Tối 25-3 Singapore ghi nhận 73 ca nhiễm COVID-19 mới, số liệu kỷ lục trong một ngày kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát. Thái Lan ngày 25-3 cũng triển khai hàng loạt các biện pháp theo sắc lệnh khẩn cấp.
Reuters tối 25-3 thống kê tổng số người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 435.300 người, với 19.587 ca tử vong.
COVID-19 đã lan sang 197 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc.
Thái Lan sắp đóng biên giới, kêu gọi người cao tuổi ở nhà
Thái Lan ngày 25-3 triển khai hàng loạt các biện pháp theo sắc lệnh khẩn cấp, khuyến cáo người già và người có sức khỏe không tốt nên ở nhà trừ phi có việc thực sự cần thiết.
Cũng theo lệnh này, Thái Lan từ 0h ngày mai 26-3 cấm nhập cảnh bằng đường bộ, đường biển và hàng không, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Các cơ sở như vũ trường, sân chơi thể thao… tại thủ đô Bangkok sẽ đóng cửa vô thời hạn.
Mọi vi phạm sẽ bị phạt tù lên tới 2 năm theo Sắc lệnh Hoàng gia về Tình huống khẩn cấp năm 2005, báo Khaosod cho biết.
Singapore có số ca nhiễm kỷ lục trong một ngày
Hãng tin Reuters tối 25-3 cho biết Singapore ghi nhận 73 ca nhiễm COVID-19 mới, số liệu kỷ lục trong một ngày kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát. Tính tổng cộng Singapore đến nay đang có 631 ca nhiễm.
Iran ghi nhận hơn 27.000 ca nhiễm tổng cộng
Bộ Y tế Iran công bố số ca nhiễm tại đây đã tăng từ 24.811 lên 27.017 ca, đồng thời ghi nhận thêm 143 bệnh nhân tử vong, nâng số ca tử vong vì COVID-19 lên 2.077.
• Thống đốc bang New York thông báo bang này đã có thêm 5.000 ca nhiễm trong ngày 24-3 (giờ Mỹ). Ông cũng cho biết bang của mình có số ca nhiễm cao gấp đôi bang đứng thứ 2 là New Jersey với tổng cộng 30.811 ca và 285 trường hợp tử vong.
• Phó Giám đốc Y tế Canada ngày 25-3 cho biết nước này đang có tổng cộng 3.197 ca nhiễm COVID-19, với 27 trường hợp tử vong, theo Reuters.
Thủ tướng Đức Merkel âm tính lần hai, điện đàm với ông Tập
Người phát ngôn chính phủ Đức ngày 25-3 cho biết Thủ tướng Angela Merkel đã âm tính lần thứ hai với virus corona chủng mới.
Thủ tướng Merkel đã âm tính lần đầu tiên và đã tự cách ly, làm việc từ xa. Lần thử nghiệm tiếp theo của bà Merkel với COVID-19 sẽ bắt đầu vào tuần tới.
Cũng trong phát biểu cùng ngày, phát ngôn viên chính phủ Đức cho biết Thủ tướng Merkel đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo nhất trí duy trì liên lạc và phối hợp trong công tác đối phó dịch COVID-19.
Nga hoãn trưng cầu dân ý về hiến pháp
Tổng thống Putin nói cuộc bỏ phiếu trưng cầu thay đổi hiến pháp Nga ngày 22-4 sẽ bị hoãn vì COVID-19 + Ông thừa nhận vì nước Nga to quá, sẽ không thể nào ngăn virus hoàn toàn được.
Theo thông tin từ website Matxcơva, sắp tới thủ đô của Nga sẽ áp dụng hàng loạt biện pháp cứng rắn hơn để ngăn dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19), bao gồm một lệnh cấm tạm thời đối với việc tổ chức sự kiện cũng như ngừng phục vụ phương tiện công cộng miễn phí đối với những người trên 65 tuổi.
Thị trưởng Maxcơva Sergei Sobyanin ngày 25-3 cho biết các cửa hàng thực phẩm, ngân hàng và dịch vụ nhà cửa sẽ nằm trong số doanh nghiệp vẫn được phép mở cửa kinh doanh.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh quân đội Nga tiến hành các đợt diễn tập nhằm chuẩn bị cho COVID-19 khi cần thiết, Reuters dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga tối 25-3 cho hay. Theo đó, các cuộc diễn tập sẽ diễn ra từ ngày 25 tới 28-3.
Tính tới nay, số người nhiễm COVID-19 ở Nga đã lên 658.
Đức: 1.000 bệnh nhân chăm sóc đặc biệt
Tỉ lệ lây nhiễm tại Đức có thể bắt đầu chậm lại từ đầu cho tới giữa tuần sau, người đứng đầu liên đoàn bệnh viện Đức (DKG) Gerald Gass cho biết.
“Trong trung hạn, chúng tôi kỳ vọng tỉ lệ lây nhiễm sẽ giảm xuống nhờ hạn chế giao tiếp cộng đồng (social distancing). Tuy nhiên, điều này sẽ không phản ánh rõ rệt trong số ca nhiễm được công bố cho đến đầu hoặc giữa tuần sau”, ông Gass nói.
Cũng theo ông, khoảng 1.000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị chăm sóc đặc biệt tính đến nay.
Tờ báo 160 tuổi của Vatican đình bản vì dịch
Tờ L’Osservatore Romano của Vatican đã đình bản lần thứ 3 trong gần 160 năm hoạt động của mình vì dịch bệnh.
Tờ được thành lập từ năm 1861 này vẫn duy trì ấn bản trực tuyến và cho phép đa số nhân viên làm việc từ xa, biên tập viên Andrea Monda của L’Osservatore Romano cho biết.
Số báo ngày 25-3 tạm thời sẽ là ấn bản báo in cuối cùng trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, L’Osservatore Romano vẫn tiếp tục 10 bản để phục vụ Giáo hoàng Francis, Giáo hoàng Benedict, một số quan chức Vatican cũng như phục vụ việc lưu trữ.
Hà Lan tuyên bố tốc độ lây lan dịch bệnh giảm
Người đứng đầu Viện Y tế quốc gia Hà Lan (RIVM) ngày 25-4 tuyên bố, theo ước tính, tốc độ lây nhiễm virus corona chủng mới tại đây đã giảm đáng kể.
Trong buổi điều trần trước một ủy ban quốc hội, ông Jaap van Dissel cho biết RIVM dự đoán hiện nay 1 người nhiễm chỉ lây cho 1 người khác.
Điều này có nghĩa là “khả năng tăng trưởng theo cấp số nhân của dịch bệnh về tất cả các khả năng đã được kiểm soát”, ông nhấn mạnh.
Số ca nhiễm tại Hà Lan đã tăng 17% trong ngày 24-3 so với 1 ngày trước đó, đạt 5.560 ca, theo số liệu từ RIVM. Còn hôm nay 25-3, số ca nhiễm ở nước này tăng 852 ca, nâng tổng số người nhiễm lên 6.412 người. Hiện ở Hà Lan có 80 trường hợp tử vong vì virus corona.
Malaysia cảnh báo thiếu hụt thiết bị y tế lâu dài
Hiệp hội Các nhà sản xuất găng tay cao su của Malaysia, nhà sản xuất găng tay y tế lớn nhất thế giới, hôm 25-3 cảnh báo về tình trạng thiếu găng tay lâu dài sau khi nhu cầu từ các bệnh viện tăng cao do nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Các nhà sản xuất cho biết công suất sẽ sụt giảm vì lệnh phong tỏa Malaysia, dẫn tới việc họ chỉ có thể hoạt động với một nửa số nhân viên.
New Zealand ban bố tình trạng khẩn cấp
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 25-3 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong bối cảnh đang chuẩn bị áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc.
“Từ nửa đêm nay, chúng ta sẽ có 4 tuần cố gắng ngăn chặn virus và phá vỡ chuỗi lây nhiễm của nó”, bà Ardern nhấn mạnh trước quốc hội. Nhà lãnh đạo 40 tuổi cũng cảnh báo số ca nhiễm tại New Zealand có thể sẽ tăng vọt trong 1 hoặc 2 tuần sau lệnh tình trạng khẩn cấp nhưng sẽ sớm ổn định trở lại sau đó.
New Zealand ngày 25-3 thông báo thêm 47 ca COVID-19. Nước này đã ghi nhận số ca nhiễm tăng liên tục trong ít nhất 10 ngày qua, theo Reuters.
Hàn Quốc, Mexico thêm gần 150 ca COVID-19
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 25-3 cho biết nước này có thêm 6 ca tử vong và 100 ca nhiễm mới, trong đó 36 ca là người vừa nhập cảnh Hàn Quốc. Con số này tăng nhẹ so với 76 ca của ngày 22-3.
Tổng ca nhiễm của Hàn Quốc hiện tại là 9.137, bao gồm 126 ca tử vong và 3.730 người đã được chữa khỏi, theo Yonhap.
Bộ Y tế Mexico thông báo nước này đã có tổng cộng 405 ca COVID-19 trong ngày 24-3 so với tổng số 367 ca của ngày trước đó. Tổng số ca tử vong hiện là 5 người.
Tổng thống Mỹ có phát biểu ngược các khuyến cáo y tế?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24-3 cho biết đang cân nhắc khả năng điều chỉnh biện pháp cách ly và dãn cách xã hội để người lao động Mỹ có thể trở lại làm việc và giúp nền kinh tế đang gặp khó khăn quay trở lại đúng hướng.
Trả lời phỏng vấn của đài Fox news, ông Trump cho biết đã tìm cách nới lỏng các khuyến cáo người lao động nên ở nhà và đóng cửa trường học khi cảnh báo rằng những biện pháp trên sẽ dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ và phá hủy đất nước.
Ông Trump khẳng định mong muốn các doanh nghiệp Mỹ sẽ mở cửa trở lại vào Lễ Phục sinh 12-4. Tuyên bố của ông Trump đi ngược khuyến cáo của các quan chức y tế cộng đồng, bao gồm siết chặt hơn nữa các hạn chế về tiếp xúc nơi công cộng mà Mỹ đã thực hiện trong tuần qua để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo cập nhật của trang worldmeters.info, số ca nhiễm của Mỹ đã tăng thêm 9.279 ca và số ca tử vong cũng tăng thêm 132 ca, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 53.013 ca và ca tử vong lên 685 ca. Hiện số ca nhiễm virus corona chủng mới của Mỹ chỉ đứng sau Trung Quốc và Ý.
Đặc biệt, Mỹ ngày 24-3 đã ghi nhận ca tử vong trẻ dưới 18 tuổi đầu tiên, nạn nhân sống tại Lancaster, phía bắc Los Angeles, theo AFP. Chính quyền địa phương đã không cung cấp thông tin chi tiết về giới tính, tuổi hay liệu đứa trẻ này có mắc bệnh nền hay không.
Hải quân Mỹ ngày 24-3 cho biết 3 thủy thủ trên tàu sân bay Theodore Roosevelt, đang ở Thái Bình Dương, đã cho kết quả dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Đây là các ca đầu tiên trên một con tàu quân sự đang làm nhiệm vụ trên biển của Mỹ.
Hãng tin Reuters cho biết tàu Theodore Roosevelt hiện có khoảng 5.000 người trên tàu.
Singapore đóng cửa quán bar, rạp chiếu phim, tụ điểm giải trí đến cuối tháng 4
Singapore cho biết nước này sẽ đóng cửa tất cả quán bar, rạp chiếu phim và các tụ điểm giải trí khác từ 26-3 đến 30-4 trong bối cảnh đảo quốc này bước sang giai đoạn mới trong cuộc chiến chống COVID-19 với các ca bệnh nhập khẩu từ nước ngoài.
Ngoài ra, tất cả cư dân Singapore trở về từ Anh và Mỹ từ 25-3 sẽ phải ở tại các khách sạn được chỉ định làm nơi cách ly trong vòng 14 ngày. Những người trốn lệnh cách ly sẽ bị phạt dưới 10.000 USD hoặc phạt tù dưới 6 tháng hoặc chịu cả 2 hình phạt này.
Straits Times cho biết Singapore đưa ra các biện pháp này sau khi ghi nhận thêm 49 ca COVID-19 trong ngày 24-3, bao gồm 32 ca nhập khẩu từ nước ngoài, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 ở nước này lên 558 ca.
Nhiều bang Đức có kế hoạch nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của Ý
Truyền thông Đức ngày 24-3 đưa tin chính quyền bang Nordrhein-Westfalen và bang Bayern đang lên kế hoạch tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng từ Ý.
Theo đó, bang Nordrhein-Westfalen dự kiến sẽ tiếp nhận điều trị cho 10 bệnh nhân nhiễm virus corona từ miền bắc Ý với mong muốn truyền tải thông điệp đến người dân Ý rằng “các bạn không đơn độc”. Bang Bayern cũng sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân Ý đến điều trị tại các bệnh viện trong bang này, cam kết sẽ hỗ trợ hết mình về vật tư y tế.
Theo cập nhật của trang worldmeters.info, hiện Đức đã có 32.986 ca nhiễm virus corona và 157 ca tử vong.
Ý ghi nhận 743 ca tử vong trong 24 giờ
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý ngày 24-3 cho biết nước này đã ghi nhận đến 743 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, số người chết cao thứ hai từng được ghi nhận kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Ý, và tăng mạnh so với 602 ca tử của ngày 23-3.
Như vậy, Ý hiện đã chứng kiến 6.820 người chết vì dịch bệnh này trong khi số người nhiễm virus toàn quốc là 69.176 người. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết nước này chỉ làm xét nghiệm với những người đã có triệu chứng nên ước tính số người mắc COVID-19 thật sự có thể gấp 10 lần con số hiện tại, theo Reuters.
Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 343 ca nhiễm mới
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24-3 cho biết nước này ghi nhận thêm 7 ca tử vong và 343 ca nhiễm mới, nâng tổng số người chết vì COVID-19 lên 44 ca và 1.872 ca nhiễm trên toàn quốc.
Bộ cho biết đã tiến hành 3.952 xét nghiệm trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca xét nghiệm toàn quốc lên khoảng 28.000 ca.