Việc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay cho một số ngân hàng thương mại đã không còn là chuyện mới. Càng là điều không khó lý giải, khi những số liệu mới nhất về dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng vừa được công bố. Theo đó, sáu tháng đầu năm nay dư nợ tín dụng đã tăng 6,28% so với cuối năm 2014, tỷ lệ này cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Khả năng hoàn thành chỉ tiêu 13 – 15% vào thời điểm cuối năm gần như là chắc chắn, nên nhà điều hành đã đưa ra thông điệp là trong trường hợp cần thiết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay của toàn hệ thống có thể được điều chỉnh lên 17%. Vấn đề rủi ro có thể xảy ra do tăng trưởng “nóng” cũng đã được loại bỏ khi theo thống kê của Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước, dù tỷ lệ dư nợ/vốn huy động của toàn hệ thống thời gian qua có cao hơn so với năm ngoái (hiện trong khoảng hơn 90%) nhưng tại nhiều ngân hàng thương mại tỷ lệ này vẫn ở mức 80%, thậm chí có ngân hàng chỉ 50 – 60%. Mức này càng thấp càng chứng tỏ tỷ lệ sử dụng nguồn vốn vẫn trong vùng an toàn và đủ khả năng cung vốn ra thị trường. Cho phép những ngân hàng như vậy tăng chỉ tiêu tín dụng không hề làm tăng rủi ro cho toàn hệ thống. Việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với ban đầu cũng phù hợp với diễn biến nền kinh tế có dấu hiệu ấm dần, các doanh nghiệp đang lên kế hoạch vay vốn phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Đặc biệt với các doanh nghiệp gia công, nửa cuối năm chính là thời điểm cần nhiều nguồn vốn để chuẩn bị đơn hàng cho năm sau. Các ngân hàng được tăng chỉ tiêu cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm động lực để họ giữ chân khách cũ và tăng cho vay khách mới. Trước đó, nhiều ngân hàng đã chạm chỉ tiêu nên không dám mở rộng tìm kiếm khách hàng mới.
Với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều họ quan tâm không phải là những con số thống kê khô khan về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, mà là liệu động thái này có ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ của họ. Nhìn chung, từ đầu năm tới nay, khi các doanh nghiệp và nền kinh tế cho thấy dấu hiệu hồi phục, các ngân hàng thương mại đã tỏ ra khá tích cực đẩy mạnh cho vay. Sự phát triển nhanh của mô hình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại các thành phố lớn đã giúp cho rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp thuộc năm nhóm lĩnh vực ưu tiên được vay vốn, với dư nợ lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng.
Nửa đầu năm nay, nhìn chung mặt bằng lãi suất có giảm nhẹ, lãi suất huy động giảm 0,2 – 0,5%/năm, chủ yếu ở các kỳ hạn trên sáu tháng, hiện phổ biến ở mức 5,4 – 6,5%/năm kỳ hạn từ sáu tháng đến 12 tháng. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng giảm tương ứng khoảng 0,2 – 0,3%/năm, tức khoảng 6 – 9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 9 – 11%/năm đối với các khoản vay dài hạn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khó thể trông chờ lãi suất sẽ giảm thêm vì từ đầu tháng 6, mặt bằng lãi suất có dấu hiệu tăng trở lại. Nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn, đã tăng lãi suất huy động. Lãi suất đầu vào tăng trong khi lãi suất đầu ra giữ nguyên khiến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của ngân hàng (NIM) giảm xuống. Với tỷ lệ NIM khoảng 2,8% như hiện nay, các ngân hàng rất khó để quyết định giảm thêm lãi suất cho vay.
Dù vậy, thời gian tới, việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng của các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn. Điều đó cũng là một sự trợ giúp đáng quý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để họ vay vốn phục vụ những kế hoạch sản xuất cuối năm.
Ngọc Khang (DNSGCT)