Hơn cả sự ngộ nghĩnh và đáng yêu, ý tưởng về phiên bản trẻ con từ trang phục của người lớn đang là xu hướng được các hãng thời trang ưu tiên đầu tư.
Quần áo là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của bất cứ ai, kể cả trẻ em. Thế nhưng không giống như người lớn, những đứa trẻ không tự chọn trang phục và cũng không tự chi trả cho những thứ chúng đang mặc. Hơn nữa, thực tế cho thấy các thương hiệu thời trang trẻ em tập trung chủ yếu vào trang phục hằng ngày, rất ít đầu tư các kiểu váy đầm cho bé gái hay trang phục “quý ông” cho bé trai. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có vẻ như các ông lớn của ngành thời trang đã nhận ra sự “màu mỡ” của thị trường giàu tiềm năng này.
Thật ra, các thương hiệu thời trang lớn đã có dòng trang phục trẻ em từ lâu, có thể kể như Baby Dior, Ralph Lauren hay Burberry… Thế nhưng thị trường trang phục cho trẻ đã trở nên hấp dẫn hơn và mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn khi có sự tham gia của những thương hiệu như Chloé, Givenchy, Kenzo, Gucci và Balenciaga… Người ta dự đoán đến hết năm 2018, ngành hàng xa xỉ cho trẻ em sẽ đạt 6,6 tỉ USD, hơn 3,8% so với năm ngoái.
Có nhiều lý do để trang phục trẻ em đang là “con cá lớn” cần chinh phục của những thương hiệu thời trang. Và trong lĩnh vực này, chân lý “cha mẹ luôn dành điều tốt nhất cho con cái” vẫn luôn đúng. Nếu cha mẹ có thể mua một chiếc túi có giá trung bình khoảng 2.000 USD thì một bộ đồ trẻ em khoảng 1.000 USD không khiến họ phải quá đắn đo. Lý do tiếp theo cho sự đầu tư này là trẻ em thường phát triển nhanh về chiều cao lẫn cân nặng.
Trung bình một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn cần thay đổi trang phục ít nhất một lần trong năm cho phù hợp với vóc dáng. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu về trang phục của chúng cao hơn người lớn rất nhiều. Cuối cùng, nhưng cũng quan trọng không kém trong quyết định mua đồ cho con của cha mẹ ngày nay, đó là xu hướng áo cặp đôi mẹ con hay áo gia đình. Truyền thông ngày nay khai thác thông tin từ những người nổi tiếng, tất nhiên không thể thiếu mảng “con của sao”. Phần đông người nổi tiếng đều được gắn hình ảnh của mình với một thương hiệu nào đó. Và, để xây dựng hình tượng một gia đình phong cách, đáng ngưỡng mộ thì những đứa trẻ sẽ được đầu tư về hình ảnh nhiều hơn.
Mới đây, người ta nhìn thấy Kim Kardashian xuất hiện cùng con gái North West của mình trong thiết kế áo cặp mẹ-con bằng chất liệu vải kim sa của Vêtements, hay mẹ con nhà Beyoncé trong trang phục đôi họa tiết của Dolce & Gabbana. Những hình ảnh mẹ con sánh đôi trong trang phục giống nhau có thể nói lên nhiều điều: sự tiếp nối giữa hai thế hệ, tình cảm gia đình khắng khít hoặc đơn giản là tạo dựng hình ảnh đáng yêu trong mắt người hâm mộ. Hơn ai hết, những người mẹ sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi trào lưu này. Nếu một bà mẹ trẻ đã có được bộ trang phục Gucci, cô cũng có thể mua cho con bộ quần áo cùng nhãn hàng. Công thức này có thể áp dụng với tất cả các thương hiệu thời trang, miễn là họ có dòng y phục cho mẹ và con.
Điều này không chỉ đem lại lợi nhuận về doanh số cho nhãn hàng, tiết kiệm chi phí đầu tư nhân lực mà còn góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu, tạo hiệu ứng nhận diện thương hiệu mạnh mẽ. Chưa hết, việc điều chỉnh các thiết kế trên sàn diễn người lớn thành phiên bản “mini” sẽ dễ dàng hơn so với việc sáng tạo ra một ý tưởng mới.
Có thể nói, thời trang trẻ em đã không chỉ đơn thuần mang tính hữu dụng mà đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh được xem trọng. Những thương hiệu lớn đủ tiềm lực có thể tự phát triển thêm dòng trang phục trẻ em như Dior, Gucci, Balenciaga. Một số thương hiệu khác như Chloé, Balmain, Fendi, Kenzo chỉ cần kiểm soát kỹ hơn việc nhượng quyền cho các công ty sản xuất trang phục trẻ em thì miếng bánh thị phần này vẫn có thể mang lại doanh thu béo bở cho họ.