Từ hơn 10.000 năm về trước, một phần của nhân loại đã xỏ khuyên và đeo đĩa môi. Họ tích cực kéo giãn vành môi, nhét đĩa đất sét cho cái lỗ ngày càng rộng. Từ châu Phi đến Nam Mỹ, đều xuất hiện một vài bộ lạc xem kích thước khuyên môi là thước đo của cái đẹp. Ngay cả trong thế giới ngày nay, một số tộc người hay cá nhân vẫn tiếp tục truyền thống và hứng thú xỏ khuyên, đeo đĩa môi.
Dấu hiệu nhận dạng
Hiện nay, có 3 dân tộc tại châu Phi đang tiếp tục truyền thống xỏ khuyên và đeo đĩa môi. Đó là bộ lạc Mursi, Tirma ở Ethiopia (quốc gia Đông Phi) và Sara ở Chad (quốc gia Trung Phi). Người Mursi và Tirma đeo đĩa môi ở môi dưới, còn người Sara đeo đĩa môi ở môi trên.
Trong 3 tộc người này, nổi tiếng nhất có lẽ là người Mursi. Thiếu nữ Mursi khi đến tuổi 15-16 là phải cắt khuyên môi. Mẹ ruột hoặc các cô dì trong nhà giúp họ rạch một đường dài 1-2cm bên dưới môi dưới, nhét một mẩu gỗ hình trụ tròn vào. Mẩu gỗ này giúp hình thành khuyên môi. Sau chừng vài tuần (cũng có khi là vài tháng), vết thương sẽ lành. Thiếu nữ Mursi bỏ mẩu gỗ đi, thay vào đó bằng chiếc đĩa môi.
Đĩa môi là một chiếc đĩa tròn, được nặn bằng đất sét, nung thành đĩa gốm. Theo bằng chứng khảo cổ, nó có mặt tại Ethiopia từ những năm 8.700 TCN. Người ta dùng nó để giữ và thay đổi kích thước lỗ môi. Chiếc đĩa môi được đổi liên tục, theo đường kính lớn dần đều. Chí ít, các thiếu nữ của bộ tộc đeo đĩa môi cũng cố làm khuyên môi rộng tối thiểu 12cm. Hiện nay, kỷ lục lỗ môi lớn nhất thế giới thuộc về cô Ataye Eligidagne (người Ethiopia), với đường kính 19,5cm.
Ngoài ra, đĩa môi còn đóng vai trò là đồ trang sức. Nó thường được trang trí khá cầu kỳ, vẽ hoa văn tỉ mỉ, đẹp. Các phụ nữ châu Phi tự làm đĩa môi cho mình. Mỗi chiếc đĩa đều là một tác phẩm thủ công duy nhất.
Điều kiện thách cưới
Tại châu Phi, giới tính phải xỏ khuyên môi là phụ nữ. Họ thuộc các tộc người theo lối sống phụ hệ, có tục lệ kết hôn sắp đặt. Nhà gái thách cưới bằng gia súc. Đàn ông muốn lấy vợ phải đưa đủ sính lễ mới được rước dâu. Đường kính của lỗ môi tương ứng với điều kiện thách cưới. Nữ giới có khuyên môi càng lớn thì càng “đắt giá”. Ví dụ như trong bộ lạc Mursi hay Tirma, phụ nữ đeo đĩa môi nhỏ chỉ “thu” được 40 con gia súc, còn phụ nữ đeo đĩa môi lớn là 60 con.
Ngày nay, tiêu chuẩn thẩm mỹ đang dần đồng nhất. Phụ nữ của các “bộ lạc đĩa môi” không nhất thiết phải làm khuyên môi. Tuy nhiên, chiếc đĩa môi lại là tài nguyên du lịch văn hóa giàu có. “Du khách trong và ngoài nước thi nhau đổ xô vào phía Nam của Ethiopia”, một tờ báo chỉ ra. “Nhóm sắc tộc được chú ý nhiều nhất là Mursi và nổi tiếng hơn cả là những phụ nữ đeo chiếc đĩa môi đất sét ngoại cỡ”.
Có 3 kiểu xỏ khuyên môi ở châu Phi: môi trên, dưới hoặc cả hai
Mặc dù người Mursi theo lối sống bán du mục, họ cũng sớm hiểu ngay giá trị tài chính tiềm năng của một bản sắc văn hóa độc đáo. Mỗi lần đồng ý chụp ảnh với du khách, phụ nữ Mursi được trả 2 birr (khoảng 1.500 VNĐ). Tuy ít ỏi và hơi phiền phức, họ vẫn kiếm được thêm chút thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Lỗ môi không chỉ là đặc điểm nhận dạng, mà còn góp một phần sinh kế. Đối với quốc gia, nó đóng vai trò thu hút du khách, thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Vì thế, truyền thống xỏ khuyên và đeo đĩa môi tiếp tục được duy trì.
Bên ngoài châu Phi
Cho đến hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết nguồn gốc của tục lệ đeo đĩa môi. Có giả thuyết cho rằng thời cổ đại đầy rẫy nạn buôn bán nô lệ là nguyên nhân khiến phụ nữ châu Phi “phá” môi của mình. Lỗ môi khiến khuôn mặt họ xấu đi, nhờ đó thoát khỏi mắt kẻ buôn người. Cũng có giả thuyết nói kích thước lỗ môi đại diện cho địa vị xã hội. Làm khuyên môi không phải chuyện dễ. Nó vừa đau đớn lại vừa cần sự kiên trì. Đường kính lỗ môi đại diện cho sức chịu đựng và sự kiên gan bền chí. Phụ nữ có lỗ môi càng lớn thì càng được mọi người xem trọng.
Có điều, Lục địa Đen không phải nơi duy nhất hình hài tục đĩa môi. Ở Nam Mỹ, trong khu vực rừng Amazon cũng xuất hiện một vài bộ lạc xỏ khuyên môi. Khác với châu Phi, ở đây đàn ông mới là những người chủ chốt đeo đĩa môi. Chiếc đĩa môi của đàn ông Nam Mỹ làm bằng gỗ, thường được sơn màu đỏ. Thường thì, chỉ những nam giới có tài ca hát, hùng biện mới xỏ lỗ môi. Nhân vật đĩa môi Nam Mỹ nổi tiếng nhất là tù trưởng Raoni (1930). Ông là nhà lãnh đạo của tộc Kayapo, Brazil và nhà môi trường bản địa lừng danh khắp thế giới.
Xét về phương diện lịch sử, đĩa môi Nam Mỹ xuất hiện muộn hơn đĩa môi châu Phi, vào khoảng năm 1.500 TCN. Ngoại trừ tộc Kayapo, còn có người Suya và Botocudo đeo đĩa môi. Ở bộ lạc Suya, trẻ em trai được xỏ khuyên môi ngay sau khi chào đời. Người Botocudo thì xỏ khuyên môi khi các cậu bé được 8 tuổi. Bộ lạc này cũng cho phép cả nữ giới xỏ khuyên môi, nhưng phải đợi đến tuổi trưởng thành.
Trong thế giới tự do cá tính như hiện nay, giới trẻ toàn cầu xỏ khuyên môi tùy ý. Nhiều người trong số các thành viên của phong trào Nguyên thủy Hiện đại (Modern Primitive), thích đeo trang sức môi. Xỏ khuyên môi cũng như xỏ lỗ tai. Một số người còn nhịn đau, xỏ luôn vài lỗ.