Trước ngày đi chơi với gia đình đến The Pick ở đảo Bruny, bang Tasmania, nước Úc, không bao giờ lại nghĩ mình có cơ duyên được nhìn tận mắt thiên nga đen. Quả cuộc sống luôn đầy những bất ngờ.
Từ trên xe, nhìn qua cửa đã thấy một con vật giống như chim nho nhỏ, đen đen ngoài biển; không tàu bè gì gần nó cả.
Xe dừng lại, căng mắt nhìn được rõ hơn. Thấy đó là một con chim lớn màu đen. Sau khi băng qua con đường nhựa phẳng lỳ, đi dọc bờ biển đầy sỏi thì nhìn được rõ hơn nữa: đó là một con thiên nga đen.
Và rồi tôi len vào giữa các tảng đá to nhỏ, chân đạp lên sỏi kêu lào xào, mà tiến tới thật nhanh cho gần con thiên nga, bởi e nó bơi đi mất. Càng tới gần, càng thấy rõ con thiên nga một màu đen tuyền với cái mỏ đỏ lững thững, trôi nhè nhẹ trên biển.
Chuyện cực hiếm
Thường khách tới The Pick, một điểm du lịch của đảo Bruny, bang Tasmania, là để leo lên 238 bậc thang ngắm cảnh từ trên cao. Đương nhiên những người trong gia đình tôi đều thế. Tôi thì không.
Bãi biển vắng quá. Ở đây không phải là bãi tắm vì đầy sỏi và đá lớn, đá nhỏ. Hơn nữa, bấy giờ là một ngày cuối đông, trời còn lạnh lắm – phải khoảng 5 độ C.
Thời gian như chậm lại trong cái không gian lạnh lẽo và quá yên tĩnh này, dẫu thỉnh thoảng lại nghe tiếng bánh xe hơi rít trên đường. Bởi thế nên tôi “nghe” được cả sự bình yên của biển với mặt nước không xao động vì không một ngọn gió, chẳng một con sóng nào đánh vào bờ. Hít thở được mùi mằn mặn của biển nữa, lòng cảm thấy thật nhẹ nhõm, thật bình yên.
Rồi lại phấn khích vì bắt gặp thiên nga đen. Việc này cũng cực kỳ hiếm, giống như trúng số Vietlot vậy. Thiên nga trắng đâu gì lạ!
Và khi nói đến thiên nga đen là nói đến vẻ đẹp sang trọng, huyền bí, dường như độc nhất vô nhị. Nó nổi bật lên hơn so với thiên nga trắng bởi chính cái màu đen sang trọng đó.
Nhưng thiên nga đen ở đây lại làm gợi nhớ đến… thiên nga trắng của những ngày đã xa ở Rennes. Hồi đó tôi đến thực tập tại báo Ouest France ở vùng Tây nước Pháp; trưa trưa thì đi ăn ở căn tin của tờ báo. Luôn thấy những con thiên nga trắng lượn lờ trong hồ ở ngoài sân căn tin.
Rồi liên tưởng thêm tới những tháng ngày tại tòa soạn báo, bên cạnh những đồng nghiệp lão luyện luôn sẵn sàng giúp đỡ để mình được trau dồi thêm về nghề. Quả là kỷ niệm đẹp của một thời; quãng thời gian thỉnh thoảng tôi ngoái đầu nhìn lại với ánh mắt nhớ thương, rồi thở dài…
Hồi tưởng cả đến cái lần xem trích đoạn vở Hồ thiên nga, tác phẩm ballet đầu tay của nhạc sĩ Nga Tchaikovski, do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam biểu diễn. Đủ các loại thiên nga – non lẫn đã… hết non – nhón gót tung bay trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội.
Lại lan man rồi! Hãy quay lại với con thiên nga trước mắt thôi.
Luôn bất ngờ
Trước khi tìm thấy thiên nga đen ở Úc, hẳn bạn biết người ta tin rằng mọi con thiên nga đều một màu trắng. Phát hiện thiên nga không phải màu trắng đã làm thay đổi toàn bộ thế giới quan của nhiều người đối với loài thiên nga.
Về nhà, tìm hiểu thêm thì biết không chỉ tại đảo Bruny này mới có thiên nga đen, mà nhiều nơi khác ở Úc đều có thể thấy chúng. Rồi một số thành phố châu Âu đã nhập thiên nga loại này của Úc. Ở Nam Định, trong một quán cà phê, một người quen cho biết, từng thấy một cặp thiên nga đen (chắc cũng nhập từ Úc).
Về nhà, tôi đọc lại cuốn Thiên nga đen của Nassim Nicholas Taleb mua ở nhà sách Dymocks, Sydney năm nào.
Taleb là giáo sư ưu tú chuyên về quản trị rủi ro tại trường Kỹ thuật Tandon thuộc Đại học New York. Và là một trong những nhà kinh tế, nhà tư tưởng hiện đại có số lượng tác phẩm đồ sộ. Ngoài The Black Swan (Thiên nga đen), nhiều sách của ông cũng được đánh giá cao, như cuốn Fooled by Randomness (Bị ngẫu nhiên đánh lừa). Cả hai cuốn này đều đã được dịch ra tiếng Việt.
Nhiều tạp chí, tập san nổi tiếng thế giới cũng đăng những bài viết của ông.
Một số ý được rút ra từ Thiên nga đen như sau. Nhiều chuyện trong cuộc sống luôn bất ngờ, không kiểm soát được. Nhiều điều tưởng chừng như không thể diễn ra, nhưng lại xảy đến. Khi nghĩ lại, sẽ thấy giống như việc “gieo nhân nào, gặp quả ấy” vậy.
Nhưng ý quan trọng nhất của Taleb có lẽ là hãy quan tâm đến việc phòng bệnh. Bởi người ta hay bỏ qua những ngoại lệ, mà một khi xảy ra thì sẽ tạo tác động cực lớn – thậm chí thảm khốc. Thường đó là tác động tiêu cực làm thay đổi cả đời sống kinh tế hoặc chính trị…
Thiên nga đen chính là những ngoại lệ đó. Taleb đưa ra một số ví dụ: sự nổi lên của bộ máy tìm kiếm Google, và sự kiện 11-9. (Chính xác là sáng thứ Ba ngày 11-9-2001, lần đầu tiên nước Mỹ bị tấn công khủng bố bởi một nhóm không tặc khiến gần 3.000 người tử vong và hơn 6.000 người bị thương).
Hoặc gần đây hơn: Mỹ “đánh” Trung Quốc bằng đòn tăng thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc. Trong nước thì vụ nhiều người mua condotel bị vỡ mộng do chủ đầu tư loại bất động sản này tìm cách “xù” tiền lãi. (Hai ví dụ này do tôi đưa ra, dựa trên ý của Taleb).
Đừng dự đoán
Vậy nên đừng dự đoán chuyện gì cả dựa trên những hiểu biết ít ỏi của chúng ta. Tương lai luôn dành cho mình những biến động bất ngờ. Dễ bị “vỡ mặt” với dự đoán lắm.
Nhưng Taleb cũng đưa ra ví dụ vừa tiêu cực vừa tích cực. Hãy tưởng tượng bạn chơi cá ngựa, đã tìm hiểu kỹ một con ngựa đực mang tên Rocket. Nó rất mạnh mẽ; chú nài là một tay lão luyện. Họ lại đua với những đối thủ yếu kém. Vậy nên bạn hoàn toàn tin tưởng lấy hết tiền ra đặt cược vào Rocket. Ngon quá đi chứ?
Cuối cùng bạn bị… mất tiền. Bởi khi tiếng súng cho bắt đầu cuộc đua vang lên, Rocket không chỉ chẳng chịu rời khỏi cửa chuồng mà còn đổ gục xuống nữa.
Đấy cũng là “thiên nga đen”, theo Taleb! Những gì tìm hiểu được trước cuộc đua khiến bạn tin Rocket sẽ vô địch. Vậy mà bạn lại mất tiền ngay khi súng vừa nổ báo hiệu cho ngựa chạy. Đúng là bạn gặp phải một con thiên nga đen rồi.
Tuy nhiên, chuyện trên lại giúp cho chủ của Rocket kiếm bộn tiền. Bởi lẽ ông ta đã đặt cược vào ngựa của một đối thủ, hoặc cược ngựa mình… thua.
Chắc chắn ông ta có được nhiều thông tin hơn bạn; biết rằng Rocket sẽ không chịu lao ra đường đua. Nhờ đó mà ông ta thoát khỏi “thiên nga đen”.
Thiên nga đen của Taleb thuộc vào hàng sách bán chạy khi nó được xuất bản vào tháng 5-2007. Nhưng cách viết của tác giả quả cũng thách thức độc giả dữ lắm – ít nhất là đối với độc giả như tôi. Trước khi đọc lại, tôi từng nghiền ngẫm tác phẩm này một thời gian, mà không hiểu rõ hết những ý tưởng của Taleb. Tuy nhiên, hồi đó, lại thích cái lối viết hài hước, bỡn cợt của tác giả. Bạn nào đọc sách rồi thấy sao?
Thiệt tình, trước khi đọc cuốn sách dày 444 trang của vị giáo sư nổi tiếng này, tôi nào biết đến thiên nga đen. Vậy nên cảm thấy mình thật may mắn khi được thỏa thích ngắm nhìn một con như thế ở vùng biển ngoài đảo Bruny.
Rồi tôi đi ngược lại trên bãi biển, băng lại qua đường. Leo lên chừng 50 chục bậc của cái thang gỗ ở The Pick, đứng ở chỗ nghỉ đầu tiên của thang – cũng đã đủ để ngắm nhìn xung quanh.
Tôi phóng tầm mắt ra xa, nhìn xuống làn nước biển bên kia đường, trông thấy một vật màu đen nhỏ xíu, nhô lên như cây tăm đen cong queo. Con thiên nga đen vẫn lượn lờ đó.