Khi ngắm nhìn tranh chân dung những nhân vật lịch sử tại nhiều bảo tàng, được các họa sĩ tạo tác vào thời chưa có kỹ thuật nhiếp ảnh, bạn có bao giờ hình dung gương mặt thật của họ sẽ như thế nào? Bởi các bức tranh chân dung, kể cả chân dung tự họa của những danh họa như Rembrandt hay Van Gogh, cũng được thể hiện dưới góc nhìn mang tính chủ quan của tác giả. Và nếu tước bỏ hết các yếu tố có phần chủ quan ấy khỏi tác phẩm, liệu ta có khả năng tìm được các chân dung đích thực của nhân vật trong tranh?
Bas Uterwijk, nhà nhiếp ảnh Hà Lan sống ở Amsterdam – người có vốn liếng đáng kể về thiết kế đồ họa vi tính, kỹ thuật hoạt hình 3D và các hiệu quả đặc biệt của công nghệ tin học, kể cả các ứng dụng của Trí khôn nhân tạo (AI), đã từng bước đem đến giải đáp cho câu hỏi trên. Thật thú vị và bất ngờ khi những nỗ lực của Bas Uterwijk đã giúp cho người đương thời thấy được chân dung ngoài đời thật của các nhân vật lịch sử như Tổng thống Mỹ George Washington, Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhất, Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte và nhà triết học chính trị người Ý Niccolò Machiavelli; các họa sĩ vĩ đại thời Phục hưng như Rembrandt van Rijn và Sandro Botticelli. Ngay cả nguyên mẫu của bức tượng Nữ thần Tự do ở New York cũng được Bas Uterwijk tái tạo bằng cách dùng các thuật toán tìm hình ảnh thật cộng với chút hoàn thiện nhờ công cụ Photoshop.
Khởi sự công việc khá phức tạp này từ năm 2019, ban đầu Bas Uterwijk thử nghiệm với bức ảnh chân dung Billy the Kid – nhân vật huyền thoại miền Viễn Tây Hoa Kỳ – được chụp khoảng năm 1880, bức ảnh đã hoen ố và không rõ mặt tay súng nổi tiếng sống ngoài vòng pháp luật nửa cuối thế kỷ 19. Kết quả, ông có được một chân dung rõ nét, chi tiết của Billy the Kid; từ đó nhà nhiếp ảnh quyết định tiến hành tái tạo chân dung thực của nhiều nhân vật đã sống vào thời chưa có kỹ thuật nhiếp ảnh.
Người đầu tiên Bas Uterwijk chọn là Napoleon với bức chân dung vị hoàng đế uy nghi trong trang phục do họa sĩ Jacques-Louis David (1748-1825) vẽ năm 1812. Bức tranh khổ lớn này có tên Hoàng đế Napoleon trong thư phòng tại điện Tuileries, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Mỹ ở Washington D.C. Sau nhiều bước thực hiện để có được chân dung hoàn hảo của Napoleon Bonaparte, Bas Uterwijk mới công bố thành quả của mình trên Instagram.
Công cụ được Bas Uterwijk sử dụng để truy tìm chân dung thật của Napoleon là phần mềm có tên Artbreeder, là sự kết hợp AI với Neural Network có khả năng nhận diện hình ảnh và âm thanh ở cấp độ có thể so sánh với con người, đồng thời là nhà nhiếp ảnh nên ông còn dựa vào sự hiểu biết về nhận diện khuôn mặt cũng như tác động của ánh sáng lên khuôn mặt trong ảnh chụp chân dung.
Bas Uterwijk cho biết: “Tôi cố gắng làm mọi thứ theo trình tự có thể và để AI thực hiện hầu hết công việc. Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng cần một chút tiểu xảo Photoshop vì các thuật toán GANs (Generate Adversarial Network) chưa có tác dụng đối với trang phục hay kiểu tóc thời xưa. Dù tôi biết các thành quả công việc của mình tạo ấn tượng nghệ thuật hơn là sự chính xác về mặt khoa học, thế nhưng trong một số trường hợp, các kết quả có được cho tôi cảm giác gần gũi với thực tại hơn hầu hết các phương pháp đã được dùng trước đó nhằm tái tạo chân dung thật của con người”.
Với chân dung thật của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất (1533-1603), Bas Uterwijk dựa vào tác phẩm của họa sĩ người Anh George Gower (1540-1596), người được phong họa sĩ cung đình vào năm 1581. Bức chân dung bậc mẫu nghi Anh Quốc được George Gower vẽ vào khoảng năm 1588; hiện thuộc một sưu tập tư nhân. Tranh được đưa lên sàn đấu giá Christie’s ngày 22.11.2006 và được bán với giá 512.000 bảng Anh.
Để tìm chân dung thật của Tổng thống George Washington (1732-1799), Bas Uterwijk lại tìm đến một tranh khắc kẽm in trên giấy của họa sĩ người Anh William Henry Nutter (1819-1872). Bức tranh khắc này lại được thực hiện từ một tranh sơn dầu của họa sĩ người Mỹ Gilbert Charles Stuart (1755-1828), hiện được trưng bày tại Bảo tàng – Trung tâm Nghiên cứu mỹ thuật Clark Art ở Williamstown, bang Massachusetts.
Là họa sĩ chuyên vẽ chân dung, trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, Gilbert Stuart đã vẽ hơn 1.000 nhân vật các lĩnh vực, trong đó có 6 vị tổng thống Mỹ. Bức chân dung George Washington của ông rất quen thuộc vì được in trên đồng tiền giấy mệnh giá 1 USD và trên rất nhiều tem thư.
Với nhân vật trong lĩnh vực nghệ thuật, Bas Uterwijk đã tái tạo chân dung Rembrant từ bức chân dung tự họa năm 1660 của bậc thầy Hà Lan thế kỷ 17; còn khuôn mặt thật của Van Gogh được thực hiện từ chân dung tự họa của ông năm 1889. Nhà nhiếp ảnh đã truy tìm chân dung ngoài đời của nàng Mona Lisa trong tác phẩm cùng tên của Leonardo da Vinci, chân dung thật của nhân vật nữ trong bức Cô gái với chiếc khuyên tai ngọc trai, tuyệt tác của danh họa Hà Lan Johannes Vermeer (1632-1675).
Bas Uterwijk cho biết sắp tới ông sẽ tái tạo chân dung Anne Frank, cô gái Đức gốc Do Thái sống ở Hà Lan trong Thế chiến II, người được cả thế giới biết đến với tập nhật ký ghi chép những ngày ẩn náu tại Amsterdam trước khi bị bọn phát xít Đức đưa đi trại tập trung Bergen-Belsen vào tháng 3.1945, không lâu trước khi chế độ Hitler cáo chung. Ông nói: “Đã có vài ảnh chụp Anne Frank được nhiều người biết đến, vì vậy tôi sẽ tái tạo gương mặt của cô nhiều tuổi hơn, độ tuổi mà cô không bao giờ đạt tới”.
- Xem thêm: Những chân dung tự họa cuối đời