Các ông chủ doanh nghiệp gia đình khi muốn “lui về hậu trường” thường gặp nhiều lúng túng trong việc chọn lựa những người kế vị trong số đông con cái.
Ðôi khi một quyết định “chọn mặt gửi vàng” sai lầm sẽ làm doanh nghiệp đi đến thất bại nhanh chóng. Giải quyết vấn đề này như thế nào? Dưới đây là một bài viết của Brian Hindo trong tạp chí BusinessWeek, trên một số báo gần đây.
Marshall Paisner là ông chủ của chuỗi tiệm rửa xe SrubaDub được thành lập ở Natick, bang Massachusett, Mỹ, vào năm 1965. Mười năm trước, Paisner đã cảm thấy mệt mỏi và muốn tìm người để bàn giao lại sự nghiệp. Ông có hai người con trai, Bob và Dan. Cả hai rất quan tâm đến việc nối nghiệp cha và đều có khả năng để làm điều đó. Thế nhưng, Paisner đã không chọn ai trong số họ mà ông để cho hai con tự dàn xếp và chọn lựa công việc cho mình. “Các con hãy tự quyết định xem mỗi người nên làm việc gì”, Bob, hiện nay đã 47 tuổi, nhớ lại lời cha.
Sau đó, Bob và Dan, người em nhỏ hơn hai tuổi, đã phải mất ba năm với sự trợ giúp của các nhà tư vấn mới đi đến quyết định cuối cùng. Năm 1996, Dan trở thành chủ tịch, còn Bob đảm nhận chức giám đốc điều hành của ScrubaDub, với 175 nhân viên vào lúc đó. Ông Paisner và người vợ, Elaine, đều rút lui khỏi công ty. Dưới sự lèo lái của hai anh em Bob và Dan, đến nay SrubaDub đã có mặt tại 14 địa điểm và dự định sẽ mở rộng thêm ba địa điểm nữa vào mùa Xuân năm nay.
Thành công mà Bob và Dan có được không phải vì vợ chồng Paisner đã truyền lại cho họ những bí mật của gia đình. Ở đây, chính sự trao đổi, hoạch định và chuẩn bị kỹ càng của họ trước khi tiếp quản công ty đã giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động suôn sẻ.
Theo thống kê, khoảng 30% số doanh nghiệp gia đình thường thất bại khi bàn giao sự nghiệp từ thế hệ thứ nhất đến thế hệ thứ hai, 30% bị “chết yểu” khi được chuyển giao đến thế hệ thứ ba và chỉ có khoảng 30% trụ lại được kể từ thế hệ này. Thiếu sự chuẩn bị và hoạch định trước khi bàn giao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của hầu hết các doanh nghiệp gia đình. “Ða số các chủ sở hữu doanh nghiệp gia đình đều không giải quyết các vấn đề trong bàn giao cho đến khi chúng trở thành một cuộc khủng hoảng”, Alfonse Mattia, một nhân viên làm việc cho Amper Politziner & Mattia, một công ty tư vấn cho doanh nghiệp gia đình đặt ở Edison, bang New Jersey, Mỹ, nhận định.
Vậy thì, các doanh nghiệp gia đình cần thực hiện những điều gì trong quá trình chuyển giao quyền lực? Trước tiên, quá trình này đòi hỏi những người sáng lập doanh nghiệp phải tự nguyện và sẵn sàng thảo luận về mọi thu xếp cho doanh nghiệp trong tương lai khi nó được chuyển giao. Ðiều gì khiến doanh nghiệp thành công trong bước đầu tiên này? Nếu có những quyết định quá cứng nhắc, việc lên kế hoạch chuyển giao sẽ dễ gặp thất bại. Mattia khuyến cáo các chủ doanh nghiệp rằng “mục tiêu là giữ lại doanh nghiệp chứ không phải giữ lại bản thân người chủ doanh nghiệp”.
Chia sẻ với các thành viên trong gia đình tất cả những khó khăn, thuận lợi, điểm mạnh, điểm yếu của công ty là một việc mà các chủ doanh nghiệp gia đình cần phải làm trước khi bàn giao. Trên thực tế, nhiều người không muốn tiết lộ những bí mật, ngay cả đối với những người thân cho đến khi họ qua đời, bởi vì “họ không muốn từ bỏ quyền lực mà mình có được”, Jim Ellis, một chuyên gia về doanh nghiệp gia đình của Trường Kinh doanh Marshall thuộc Ðại học Nam California, giải thích. Ðây là một điều nguy hiểm vì nó sẽ khiến cho nhiều rắc rối nảy sinh khi thế hệ sau tiếp quản doanh nghiệp. “Xung đột luôn luôn xảy ra, nhưng nếu bạn lẩn tránh nó, nó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn”, đó là điều Bob Paisner rút ra từ kinh nghiệm bản thân.
Sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn bên ngoài cũng là điều cần thiết. Ở ScrubaDub, Bob và Dan thường tìm đến một “hội đồng giải quyết các bế tắc trong gia đình” để tìm tiếng nói chung khi có sự khác biệt quá lớn trong quan điểm của các thành viên. Nhiều trường dạy về kinh doanh hiện nay ở Mỹ nay cũng đang tổ chức những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp gia đình, trong đó có tư vấn về việc chuyển giao doanh nghiệp cho thế hệ con cháu.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng các chủ doanh nghiệp cần phải mềm mỏng trong việc truyền nghiệp cho con cháu. Trang bị cho thế hệ sau một “đôi cánh” vững vàng là điều cần thiết nhưng cũng phải truyền cho họ một tình cảm, sự gắn bó với sự nghiệp gia đình để họ không “bay quá xa”. Ngoài việc học hỏi những điều về nền tảng của doanh nghiệp, thế hệ con cháu cần phải được làm quen với đời sống của doanh nghiệp ngay từ khi còn nhỏ để tạo ra sự gắn bó, gần gũi khi họ trưởng thành và chuẩn bị tiếp quản doanh nghiệp.
Mặt khác, thế hệ con cháu cũng nên tích lũy kinh nghiệm làm việc từ bên ngoài doanh nghiệp, nhất là trong thời gian còn đang học đại học, nhằm phát triển sự nhận thức về bản thân và thế giới công việc bên ngoài gia đình. Ngoài việc thu thập được những kinh nghiệm thực tế để phục vụ cho doanh nghiệp gia đình sau này, việc làm nói trên còn tránh được những biểu hiện theo kiểu “ông chủ nhỏ” của các thế hệ hậu duệ khi họ tiếp quản doanh nghiệp.
Một trong những quyết định khó khăn nhất của doanh nghiệp gia đình khi chuyển giao thế hệ là tìm người giữ chức tổng giám đốc điều hành (CEO). “Ðiều quan trọng là phải xác định càng sớm càng tốt ai sẽ là người thay thế bạn”, Ellis nói. Có rất nhiều chuyện cần được thảo luận giữa hai thế hệ và người chủ doanh nghiệp cần có thời gian, thường là vài năm, cũng có thể đến cả chục năm để chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và tầm nhìn chiến lược của mình với người kế vị. Biết tính toán kỹ, người chủ có thể định hướng trước con cháu để lực lượng này trở thành một đội ngũ quản trị giỏi của doanh nghiệp. Ðể cho lớp trẻ được tự do quyết định chọn lựa ai sẽ vào vị trí nào như trường hợp của Paisner ở Srubadub là một cách làm điển hình.