Làm nơi công sở cũng như việc thi cử, cho dù bạn chơi bời từ tối đến sáng hay học đến nửa đêm, mọi người cũng chỉ nhìn vào kết quả.
Gần đây, có một ca khúc được lưu truyền rộng rãi trên mạng xã hội, lời bài hát đánh trúng tâm lý yếu ớt của những người thường xuyên phải làm thêm. Thực ra, điều kinh khủng nhất không chỉ là phải làm thêm miệt mài, mà còn là mức lương cứng vững vàng như núi thái sơn, ngàn năm không đổi.
Rất nhiều người hỏi: “Tôi làm việc rất chăm chỉ; ngày nào cũng tăng ca; trong nhà có trẻ nhưng mức lương rất thấp; lãnh đạo cũng chẳng tăng lương. Vậy đâu là lối thoát cho tôi?”
Thực ra, lối thoát của bạn không nằm ở việc đi đâu, cũng không ở chỗ phải kiếm tiền thế nào mà là hiệu suất công việc cao.
Nếu bạn là sếp công ty, liệu bạn có vì một nhân viên phải làm thêm đến nửa đêm, ở lại công ty ăn mì ăn liền mà cảm động tới mức tăng lương, thăng chức cho anh ta không; hay sẽ tăng lương thăng chức cho người đi làm về đúng giờ nhưng hiệu quả công việc cao, thành tích nghiệp vụ tốt?
Đáp án không cần phải suy nghĩ bởi quá dễ.
1. Công ty trả tiền cho những giá trị và lợi ích mà bạn mang lại
Có lần, sếp đưa tôi cùng một đồng nghiệp bắt xe về công ty. Trên đường đi, đồng nghiệp kể rằng, sau khi tốt nghiệp tiền thuê nhà của mình rất cao, nhận lương xong trả tiền thuê nhà thì đã hết hơn nửa. Cô ấy hỏi sếp bao giờ công ty tăng lương cho cô ấy.
Sếp nghiêm túc nói với cô ấy rằng: “Em phải nhớ, em có nhà ở hay không, tiền thuê nhà bao nhiêu chẳng liên quan gì đến công ty cả. Đó là việc riêng của em. Công ty không thanh toán tiền cho những việc cá nhân ấy.”
Sau đó, mặt sếp lãnh đạm quay đi. Khi ấy, chúng tôi đều cho rằng sếp quá máu lạnh nhưng cũng biết là sếp nói đúng. Nhà bạn có ở xa công ty hay không, lương có trả nổi tiền nhà hay không, cơm trưa là rau luộc hay tôm hùm đều là việc riêng của bạn, không liên quan gì đến công ty. Công ty chỉ trả tiền cho những giá trị và lợi ích mà bạn mang lại, giá trị càng cao lương càng cao.
Con người ta quý nhất ở chỗ biết rõ giá trị của mình, lương của một người về cơ bản tương xứng với giá trị công việc của người ấy. Nếu thấy giá trị của mình rất cao mà lương lại quá thấp thì có lẽ bạn đã đánh giá cao bản thân rồi. Không tin hãy thử nhìn những đồng nghiệp quanh mình và đánh giá xem giá trị công việc có tương xứng với mức lương họ nhận được hay không?
- Xem thêm: Tại sao nhân viên đòi tăng lương?
2. Cậu ta rất chăm chỉ, chỉ có điều không giúp gì được cho bạn
Lần đầu tiên khi tôi nhận vị trí Leader làm dự án thì có một đồng nghiệp mới. Nhưng tới lúc tôi đào tạo xong cho cậu ta có thể theo kịp tiến độ của cả team thì sếp lại cho cậu ta nghỉ việc.
Về sau, tôi nghe nói sếp đã gặp và nói chuyện với rất nhiều đồng nghiệp từng làm việc với cậu ta. Mọi người đều đồng loạt phản ánh: cậu nhân viên mới này rất chăm, thường làm việc tới tận nửa đêm nhưng chậm hiểu, tính tình lại khó chịu, năng lực làm việc tương đối kém. Cậu ta bỏ ra rất nhiều công sức, mặc dù không tới nỗi làm hỏng việc nhưng cũng chẳng giúp gì được cho cả team.
Điều cơ bản nhất là nhờ cậu ta ra ngoài mua món quà cũng tốn rất nhiều công sức, thậm chí ngay cả việc chuyển khoản ở ngân hàng cũng phải cầm tay dạy việc. Đúng thế, xử lý về mặt giấy tờ trong công việc cũng như năng lực thực hiện dự án của cậu ta còn không bằng một thực tập sinh vừa vào công ty. Làm việc với cậu ta rất mệt, chỉ là thái độ với tôi lại khá tốt, khi làm việc cũng vô cùng chăm chỉ nên tôi không để ý lắm.
Từ đó về sau, tôi hiểu ra được một chân lý nơi công sở. Công sở cũng giống như việc thi cử hồi đi học, cho dù hằng ngày bạn chơi bời từ tối đến sáng hay học đến nửa đêm, mọi người cũng chỉ nhìn vào kết quả. Thái độ và sự chăm chỉ của bạn đương nhiên cũng rất quan trọng, nhưng khi liên quan đến vấn đề cạnh tranh lợi ích thì chỉ dùng kết quả để phán xét.
3. Bạn có đang nâng cao kỹ năng của mình ở nơi làm việc hay hằng ngày chỉ chờ đến hết giờ làm? Tình trạng ở nơi làm việc của đại đa số mọi người như thế nào?
Những người trẻ tuổi mới đi làm có lẽ còn có chút năng lượng tích cực, nhưng thời gian đi làm càng lâu cũng làm bạn có chút kinh nghiệm đối phó.
Sáng 9h đi, chiều 5h về. Với đa số chúng ta, làm đúng giờ là mục tiêu lớn nhất; gặp khó khăn trong công việc thì phản ứng đầu tiên là nghĩ cách đẩy cho người khác mục tiêu chính là hoàn thành dự án một cách thuận lợi chứ không bao giờ có sáng kiến. Những lời ai oán nhiều nhất trong công ty chính là oán trách sếp không có năng lực, con mắt nhìn người kém, mình làm việc mệt thế mà lương lại thấp. Tình trạng làm việc như thế không sa thải bạn là may, lại còn muốn thăng chức, tăng lương?
Hôm qua, tôi đọc một câu của người bạn tên Lâm: “Bạn có đang cố gắng nâng cao năng lực của mình hay bồi đắp một khả năng mới, chứ không phải đơn thuần chỉ là một hòa thượng ngày ngày đến giờ thì thúc chuông?”
Đương nhiên, môi trường công sở không phải toàn những người “sống qua ngày”, cũng có vài người chăm chỉ học hỏi, không ngừng nâng cao năng lực bản thân. Rất nhiều người coi thường họ, cho rằng họ sống thật sự vất vả. Nhưng khi thăng chức, tăng lương, họ lại là những người có khả năng lớn nhất.
Người chiến thắng nơi công sở luôn thuộc về những người không ngừng cố gắng để tâm đến tính hiệu quả và kết quả công việc. Không chỉ người mới, những người làm việc đã có thâm niên cũng không ngừng đổi mới bản thân. Những người này không chỉ giỏi giang mà còn đáng sợ. Khi đem bản thân so sánh với người ta, mấy người bại trận thường tự thấy xấu hổ rồi luống cuống bỏ chạy.
* Nội dung bài viết trích từ cuốn “Ở Lại Thành Phố Hay Về Quê?” tác giả Mèo Maverick