Huỳnh Thanh Quyền đang ấp ủ những kế hoạch lớn để bồi dưỡng thế hệ các nhà thiết kế nội – ngoại thất trẻ tiếp theo tại Việt Nam thông qua việc lấy cảm hứng từ nền văn hóa độc đáo của Việt Nam.
Huỳnh Thanh Quyền vẫn luôn đam mê với việc truyền cảm hứng và đào tạo những tài năng trẻ trong lĩnh vực thiết kế. Thật dễ hiểu khi Quyền tự hào với văn hóa và ngành thiết kế của Việt Nam và anh đã trở thành giảng viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo Thạc Sĩ chuyên ngành Thiết Kế Nội Thất, xuất phát từ mong muốn đào tạo cho thế hệ các nhà thiết kế Việt Nam tiếp theo. Là giảng viên Khoa Thiết Kế Công Nghiệp tại Đại Học Văn Lang, anh đã hướng dẫn cho các sinh viên ngành Thiết Kế Nội Thất về mọi khía cạnh của ngành thiết kế nội – ngoại thất trong một khóa học kéo dài 6 tuần.
Cảm hứng thiết kế chính của Quyền xuất phát từ chính trải nghiệm bản thân lớn lên trong nền văn hóa độc đáo của Việt Nam. “Tôi muốn các sinh viên của mình có thể lồng ghép sự hiểu biết của các em về con người, văn hóa, xã hội và vật liệu của Việt Nam khi tiếp cận một dự án thiết kế. Mỗi dự án thiết kế là một cơ hội cho thế giới thấy những gì tốt đẹp nhất của Việt Nam”.
Để nêu bật cam kết của mình với sinh viên, Quyền đã tham gia Cuộc Thi Thiết Kế Nội – Ngoại Thất Gỗ Hoa Mai cùng một giảng viên đồng nghiệp là Lê Long Vĩnh, để làm gương và khuyến khích các em tham gia nhiều hơn các cuộc thi thiết kế và tích lũy kinh nghiệm đa dạng.
Lồng ghép những trải nghiệm tuổi thơ lớn lên tại vùng quê thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long, nơi chợ nổi là đầu mối giao thương cho cả cộng đồng và hoạt động mua bán, Quyền và Vĩnh đã nảy ý tưởng sáng tạo sản phẩm Ghế Dài Chợ Nổi để tham gia cuộc thi và giành chiến thắng ở hạng mục ‘Ý Tưởng Xuất Sắc’. Gỗ sồi đỏ Hoa Kỳ là vật liệu được lựa chọn vì “Tôi muốn truyền đạt vẻ đẹp mộc mạc, tự nhiên của chợ nổi và nhờ tính thẩm mỹ, gỗ sồi đỏ Hoa Kỳ chính là vật liệu hoàn hảo để thể hiện tâm hồn trong tác phẩm của tôi”.
Quyền thích thử thách sinh viên xử lý các loại vật liệu khác nhau cho tác phẩm của mình vì anh tin rằng cách đó giúp tạo nên một nhà thiết kế toàn diện. Việc lựa chọn vật liệu và thiết kế tùy thuộc vào chủ đề do anh đặt ra, chẳng hạn như ‘bảo vệ môi trường’ hay ‘thiết kế nội thất truyền thống Việt Nam’. Nhưng Quyền rõ ràng ưu tiên sử dụng chất liệu gỗ vì đây là vật liệu thân thiện với môi trường và có các nét đặc trưng riêng biệt. Quả thực, gỗ cứng Hoa Kỳ là lựa chọn phổ biến. “Gỗ cứng Hoa Kỳ là vật liệu mà tôi thường khuyến nghị cho sinh viên và những nhà thiết kế khác. Không chỉ thân thiện với môi trường và có tính thẩm mỹ đầy hấp dẫn với vân gỗ tuyệt đẹp, vật liệu này còn mang đến những lợi ích thiết thực như độ bền chắc và dễ xử lý”.
Nhiệm vụ của Quyền trong công tác phát triển thế hệ các nhà thiết kế tiếp theo của Việt Nam chỉ vừa mới bắt đầu. Anh đã chia sẻ với chúng tôi những kế hoạch sắp tới của Đại Học Văn Lang nhằm triển khai một khóa đào tạo cử nhân 4 năm trong ngành thiết kế nội – ngoại thất. Mục đích của khóa học là để hướng dẫn các nhà thiết kế trẻ vận dụng những thế mạnh của Việt Nam trong hoạt động thiết kế và sản xuất nội – ngoại thất trở thành tài sản của các em và đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới – qua từng tác phẩm.