Đối với những ai đã từng phượt cung đường khó nhằn như Tà Năng – Phan Dũng thì những thử thách về độ dài, độ dốc… của Bù Gia Mập nhỏ như mắt muỗi! Du khách không cần phải rèn thể lực quá nhiều mới có thể trekking cung đường này. Nhưng ở đây, Con Vắt chính là vấn đề. Chỉ sau vài trận mưa là đủ độ ẩm trong lớp lá mục để những con vật nhỏ xíu như que tăm ngoe nguẩy, chờ có sự chuyển động và hơi người là ngóc đầu lên, búng như con sâu đo.
Hành trình của chúng tôi lại bắt đầu ngay sau vài trận mưa trái mùa. Lúc ở văn phòng của ban quản lý vườn quốc gia Bù Gia Mập, người dẫn đường đã phát cho mỗi người hai lọ DEP (một loại thuốc bôi để chống vắt), dặn dò rất kỹ: vớ dài, trùm lên ống quần, áo bỏ trong quần, bởi con vắt hay bò ngược lên… Kỹ vậy mà vẫn bị không thoát! Ở trạm dừng chân bên suối Đắc Ka, khi cởi giày, một thành viên trong đoàn đã xanh mặt khi thấy một bầy sáu con vắt châu đầu vô chung một lỗ thủng của vớ và bày tiệc trong đó, mà cái giống vắt cắn thì rất khó cầm máu…
Ám ảnh bởi vắt rừng Bù Gia Mập, nhưng nếu hỏi rằng có muốn quay trở lại cung đường này không thì câu trả lời là CÓ, bởi quá đẹp, quá nhiều cảm xúc… Tùy vào nhu cầu và thời gian của du khách nhiều hay ít ngày mà người dẫn đường – thuộc ban quản lý vườn – sẽ thiết kế một cung đường phù hợp. Nhưng dù đi dài hay ngắn ngày thì chắc chắn du khách đều có đủ các trải nghiệm lội suối băng rừng. Những con đường xuyên rừng rất nhiều cây cổ thụ, mướt xanh và có những đoạn không thấy mặt trời. Hệ sinh thái phong phú đa dạng, bạn có thể mỏi cổ với các cây cổ thụ cao chót vót, cũng có thể bàng hoàng với những tai nấm nhỏ xíu đùn lên từ gốc cây mục ven đường. Cá nhân tôi rất thú vị với cây dành dành rừng. Hoa có hương thơm như cây dành dành mà ở miền Tây ba tôi trồng làm hàng rào, song ở Bù Gia Mập là cây thân gỗ, cao mười mấy mét, hoa rụng xuống có màu vàng nghệ, cánh mịn như dành dành miền Tây nhưng hình dáng hoa thì hoàn toàn khác.
Có lẽ do ám ảnh nên băng rừng mà cứ phải dòm dưới chân xem có con vắt nào đu theo không, cảm giác đôi lúc hơi bị ức chế. Song khi qua khỏi chặng đường rừng mà tới đoạn lội suối Đắc Ka thì mọi thứ dường như được giải tỏa. Con suối mát rượi, mới vài trận mưa đầu nên nước chưa nhiều, dòng chảy không mạnh, nước trong vắt, đủ để bạn có thể nhìn thấy vài con cá lội cũng như biết đặt chân vào đâu để cảm thấy an toàn. Quan trọng hơn, theo người dẫn đường – ở suối không có vắt. Suối Đắc Ka rất dài bắt nguồn từ phía tỉnh Đắc Nông và băng qua vườn quốc gia Bù Gia Mập, đoạn đường chúng tôi đi khoảng bốn cây số. Nước tầm ngang đầu gối, sâu nhất ngang thắt lưng, cảnh đẹp như tranh. Thỉnh thoảng lại gặp một vạt nghệ rừng, đang độ nở hoa, phớt tím và khá giống với một loại hoa vẫn hay bán ở chợ Hồ Thị Kỷ mà tôi chẳng biết tên. Thi thoảng, người dẫn đường lại chỉ cho chúng tôi một lối nhỏ đầy dấu chân thú rừng. Theo anh, đó là lối mà lúc vắng hoặc ban đêm, chúng kéo nhau ra suối uống nước. Có đoạn, chúng tôi băng qua những gốc cây cổ thụ dài cả mấy chục mét, vắt ngang suối. Nghe nói, đây là hậu quả của các trận lũ rừng từ những mùa mưa trước, theo dòng suối Đắc Ka chảy về đến đây bị đọng lại và vô tình thành một cây cầu bắc ngang qua con suối.
Đi rừng thì phải ngủ rừng mới thú! Ngay từ đầu, người dẫn đường đã đưa ra hai option là ngủ lều và ngủ võng để mỗi người lựa chọn. Tôi quyết định ngủ võng, song khi tới điểm hạ trại, nghe nói võng sẽ mắc dưới các gốc cây ven rừng thì bắt đầu hối hận, nghĩ mình đã lầm. Vì lều bố trí ngoài suối, trên các bãi cát, không có lá cây mục, không có vắt. Còn võng thì… Người dẫn đường trấn an rằng trên cao sẽ không có vắt. Trớ trêu là đêm ấy, trong khi các võng bên cạnh êm ru thì võng của tôi nằm bị tuột dây. Ngại làm phiền anh em hậu cần nên tôi quyết định tự xử. Bật đèn pin, kiểm tra đôi dép dưới đất xem có con gì vào ngủ nhờ không rồi thò chân xuống… khổ, dân nghiệp dư cột võng nên cứ bị tuột hoài. Vài lần như vậy, bực quá định cứ nằm ngủ luôn, song lại nhớ đến mấy con vắt, lại lọm cọm bò ra mắc võng. Tuy nhiên, đó cũng là trải nghiệm thú vị, chắc chắn cái bọn đang ngủ ngon trong võng trong lều kia không có cơ hội để thấy bầy đom đóm bay ngang qua lúc nửa đêm như mình. Đặc biệt, chỉ riêng buổi sáng thức dậy trong rừng cũng đủ cho bạn thấy giá trị của cả một chuyến đi. Bạn không thể ngủ nướng khi ngoài kia, tiếng chim hót ríu ran. Hãy dậy đi, vì những buổi sáng như thế không nhiều trong suốt cuộc đời bạn.
Còn nhiều điều nữa để kể về chuyến đi này, nhưng chắc sẽ để dành cho lần trở lại. Tất nhiên vào mùa khô, khi Bù Gia Mập không có vắt.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập thuộc tỉnh Bình Phước, cách trung tâm TP.HCM 270km. Để được hỗ trợ trekking cung đường này, du khách có thể liên lạc với các thành viên thuộc ban quản lý vườn quốc gia Bù Gia Mập:
Trường Giang: 0985726572
Email: truonggiangbgm@gmail.com
Phúc Đa: 0984589970
Email: phucdabaclieu@gmail.com
- Ảnh Quý Nhơn