam không phải là chuyện “bất khả thi”. Nhiều người có tiếng tăm như: Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức; Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Công ty cổ phần sách Thái Hà; anh Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập chương trình “Sách hóa nông thôn”… đều ủng hộ mô hình Câu lạc bộ Sách và Hành động tại các trường đại học nhưng ai cũng nghi ngờ về hành trình chạy xuyên Việt của tôi. Nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện chuyến đi để chia sẻ đam mê đọc sách và cổ vũ tinh thần hành động mà tôi ấp ủ trước đó từ rất lâu. Hành trình này cũng nhằm thử sức và hiểu thêm về giới hạn của bản thân.
____
Hành trình chạy bộ giúp hiểu về giới hạn của con người thế nào?
Có thể nói khả năng tiềm ẩn của con người là vô hạn. Một số người sẽ cảm thấy khó tin nếu chưa thực sự trải qua những hoàn cảnh đặc biệt. Trên đường chạy, đã có nhiều lần muốn bỏ cuộc, khi băng qua những trận mưa lạnh thấu xương ở Huế, khi chạy trên lớp cát bỏng rát dưới cái nắng chói chang ở Bình Thuận, khi băng qua đường đèo Hải Vân trong màn đêm mịt mùng, khi vừa dứt cơn đau dạ dày thì lại bị tiêu chảy, cảm lạnh rồi cảm nắng, qua cơn suy kiệt thể xác và nhiều lần đôi chân bị chấn thương nặng… Thật may, những người bạn đồng hành xuất hiện đúng lúc, những câu chuyện vui trên đường đi và nhất là những lời cổ vũ động viên từ người thân, bạn bè đã giúp tôi hoàn thành đường chạy trong 30 ngày. Tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm với những gì mình đã nói, chỉ cần muộn 1 phút thì xem như là thất bại và uy tín của dự án Sách và Hành động cũng bịảnh hưởng ít nhiều, bởi vậy tôi đã phải chạy liên tục 30 giờ để hoàn thành 105 cây số cuối cùng.
____
Anh đã thay đổi ra sao sau 30 ngày chạy đó?
Chỉ sau một lần chạy xuyên Việt, tôi đã thay đổi rất nhiều, nhất là sự trưởng thành trong nhận thức. Tôi cho rằng tinh thần đồng đội, tính kỷ luật, không bỏ cuộc sẽ giúp đưa đến thành công. Hành trình chạy bộ xuyên Việt quả thật không đơn giản như tôi nghĩ. Tôi đã phải nghỉ việc để luyện tập thể lực sáu tháng trước khi chạy. Thông tin về chuyến đi tôi chỉ có thể chia sẻ với bạn bè còn bố mẹ thì không hề hay biết. Ngày thứ năm, lúc đang ở Vinh, tôi mới dám nói cho bố tôi biết qua điện thoại. Sau này tôi mới biết ngày nào mẹ tôi cũng khóc vì lo lắng.
Hành trình này giúp tôi học được sự khiêm tốn khi sống cùng những người bạn đồng hành chu đáo và giàu trách nhiệm. Nếu không có anh bác sĩ đi cùng, tôi có thể gặp những nguy hiểm đến tính mạng. Nếu không có chàng “anh nuôi” hài hước, có lẽ tôi cũng khó vượt qua những lúc buồn và nhớ nhà. Tôi từng bị nhắc nhở, góp ý khi xem mình là người quan trọng nhất đoàn. Đến nay, khi ở vị trí quản lý của một doanh nghiệp hay dự án xã hội tôi cũng luôn tự nhắc nhở mình về cách xử sự chừng mực, trách nhiệm với những cộng sự của mình. Nhờ tính kỷ luật và có trách nhiệm mà tôi cũng có được sự tin tưởng của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam.
“Tinh thần đồng đội, tính kỷ luật, không bỏ cuộc sẽ giúp đưa đến thành công.”
____
Câu chuyện thế nào, thưa anh?
Năm ngoái, tôi tổ chức cuộc thi Hành động vì nguồn nước (AFW 2015) nhằm tìm kiếm các giải pháp xã hội hoặc giải pháp kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới bảo vệ nguồn nước, giải pháp tiết kiệm nước, xử lý ô nhiễm nguồn nước có khả năng ứng dụng rộng rãi trong thực tế. Đây là một cuộc thi quy mô và giải thưởng lớn, được bảo trợ bởi Đại sứ quán Israel, trong khi đơn vị tổ chức của tôi lại chưa được nhiều người biết đến nên việc kêu gọi tài trợ thất bại. Khi biết cá nhân tôi đã bỏ ra chi phí để tổ chức cuộc thi, phía Đại sứ quán Israel rất bất ngờ và hài lòng vì tôi đã biết giữ uy tín cho họ. Đến nay, họ cũng rất quan tâm và ủng hộ dự án Sách và Hành động.
____
Vì sao đọc sách phải đi liền với hành động, thưa anh?
Đọc sách để tiếp nhận tri thức và dùng tri thức để thay đổi bản thân, đó là tinh thần hành động. Tôi nhận thấy xã hội chúng ta không thiếu tri thức mà chỉ thiếu tinh thần hành động. Israel là nước có văn hóa hành động rất rõ ràng, họ gọi là tinh thần “Chutzpah”, hiểu một cách đơn giản là liên tục hành động không ngại thất bại để vươn đến thành công. Người Israel cũng có nền văn hóa khoan dung và khi một người hành động chưa thành công, họ gọi là “thất bại có tính xây dựng” hay “thất bại thông minh”. Tôi đã từng thất bại với các dự án kinh doanh, tôi cho đó cũng là thất bại có tính xây dựng. Sự thất bại tả tơi của công ty đầu tiên do mình sáng lập thực sự đã dạy cho tôi những điều tuyệt vời. Trắng tay, nhưng thật may mắn tôi còn một thứ quan trọng hơn, đó là niềm tin và đó là hạt giống cho một bước khởi nghiệp sau đó. Đây là tinh thần mà người trẻ Việt Nam rất cần học hỏi để thay đổi bản thân chứ không phải thay đổi thế giới. “Thay đổi thế giới” là câu nói “cao siêu” xuất hiện phổ biến trong giới trẻ, trong khi điều cần làm trước là thay đổi bản thân. Đôi khi tôi tự hỏi biết đâu thế giới hiện nay không còn tốt đẹp, an toàn như xưa vì có quá nhiều người muốn thay đổi thế giới?
- Xem thêm: Đời người ai cũng tìm đến chữ “an”
Theo tôi, khi từng người chúng ta hành động thì thế giới sẽ thay đổi tích cực theo. Trên thực tế có rất nhiều khóa học kỹ năng mềm, các chương trình hội thảo nhằm khơi dậy tinh thần hành động cho các bạn trẻ. Khi được truyền cảm hứng, họ cảm thấy nhiệt huyết bùng cháy, chỉ muốn thay đổi chính mình ngay lập tức. Nhưng sau khoảng một tuần, hai tuần, chút năng lượng vừa le lói đã tắt dần, họ lại quay về bản chất yếu đuối, nhỏ bé, thiếu đam mê, thiếu cả niềm tin vốn có.
Trong cuộc sống, tôi thấy có rất nhiều việc có thể coi là thử thách để rèn luyện bản thân, để trở nên can trường, nghị lực, sâu sắc, táo bạo hơn khi leo lên những nấc thang mới của cuộc đời chẳng hạn như rời khỏi cái chăn ấm sớm hơn 30 phút, gặp một khách hàng mới, hay mời một cô gái xinh đẹp đi xem phim. Hành động đều đặn thì cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn, bớt hẳn đi sự chán nản, tuyệt vọng. Đúng như quan niệm của ông Chung Ju Yung, người sáng lập Tập đoàn Hyundai, một ngày làm việc cần cù sẽ có một giấc ngủ ngon, một tháng làm việc cần cù sẽ thấy cuộc sống đi lên, một năm, hai năm, ba năm làm việc cần cù sẽ thấy sự phát triển sự nghiệp to lớn. Chính vì vậy, đọc sách và hành động phải song hành cùng nhau.
____
Theo các khảo sát của Viện Xã hội học thì chỉ có khoảng một phần mười sinh viên tại các trường đại học đọc sách báo. Vậy bao nhiêu trong hơn 60 câu lạc bộ đang hoạt động hiệu quả?
Trung thực mà nói thì có một số câu lạc bộ hoạt động chưa hiệu quả không phải vì thiếu lực lượng tình nguyện viên mà vì thiếu người lãnh đạo tâm huyết. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những con người thích hợp để phát triển các câu lạc bộ này.
Thế hệ trẻ ít đọc sách vì nhiều nguyên nhân khách quan, sự phát triển của công nghệ thông tin là một trong những nguyên nhân chính. Đứa trẻ nào cũng thấy các thiết bị thông minh hấp dẫn hơn sách báo. Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do cha mẹ cho phép con dùng các thiết bị này thường xuyên thay vì xây dựng thói quen đọc sách cho con. Cha mẹ luôn cho rằng mình quá bận nên không có thời gian đọc sách, cũng không mua sách báo cho con, làm sao khuyến khích con ham đọc. Phải nói rằng các phương tiện giải trí hiện đại là cám dỗ lớn, tôi cũng đã có một thời ham mê chơi game. Thật may, bố mẹ tôi thường xuyên mua truyện cổ tích, báo Nhi Đồng cho con và dành thời gian đọc sách cùng con.
Các ông bố chỉ cần bớt chút thời gian trên bàn nhậu đã có thể cùng con đọc sách vài ngày trong tuần. Tôi không đồng ý với quan niệm là các hợp đồng thường được ký kết nhanh chóng trên bàn nhậu. Người ta có thể tìm ra cách giải quyết cho mọi vấn đề không cần đến bia rượu. Thời gian dành cho sách hữu ích hơn bia rượu rất nhiều.
“Xã hội chúng ta không thiếu tri thức mà chỉ thiếu tinh thần hành động.”
____
Nhiều người cảm thấy công việc hằng ngày quá bận rộn nên hầu như không còn thời gian đọc sách…
“Bận” dường như là một trong những từ được dùng phổ biến hiện nay. Thực ra, hầu hết chúng ta cảm thấy bận là do không biết cách sắp xếp thời gian và công việc một cách khoa học hơn. Nhiều người tự cho mình quá bận rộn đến nỗi không có thời gian cho bản thân, huống hồ là việc đọc, nhưng theo tôi nếu sắp xếp thời gian hợp lý thì ai cũng có thể có thời gian. Những doanh nhân, người nổi tiếng trên thế giới vẫn có thời gian cho gia đình và những sở thích cá nhân trong khi chúng ta thì lúc nào cũng thấy mình bận bịu. Tỉ phú Warren Buffet đọc 1.000 trang mỗi ngày trong những ngày đầu khởi nghiệp và hiện nay vẫn duy trì 80% thời gian làm việc hằng ngày cho việc đọc sách. Các tỉ phú Mark Zuckerberg và Bill Gates thì đọc một cuốn sách mỗi tuần. Nếu không có thời gian cho chính mình thì làm sao có được hạnh phúc?
Tôi có thói quen là càng nhiều việc càng phải tìm cách dứt mình ra khỏi công việc bằng những chuyến đi ngoài kế hoạch. Có lẽ vì thế mà tôi đi chơi hơi nhiều. Nhưng càng đi tôi thấy đầu óc trở nên sáng suốt hơn, nhờ đó mà những vấn đề trong công việc cũng tìm được cách giải quyết và cuộc sống cũng nhẹ nhàng hơn. Tôi rất thích đi phượt, tự mình khám phá những cung đường ít người đi. Tôi cũng thích chinh phục những ngọn núi cao để chiêm nghiệm được vài triết lý sống thú vị.
____
Hành trình chinh phục những ngọn núi cao hẳn là còn gay go hơn của 30 ngày xuyên Việt?
Khó khăn và nguy hiểm hơn rất nhiều, chúng tôi phải vượt qua những vách đá cheo leo, những dòng thác dựng đứng và những lối mòn trơn trượt ngay bên cạnh vực sâu. Có những lúc đôi chân uể oải, nhức nhối, lưng đau rã rời khiến tôi bị tụt lại phía sau khá xa trong khi trước mặt là con đường phủ mây mù hun hút… Nhưng tôi tự động viên mình là hành trình ngàn dặm chỉ bắt đầu bằng một bước chân, cứ kiên trì bước từng bước một thì ai cũng có thể chinh phục Fansipan cả.
Mỗi lần leo núi cho tôi một trải nghiệm khác nhau. Lần leo Fansipan, đỉnh núi cao nhất trên dãy Hoàng Liên Sơn, tôi nhận ra bài học một bước chân. Ngọn núi dù cao tới đâu, chúng ta cũng chinh phục được chỉ cần kiên trì từng bước, không bỏ cuộc. Lần leo Tà Chì Nhù, một ngọn núi cao gần 3.000m ở Yên Bái, trong điều kiện vừa đói vừa khát, tôi đã biết trân trọng với thực phẩm mà mình may mắn có được hằng ngày. Gần đây nhất, tôi chinh phục đỉnh núi cao thứ nhì ở Việt Nam là Pu Ta Leng trong hơn 16 giờ và té ngã cả trăm lần. Những lần đầu tôi rất bực vì đau, nhưng những lần sau tôi chỉ cố cười khi ngã, nhờ vậy mà cơn đau qua rất nhanh và tôi đứng dậy nhanh hơn.
Những người không có thời gian đi chơi như tôi thì có thể tìm thấy những lời giải cho công việc, cuộc sống từ sách. Có thể nói nội dung sách vô cùng phong phú, từ sách giúp quẳng gánh lo để vui sống, cách hòa hợp trong hôn nhân, gia đình đến sách hướng dẫn cách khởi nghiệp, sách dạy làm giàu… Trước đây tôi học ngành xây dựng, chưa từng kinh qua lớp quản lý, điều hành nào. Nay tôi điều hành được dự án xã hội và doanh nghiệp tư nhân cũng nhờ đọc sách. Sách là kho tri thức tuyệt vời, chắt lọc từ kiến thức, kinh nghiệm của tác giả. Đọc sách là cách chúng ta trò chuyện với tác giả mà chủ động lựa chọn những gì mình thích.
____
Làm thế nào để nói cho một người không thích đọc rằng sách rất thú vị?
Hãy đưa cho người đó một cuốn sách phù hợp. Tự truyện của những người thành đạt là dễ đọc, dễ cảm nhất và phù hợp với những người mới đọc. Mẹ tôi trước đây cũng không có thói quen đọc sách cho đến khi bà đọc được cuốn tự truyện Gian truân chỉ là thử thách của tác giả Hồ Văn Trung. Câu chuyện của một anh chàng mồ côi nghèo khó trở thành ông chủ một tập đoàn ẩm thực đã thật sự gây ấn tượng với mẹ tôi. Bây giờ thì bà thường dặn tôi: “Lúc nào về nhớ mang sách cho mẹ đọc với nhé”.
Tôi từng đọc sách không phải vì thích mà vì muốn xin được một công việc tốt. Nhưng càng đọc tôi càng mê sách đến nỗi thích đi mua sách giống phụ nữ mê shopping vậy. Sách giúp tôi hiểu về bản thân và thế giới, hướng dẫn tôi sống có định hướng và trách nhiệm. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì nhận ra điều này khi còn trẻ và tôi muốn chia sẻ hạnh phúc của mình với mọi người. Vì vậy, tôi thường tặng sách cho những người mình quý mến, trong đó có các tình nguyện viên. Sau khi tôi đưa cho họ những cuốn sách phù hợp thì hiện nay một số bạn thường đọc 200 trang sách mỗi ngày.
“Đọc sách là cách chúng ta trò chuyện với tác giả mà chủ động lựa chọn những gì mình thích.”
____
Các dự án xã hội thường khó giữ chân tình nguyện viên, tặng sách có phải là cách để họ gắn bó với Sách và Hành động?
Muốn tình nguyện viên gắn bó với dự án thì có nhiều việc cần làm chứ không chỉ tặng sách. Tôi thường không cố gắng tuyển càng nhiều người càng tốt mà chỉ chọn những người phù hợp với văn hóa của tổ chức của mình. Chính vì vậy nên dù là một dự án xã hội nhưng cách tuyển các thành viên khá gắt gao. Điều quan trọng nhất là tính trung thực và biết sống vì người khác, trình độ thì có thể đào tạo sau. Sau đó, tôi tổ chức các thành viên trở thành một gia đình, thân thiết như anh chị em.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc, tôi cũng tạo điều kiện để các thành viên có cơ hội lắng nghe và thấu hiểu nhau bằng những buổi nấu ăn tập thể và những buổi thiền trà để mọi người cùng tĩnh tâm, lắng đọng và nói ra những khúc mắc trong cuộc sống của mình. Đây là cơ hội để mọi người cùng tìm hiểu và có thể giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cũng là dịp để mình tự cải thiện bản thân. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức những chuyến đi thăm gia đình của các thành viên. Nhiều gia đình ở tận Đà Nẵng, Thanh Hóa, thấy chúng tôi đến thăm, lại còn mang theo một giá sách tự đóng thì rất vui mừng và quý trọng.
____
Cách của anh cũng có thể áp dụng vào doanh nghiệp để giữ chân nhân viên?
Cách làm này tôi cũng muốn chia sẻ với những ông chủ trẻ. Tôi đang áp dụng khá thành công trong doanh nghiệp của tôi đấy thôi. Với những doanh nghiệp có số lượng nhân viên lớn thì có thể chia nhỏ để quản lý theo cách này. Tôi nhận thấy nhiều tổ chức không thể giữ chân nhân viên là do người chủ xem nhẹ quyền lợi của nhân viên. Họ quá tham lam đến nỗi không nhận thức rằng lợi nhuận của doanh nghiệp là do nhân viên tạo ra và cũng nên chia sẻ các quyền lợi đó một cách công bằng. Trong quản lý kinh doanh, chúng ta nên chịu thiệt một chút để nhân viên có cơ hội được hưởng những gì họ xứng đáng.
Tony Hsieh, CEO Công ty Zappos, đã có quan niệm rất hay về việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, thể hiện trong cuốn Delivering happiness. Ông cho rằng doanh nhân cần phải xây dựng một công ty hạnh phúc, nơi mà mỗi nhân viên đều cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình thì khách hàng cũng sẽ hạnh phúc. Ông đã thực hiện quan niệm này trong Công ty Zappos đồng thời truyền bá đến mọi người để mang lại hạnh phúc cho toàn thế giới.
Đã làm doanh nghiệp thì nên có tầm nhìn dài. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển qua hàng thế kỷ thì không nên theo đuổi mục tiêu lợi nhuận rốt ráo trong vài năm đầu, mà nên tập trung xây dựng một văn hóa doanh nghiệp bền vững. Văn hóa mà vững mạnh thì doanh nghiệp mới phát triển xa.
____
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện.