“Giải pháp huy động sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới” là nội dung chính trong Diễn đàn Kinh tế miền Trung diễn ra giữa tuần qua tại Đà Nẵng với số người tham dự lên đến 350 trong đó phần lớn là doanh nhân. Các diễn giả tham gia đều nhấn mạnh vào sự cần thiết liên kết để tạo lập không gian kinh tế vùng. Khi nào miền Trung với vị trí và chiều dài tạo thành “xương sống quốc gia” chưa cất cánh thì cả nước với hai động lực phát triển hai đầu là Bắc bộ và Nam bộ vẫn chưa thể thật sự bay lên được. Việc hợp lực khai thác hiệu quả hơn “mặt tiền” của toàn vùng vốn có những cảng biển tốt, bãi biển đẹp, nhiều di sản thế giới chính là hướng đi hợp lý để phát triển miền Trung trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua, trong phát triển kinh tế, miền Trung không đi theo lợi thế riêng đó, mà lạc vào hướng không có lợi thế, cụ thể là vẫn lấy sản xuất lương thực làm chính, mà sản xuất lương thực thường bị lỗ vốn. Mặt khác, gần 40 khu công nghiệp đã mọc lên nhưng được tổ chức theo kiểu “bách hóa tổng hợp” với đẳng cấp công nghệ nhìn chung thấp đã không đủ lực tạo nên sức bật đủ mạnh cho vùng. Lựa chọn hướng phát triển dựa trên lợi thế so sánh về cảng biển lớn là đúng và phát triển đô thị ven biển ở đẳng cấp cao cũng là một xu thế phát triển dựa trên lợi thế chiến lược tuyệt đối của các tỉnh duyên hải miền Trung, nhưng định hướng này chỉ thành công nếu lãnh đạo các tỉnh vượt qua được áp lực trước mắt và lợi ích cục bộ ngắn hạn, đồng thời phải có những chế tài cấp vùng đủ mạnh để bảo đảm sự tuân thủ lợi ích chiến lược của toàn vùng. Bên cạnh đó, có học giả đề xuất ý tưởng các tỉnh duyên hải miền Trung nên kết nối trực tiếp với các tỉnh Tây Nguyên để tạo thành sự liên kết độc đáo “biển xanh – đại ngàn”…
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tham dự diễn đàn đã ghi nhận nội dung tham luận của các diễn giả, cho rằng những đề xuất, kiến nghị tại diễn đàn không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của vùng duyên hải miền Trung, mà còn góp phần quan trọng để hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh liên kết và phát triển kinh tế – xã hội các vùng trong phạm vi cả nước. Năm nay cũng là thời điểm cần tổng kết năm năm thực hiện quy hoạch kinh tế vùng, từ đó tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế nhằm phát huy lợi thế so sánh phát triển của các địa phương. Trên bình diện chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng, sắp tới Nhà nước sẽ tạo ra cơ chế mới để huy động hệ thống doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị của vùng này hiệu quả nhất. Ông Huệ hy vọng dựa trên những ý tưởng đề xuất tại diễn đàn, các địa phương chủ động hơn nữa trong khâu hợp tác, liên kết và nhanh chóng triển khai các dự án có tính khả thi cao.
Nguyễn Thắng