Vở kịch mở màn với bối cảnh hậu trường một sân khấu hạng ba, tại một khu dân cư hạng ba nên khán giả cũng hạng ba và dĩ nhiên ở đó cũng chỉ cần những diễn viên hạng ba cho các vở diễn. Thế nhưng, xong cuộc dàn xếp giữa một khán giả Việt kiều – Philippe Huỳnh – với vợ chồng cô diễn viên Mỹ Duyên thì tất cả các diễn viên “di chuyển” sang một “sân khấu” khác. Đó là bệnh viện, nơi cha của Philippe đang nằm ở đó. Cha của anh Việt kiều tuổi cao, đau bệnh nên muốn về Việt Nam sống những ngày cuối đời, các con ở nước ngoài nên khó bề chăm sóc ông chu toàn, anh con trai bèn tìm một người đóng vai người con gái kề cận bên cha già.
Tại bệnh viện này, chính xác hơn là tại căn phòng bệnh của ông già, chỉ một không gian nhỏấy mà khán giả như thấy cả một cuộc đời rộng lớn ngoài kia qua từng lớp diễn. Thoạt tiên, khán giả cứ tưởng chỉ mỗi cô Mỹ Duyên là phải diễn vai con gái – vai chính trong “sân khấu bệnh viện”. Nhưng rồi, người ta ngỡ ngàng biết rằng thì ra ông già cũng đã nhiều năm sắm vai một ông chồng mẫu mực, trong khi đó lòng dạ cũng mong muốn tìm lại đứa con gái với một người đàn bà khác mà lâu nay mình không dám nhận. Con trai ông nói là về Pháp làm việc nhưng thật ra là dành thời gian đi tìm đứa con gái cho cha mình. Còn Mỹ Duyên, tưởng rằng vai con gái ông già mới là vai chính của cô nhưng không, ông già không hề lú lẫn chút nào, ngay từ đầu ông đã biết đó là một màn kịch nên cho phép Mỹ Duyên “thoát vai”, vậy nên trước ông già, cô không cần phải diễn. Vai diễn chính của Mỹ Duyên cực nhọc và khó khăn hơn nhiều, làm em gái của mẹ mình. Cô chỉ khát khao ngày nào đó sân khấu sẽ hạ màn để cô được tha thiết gọi mẹ, để yêu thương mẹ mình như một đứa con thật sự chứ không còn phải giả vờ gọi mẹ là chị hai. Nhân vật Cường, cậu thanh niên hồn nhiên, trong sáng cũng đã diễn màn kịch bán bánh tét để mẹ bạn gái vui. Dễ thương đấy, nhưng cũng chỉ là diễn thôi. Còn những nhân vật trong vở kịch không xuất hiện trên sân khấu mà chỉ qua lời kể như mẹ của Mỹ Duyên bao năm qua đóng vai chị gái của con mình, như mẹ của Philippe biết chồng mình có con riêng nhưng vờ như không biết…
Có ai sống trên cuộc đời mà không một lần diễn với người thân của mình, mà đa phần chỉ là diễn vì tình yêu thương?Mặc dù trong vở kịch, ông già có nói một câu đại khái là thôi đừng diễn nữa, diễn với người thân của mình thì khó lắm, dễ diễn dở lắm. Đúng là như vậy! Ai biết mình rõ hơn và ai kề cận bên mình nhiều hơn người thân? Chúng ta khó lòng làm tròn vai, sẽ bị “bóc mẽ” hoặc sẽ có lúc mình thấy nặng lòng quá nên tự buông vai. Oái oăm thay, biết là ta sẽ trở thành một diễn viên tồi trước mặt người thân của mình, cố lắm cũng chỉ làm được như một diễn viên hạng ba thôi, nhưng trong một số hoàn cảnh ta buộc lòng phải sắm vai. Có sót ruột không khi nghe ông già nói: “Tuổi nào cũng có vai để diễn nhưng vai của người già buồn và khó khăn hơn”. Bởi, càng về già thì người ta càng muốn dọn dẹp sạch sẽ lòng mình cho nhẹ nhàng để chuẩn bị một cuộc ra đi dài nhất đời mình nên họ sẽ buông dần những vai diễn.
Biên kịch Việt Linh đã chuyển thể xuất sắc từ một truyện ngắn của nhà văn Lý Lan. Từ một truyện ngắn giản dị, Việt Linh đã phát triển thành một kịch bản sân khấu với nhiều tình huống kịch chặt chẽ, và lời thoại không cần dùng đại ngôn mà vẫn làm khán giả suy nghĩ. Nghệ sĩ Minh Hoàng đúng là một diễn viên giàu kinh nghiệm, biểu cảm của ông thay đổi liên tục – một ông lão lúc lẩn thẩn, lúc tinh anh, lời thoại cũng theo đó mà lúc lí nhí rã rời, lúc rõ ràng từng câu, từng chữ, thậm chí nhiều câu như… châm ngôn, chẳng hạn: “Mình phải đứng về phía người thân của mình thì mới thấy được chính mình”… Các diễn viên trẻ Mai Mai, Hoàng Quân, Vũ Mạnh Cường, Thành Nhân… đều làm tròn vai diễn của mình.
Trong thời gian trò chuyện với ê-kíp, nhiều khán giả không hài lòng về cái kết vì không giải quyết được chuyện: Liệu Mỹ Duyên có phải là con gái của ông già? Con gái ông già đâu? Liệu anh chồng Mỹ Duyên có được cảm hóa không?…Trong khi đó, nếu kịch kết lại như nhiều khán giả muốn thì không làm khác đi điều mà vở kịch muốn nói mà lại khiến vở kịch chật hẹp hơn. Ngược lại, cái kết như vở kịch hay và rộng mở hơn. Không có con gái ông già ở đây, vậy thì biết đâu đấy ngoài cuộc đời vẫn còn ít nhất một người đang diễn vai người mẹ, người con, người cha… Đạo diễn Minh Trương, trong vai trò mới là một đạo diễn sân khấu, đã thể hiện tốt mình trong vở kịch này, xử lý tốt không gian của sân khấu nhỏ với những đạo cụ tối giản và phần nhạc kết mỗi cảnh sang chuyển cảnh uyển chuyển làm khán giả dễ chịu, dựng chi tiết các diễn viên sơn phết chiếc mặt nạ cũng rất thú vị với nhiều ẩn ý. Tiêu chí của sân khấu Hồng Hạc là không đẩy khán giả đến tận cùng của sự hài hước hay đau buồn mà chỉ muốn đem lại cho khán giả một cảm xúc lâng lâng và sự suy ngẫm. Và, Diễn viên hạng ba đã làm được điều đó, chừng mực và khán giả sẽ thấy mình trong đó để rồi suy ngẫm.
- Lâm Hạnh