Doanh nhân trẻ Phạm Chân Quang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Matera cũng là Phó giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Tân Thành (tỉnh Bình Dương) – một chàng trai 27 tuổi đã từ bỏ sự nghiệp của mình ở Mỹ, trở về Việt Nam để theo đuổi mục tiêu mang đến những sản phẩm nội thất đẹp và an toàn cho người Việt đặc biệt là các sản phẩm cho trẻ em, đồng thời sáng lập một quỹ học bổng có tên là BFF (Big Friend Foundation – Người bạn lớn) nhằm tài trợ học phí suốt bốn năm đại học cho các sinh viên nghèo.
Qua hơn mười năm định cư tại Mỹ, đã có công việc ổn định sau khi nhận tấm bằng kỹ sư đô thị của Đại học UCI (Irvine, bang California) và hoàn thành khóa tu nghiệp tại Ý nhưng anh vẫn nhất định trở về quê hương. Giải thích về quyết định trở về chỉ trong một đêm, anh cho biết rằng ngoài ba mẹ, còn rất nhiều người mong đợi anh. Đó là những chú bác, anh chị đã gắn bó với Công ty Gỗ Tân Thành – doanh nghiệp của gia đình anh suốt hơn mười lăm năm qua. Ngoài ra, anh có nhiều dự án muốn thực hiện để hỗ trợ cho các bạn trẻ trong nước.
____
Và một trong những dự án đó là Quỹ học bổng BFF…
Đúng vậy! Theo tôi, giáo dục là chìa khóa bền vững để thay đổi cuộc sống của mỗi cá nhân nhưng cơ hội này tiếc là không công bằng với mọi người. Tôi cảm thấy mình may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có đủ điều kiện để được học tập và tiếp cận nhiều nguồn tri thức. Vì vậy, tôi không khỏi xót xa khi nghe ở đâu đó có những em nhỏ không được đến trường, những học sinh giỏi nhưng không thể vào đại học vì gia đình nghèo khó. Trăn trở mãi, cuối cùng tôi quyết định rủ một số người bạn cùng xây dựng Quỹ học bổng BFF để chia sẻ khó khăn với các sinh viên giàu nghị lực nhưng có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước. Ra mắt từ trung tuần tháng 8-2013, đến nay BFF đã và đang tài trợ cho 17 sinh viên theo học ở các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh.
____
Trong năm nay, anh có dự định mở rộng nguồn quỹ của mình để trao học bổng cho nhiều sinh viên hơn không?
Quả thật trong số 1.160 sinh viên phải nghỉ học do không có khả năng đóng học phí và đảm bảo cuộc sống tối thiểu (căn cứ vào thống kê cuối năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì con số 17 sinh viên đang được BFF tài trợ là quá ít. Số tiền 48 triệu đồng tài trợ cho mỗi sinh viên trong bốn năm học đại học không lớn, nhưng là nỗ lực lớn của nhóm thành viên điều hành vì kinh phí của BFF hình thành từ việc vận động qua mối quan hệ của các thành viên là chủ yếu. Vì vậy, chúng tôi chưa có dự định mở rộng quỹ học bổng này trong thời gian ngắn. Bảy thành viên của ban điều hành đều có tuổi đời chưa đến 30, dù có công việc ổn định nhưng năng lực tài chính chưa mạnh. Nếu vội vàng mở rộng hoạt động thì chúng tôi e rằng khó tài trợ và quản lý tốt.
Vấn đề là sau khi tài trợ tiền học phí, BFF còn cử người theo sát việc học của các sinh viên nhận tài trợ, định hướng cho họ trong học tập và tiếp thu những kỹ năng cần thiết. Hằng tháng, các bạn sinh viên sẽ được tham gia những buổi tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm giải quyết công việc vì người hướng dẫn là các anh chị thành đạt và có kinh nghiệm trong nghề, đặc biệt là hỗ trợ họ tìm được việc làm phù hợp với khả năng.
“Trong tương lai, nếu có điều kiện thì chúng tôi sẽ tăng số lượng học bổng, nhưng mục đích mà BFF nhắm đến không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ được càng nhiều sinh viên nghèo càng tốt mà quan trọng hơn là làm lan tỏa tình thương, giúp mọi người có niềm tin vào lòng nhân ái.”
____
Vậy các kỹ năng mà BFF cung cấp cho các sinh viên là gì?
Tất cả những kỹ năng mà sinh viên hầu như không được dạy ở trường, ví dụ kỹ năng thích nghi với sự thay đổi, khám phá bản thân, giao tiếp hiệu quả, quản lý thời gian, giải quyết các vấn đề, vận dụng công nghệ mới, quản lý tài chính, làm việc nhóm, rồi kỹ năng viết, đọc nhanh, sử dụng nguồn lực, định hướng nghề nghiệp…
Có lẽ mặc cảm về hoàn cảnh của mình nên đa số sinh viên trong lần đầu tiếp xúc với chúng tôi thường e dè, nhút nhát, thiếu tự tin. Nhiều bạn cứ cúi gằm mặt và run rẩy khi trò chuyện. Có người còn òa khóc, không nói nên lời. Thật vui vì chỉ sau vài lần tham gia các khóa huấn luyện, các bạn đã trưởng thành thật sự, trở nên tự tin và giao tiếp tốt hơn nhiều. Trong cư xử hằng ngày, họ cũng trở nên lạc quan và hòa đồng hơn, biết trân trọng những gì mình đang sở hữu, sống có trách nhiệm hơn và không quên dành nhiều thời gian cho gia đình. Còn trong học tập, họ quyết tâm hơn vì biết rằng con đường đến với thành công không hề dễ dàng. Nhưng điều quý giá nhất mà sinh viên học được đó chính là làm chủ cuộc sống, xác định được giá trị bản thân, nuôi dưỡng ước mơ để phấn đấu đạt cho được những giá trị đích thực trong cuộc sống. Đó thật sự là một món quà quý đối với những người tâm huyết với BFF.
____
Thông thường, các quỹ học bổng cho sinh viên thường tuyên truyền rầm rộ để thu hút nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân. Xem ra, BFF lại không chú trọng đưa thông tin lên các phương tiện báo chí, chắc hẳn là có lý do gì đó…
Vì chúng tôi muốn làm thật tốt, hoàn thiện mô hình trước khi giới thiệu rộng rãi và thu hút thật nhiều nguồn tài trợ để tăng số lượng học bổng cho sinh viên. Tất nhiên trong tương lai, nếu có điều kiện thì chúng tôi sẽ tăng số lượng học bổng, nhưng mục đích mà BFF nhắm đến không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ được càng nhiều sinh viên nghèo càng tốt mà quan trọng hơn là làm lan tỏa tình thương, giúp mọi người có niềm tin vào lòng nhân ái. Tôi rất thích ý tưởng của những người sáng lập và điều hành chuỗi quán cơm 2.000 đồng tại TP. Hồ Chí Minh. Bữa cơm 2.000 đồng vừa giúp người nghèo có được bữa ăn ấm lòng mà quan trọng hơn, vừa lan tỏa những tấm lòng nhân ái để người nghèo tin rằng trên đời vẫn còn nhiều người tốt. Tôi thấy rằng trong cuộc sống có rất nhiều người tốt và sẵn sàng chia sẻ với người khác. Họ như một mạch nước ngầm, chỉ cần khơi đúng mạch là sẽ tạo được một lực lượng giúp đỡ xã hội vô cùng lớn. Đồng thời, khi tình yêu thương và lòng nhân đạo lan tỏa thì xã hội cũng dần bớt đi tệ nạn cướp bóc, giết người…
Trên tinh thần đó, BFF chỉ là mắt xích đầu tiên trong chuỗi học bổng dành cho sinh viên, học sinh. Chúng tôi cũng muốn chứng minh rằng không chỉ những doanh nghiệp giàu có, những tập đoàn nước ngoài mới có thể hỗ trợ các sinh viên nghèo khó. Tôi đã trăn trở về quỹ học bổng cho sinh viên nghèo khá lâu trước khi hiện thực hóa nó mà nguyên nhân chỉ vì không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng nếu không bắt tay vào làm thì không biết đến bao giờ lòng nhân ái của người này mới đến được với người khác. Có lẽ nhiều người khác cũng muốn giúp người nghèo nhưng không biết bắt đầu như thế nào. Tôi thực hiện BFF để những người khác tự tin và nhanh chóng thể hiện lòng hảo tâm của mình theo cách của họ.
____
Và điều mà anh nhận được lúc này là…?
Là hạnh phúc! Tôi tin rằng khi yêu thương được gửi đi một cách tự nhiên thì chúng ta sẽ nhận lại hạnh phúc tương xứng. “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, nhân ái là bản tính vốn có của mỗi chúng ta, chỉ cần biết yêu thương và chia sẻ là cuộc sống sẽ trở nên có ý nghĩa hơn.
Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi tìm được một sinh viên khó khăn thật sự và cần BFF giúp đỡ. Tôi vẫn nhớ hành trình vất vả đến nhà sinh viên Thu Hà tại một xã miền núi huyện Lộc Thiện, tỉnh Bình Phước, sát biên giới Campuchia, đường sá đi lại rất khó khăn. Nhà Hà có năm anh em, ba người anh lớn do không đủ điều kiện để học tiếp nên phải nghỉ học từ sớm, đi làm thuê. Ba của Hà tuổi đã lớn và bị bệnh đau cột sống nhưng vẫn phải vừa trông coi rẫy cao su, vừa đi làm thuê, khuân vác, phụ việc, mà việc thì nay có mai không. Mẹ Hà đi bán rau ngoài chợ, chắt chiu từng đồng để lo cho gia đình. Trong lúc trò chuyện, em đã khóc vì nghĩ rằng mình không thể theo học đại học do gia đình quá khó khăn…
Để trao học bổng đúng đối tượng, chúng tôi phải sàng lọc thật kỹ trong hơn 90 hồ sơ gửi về và đến tận nhà ứng viên để xác thực. Tôi nhớ có trường hợp Phạm Phú Quý (Long An) rất may mắn không bị lọt hồ sơ. Trong đơn, em cho biết hoàn cảnh nhà mình là “nhà tường xây, mẹ là tiểu thương buôn bán nhỏ”. Đến nơi, chúng tôi mới phát hiện nhà em chỉ là một túp lều dựng tạm trong con hẻm nhỏ, “tường xây” nhà em là tường của hai ngôi nhà khác. Mẹ em có một tủ đựng linh tinh vài loại bánh kẹo, thuốc lá…
“Khi yêu thương được gửi đi một cách tự nhiên thì chúng ta sẽ nhận lại hạnh phúc tương xứng.”
____
Nghe nói BFF tiếp nhận và điều tra cả những hồ sơ từ miền Trung, miền Bắc nữa…
Vâng, chúng tôi có một số cộng tác viên hoạt động rất nhiệt tình tại khu vực miền Trung. Miền Trung có rất nhiều sinh viên nghèo hiếu học. Có những trường hợp khiến chúng tôi phải rơi nước mắt khi nhắc đến. Chẳng hạn em Ngọc Huyền ở Bình Định, sinh ra đã không biết mặt cha, mẹ lại không đủ khả năng nuôi con nên em đã về sống với cậu mợ từ lúc nhỏ. Khi cậu mất vì ung thư gan, một mình mợ với đồng lương giáo viên đã phải gồng mình cho hai đứa con đi học đại học nên khó có thể nuôi Huyền học đại học. Trò chuyện với Huyền, tôi thấy em có một định hướng rõ ràng và quyết tâm tìm kiếm một công việc theo ước mơ, vừa để tự nuôi sống bản thân và gia đình, vừa có thể giúp đỡ những người khó khăn khác. Chúng tôi tin rằng em sẽ phấn đấu không ngừng và đạt được thành công trên con đường học vấn của mình.
____
Vừa chăm lo cho doanh nghiệp của gia đình, vừa lo phát triển doanh nghiệp mới thành lập, lại vừa dành thời gian không nhỏ cho BFF, liệu anh có cảm giác bị kiệt sức?
Hiện giờ tôi vẫn thấy mình sung sức lắm, có lẽ vì đang vui với những điều nhỏ mà BFF mang đến cho các bạn sinh viên và gia đình của họ. Cảm giác mình đang sống có ích khiến tôi có nhiều năng lượng hơn trong công việc. Hơn nữa, tôi được sáu thành viên trong nhóm điều hành giúp đỡ rất nhiều.
____
Vì sao anh lại quyết định quay về khi cuộc sống và công việc ở Mỹ gần như đã ổn định?
Vì tình cảm của các anh chị trong doanh nghiệp gia đình tôi quá lớn. Nhiều người đã sống và làm việc cùng gia đình tôi suốt chặng đường hơn mười năm, chứng kiến tôi lớn lên từ những bước chập chững đầu tiên. Cha mẹ tôi đã cố gắng tạo một cuộc sống tốt cho anh em công nhân bằng cách xây nhà chung cư cho họ, mở trường mẫu giáo để chăm lo cho con cái của họ. Công ty của gia đình có hơn 1.100 công nhân thì đã có hơn 60% được sống trong những căn hộ khang trang, sạch sẽ. Mọi người trong công ty sống và làm việc với nhau hòa thuận, quan tâm đến nhau như anh em một nhà. Dù xa nhà khá lâu nhưng mỗi lần trở về, tôi luôn cảm nhận sự đón tiếp chân tình, ấm áp. Đây có lẽ là ngôi nhà mà không đâu thay thế được.
____
Anh tiếp quản doanh nghiệp của bố mẹ như thế nào với vai trò phó giám đốc?
Ban lãnh đạo của Tân Thành chăm lo về đời sống vật chất cho nhân viên, còn tôi quan tâm đến đời sống tinh thần nhiều hơn. Tôi đã và đang thực hiện các chương trình nhằm nâng cấp cả trình độ của công nhân, nâng cao kỹ năng sống cho con cái của họ. Tôi thường xuyên tổ chức các lớp tiếng Anh, lớp kỹ năng và năng khiếu cho con em cán bộ công nhân viên. Vào mỗi cuối tuần, chúng tôi tổ chức những buổi câu cá, văn nghệ giao lưu…
“Cảm giác mình đang sống có ích khiến tôi có nhiều năng lượng hơn trong công việc.”
____
Có phải vì công nhân ở công ty gia đình anh chủ yếu là những anh em đồng hương Quảng Ngãi, quê hương của ba anh nên gia đình cảm thấy có trách nhiệm phải chăm lo cho họ?
Trong công ty, người Quảng Ngãi đúng là chiếm số đông, nhưng còn rất nhiều người đến từ các tỉnh miền Tây, từ Đồng Nai, Bình Phước… Tất cả đều được chú trọng chăm lo về an sinh xã hội, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Có lẽ nên gọi doanh nghiệp của gia đình tôi là một ngôi làng nhỏ thì đúng hơn, cha mẹ tôi giữ vai trò trưởng làng. Trưởng làng không ngại bỏ thời gian đi kiểm tra, đôn đốc làm sao để cuộc sống mọi người thật sự thoái mái. Ông bà ta nói rằng có an cư mới lạc nghiệp, sự đứng vững và đi lên của doanh nghiệp cũng từ công nhân mà ra. Vì vậy, chúng tôi ra sức chăm lo cho họ, không phải chỉ để xây dựng hình ảnh, thương hiệu.
____
Một doanh nghiệp gia đình mà bao bọc cho công nhân quá mức liệu có khiến họ nghĩ lại?
Không đâu! Chúng tôi khuyến khích xây dựng ý thức tự giác ngay từ những buổi đầu làm việc nên công nhân có ý thức rất cao về nghĩa vụ của từng người và họ đều hết lòng phục vụ cho doanh nghiệp. Ba mẹ tôi hay nhắc tôi rằng việc tạo cho mọi người niềm tin vào tình người, được đối xử như những người thân trong những năm tháng xa xứ mưu sinh là rất cần thiết. Tặng cho công nhân sự vui vẻ, niềm tin để họ tiếp tục vượt qua khó nhọc trong cuộc sống là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp. Tôi thấy ba mẹ mình đã làm đúng và đó là một bài học thực tế dành cho tôi trong quản lý.
____
Vì sao anh chọn đầu tư kinh doanh nội thất trẻ em, một ngành rất khó phát triển tại Việt Nam?
Vì nội thất trẻ em rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật… rất chú trọng đến việc trang trí nội thất, không chỉ vì tính thẩm mỹ mà còn cả tính an toàn đối với sức khỏe. Trẻ em rất cần một môi trường sinh hoạt an toàn, thân thiện và khoa học để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần trong những năm đầu đời. Thật đáng lo ngại là nội thất kém chất lượng đang tràn lan, thậm chí còn chứa những chất độc hại đối với sức khỏe trẻ em. Gần đây có nhiều bài báo khuyến cáo rằng trẻ em đang phải sống trong một xã hội thiếu an toàn vì cướp bóc, bạo lực, bắt cóc… Tại sao các bậc cha mẹ không cố gắng tạo một môi trường sống an toàn và thân thiện ngay tại nhà mình cho con cái?
Sở hữu một căn phòng riêng giúp trẻ có không gian tự do để thể hiện bản thân mình như cá tính, sở thích riêng… Vì vậy, cần chú trọng xây dựng cho trẻ một căn phòng với những đồ nội thất phù hợp. Chẳng hạn, không nên sử dụng các gam màu tối vì nó khiến không gian phòng trẻ u ám, nặng nề, mà nên chọn gam màu sáng hay nóng ấm để thể hiện sự vui nhộn, hiếu động. Điều này sẽ tác động tích cực đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ, cũng như tạo cảm giác thích thú, hưng phấn khi trẻ bước vào căn phòng của mình. Khi muốn kết hợp màu sắc, nên chọn những gam màu tương đồng với nhau như xanh lá cây và xanh da trời, hồng và vàng hoặc trắng và be… Nói chung, sản phẩm nội thất trẻ em cần an toàn. Nguyên vật liệu và kết cấu sản phẩm phải an toàn với trẻ, thiết kế thân thiện, thoải mái và gắn bó với môi trường, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
____
Dường như phát triển ngành nội thất trẻ em ở Việt Nam còn mới mẻ và khó khăn?
Có lẽ vậy. Vì mọi người quan niệm trẻ lớn rất nhanh, đầu tư nội thất cho trẻ em là việc tốn kém không cần thiết. Thay đổi suy nghĩ này không hề đơn giản, cần có thời gian và sự nâng cấp về tư duy. Dù sao, tôi vẫn quyết tâm thực hiện với mong ước mang lại cho trẻ em một môi trường sống đầy đủ và an toàn hơn. Tôi đã chuẩn bị tinh thần để đối phó với những khó khăn khi khởi nghiệp ngành kinh doanh nội thất trẻ em nhưng cũng giống như khi thành lập BFF, mạnh dạn làm trước thì mới có thể làm thay đổi suy nghĩ theo lối mòn của nhiều người khác. Những khó khăn trước mắt có thể là bài học khởi nghiệp cho tôi. Nhưng quan điểm của tôi là “Thay vì than trời nóng, mình hãy tạo bóng râm” nên tôi sẽ là người tiên phong, hy vọng là tạo sự thay đổi trong suy nghĩ lối mòn của mọi người.
____
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện.