Vở kịch Tình lá diêu bông là sự kết hợp khá thú vị giữa các nghệ sĩ cải lương, kịch và ca sĩ. Đạo diễn Hữu Quốc đã thật sự phát huy thế mạnh của mình khi mạnh dạn đưa những yếu tố ca diễn trong nghệ thuật ca kịch vào vở diễn. Trong câu chuyện tình buồn có hậu, các tác giả đã tạo cho những nhân vật của mình cuộc sống trong một ngôi nhà có đầy tình người, đầy đủ sự thân thương. Phải chăng, chính chữ “tình” trong tứ thơ Lá diêu bông của nhà thơ Hoàng Cầm đã tạo hưng phấn cho cặp tác giả kịch bản Hà Nam Giang – Nguyễn Bảo Ngọc sáng tác, kết nối chuyện tình giữa nàng Bé Hai và chàng Chờ rất thành công?
Trong ngôi nhà nhỏ có con sông nhỏ chảy ngang, một gia đình nhỏ chỉ gồm bốn chị em, không còn cha mẹ. Người chị tên Bé Hai (Tú Sương vào vai) cần cù với nghề làm chiếu mà cha mẹ để lại. Bờ bên kia có chàng trai nghèo cần cù, ngày ngày qua lại giúp bốn chị em từ việc lớn đến việc nhỏ trong nhà. Chờ (Hữu Quốc thủ vai) yêu Bé Hai ngay từ cái nết cần cù, chịu thương chịu khó. Họ gần nhau từ nhỏ và vẫn âm thầm với kỷ niệm về điều ước sẽ tìm được lá diêu bông. Bé Hai hiểu tấm lòng của Chờ và cũng rất thương Chờ, nhưng cô lảng tránh tình yêu vì chỉ muốn dành hết tâm sức lo cho các em. Ngôi nhà trống vắng hơi ấm cha mẹ đã có những lúc khốn khó vô cùng nhưng vẫn ngập tràn niềm yêu thương từ những đứa trẻ…
Có thể nói đây là vở diễn đặc biệt thành công của Hữu Quốc. Là một nghệ sĩ cải lương đã thành danh và nổi tiếng, trong vai trò đạo diễn vở kịch, anh đã đưa ca diễn vào kịch nói khá tinh tế. Cậu Út trong gia đình rất hợp với bé Gia Bảo – một giọng hát dân ca hay trong chương trình “Gương mặt thân quen” trên đài truyền hình và tài năng nhí này đã tạo được điểm nhấn thú vị cho vở kịch. Gia Bảo thể hiện trọn vẹn tính hồn nhiên của mình trong vai được trao, khiến nhiều khán giả không ngờ rằng cậu bé đang diễn trên sân khấu. Ngây thơ, tình cảm, chân thật, Gia Bảo như đang sống ở nhà của mình, khiến những cảnh đời đang diễn ra trên sân khấu gần và thật như chuyện đời thường vậy. Hồng Quyên – cô con gái của Tú Sương xinh xắn như mẹ hồi nhỏ (hiện đang học lớp 7 Trường THCS Chu Văn An) cũng sớm bộc lộ sắc vóc và tài năng nghệ thuật. Cùng với Gia Bảo, Hồng Quyên đã tạo thành một cặp đôi trẻ thơ đẹp đến trong vắt cho câu chuyện Tình lá diêu bông. Bé Tư ân cần giống như một cô giáo nhỏ của cậu em trai đã giúp cho Hồng Quyên tỏa sáng khá tinh tế. Vở kịch không quá nhiều những biến cố ly kỳ hay những tình tiết sướt mướt để lấy nước mắt khán giả. Câu chuyện của bốn chị em và mối tình của chàng Chờ đơn sơ, chân thật đến độ khán giả phải rưng rưng vì xúc động vì thấy cuộc đời vẫn còn những điều sáng trong, đẹp và lung linh quá.
Bé Ba (Mỹ Uyên vào vai) là một hình ảnh không đến nỗi khiến khán giả phải ghét bỏ dù trong tính cách có đôi chút ích kỷ. Cuộc sống của bốn chị em xảy ra biến cố khi Bé Ba đi lấy chồng. Anh chồng con nhà giàu (Hùng Thuận đóng) thích chơi bời, ăn nhậu rồi gây chuyện tày trời. Chờ đã nhận tội thay chồng Bé Ba và chấp nhận đi tù vì anh muốn để gia đình Bé Ba được êm thấm, để người mình yêu không phải gánh thêm những lo lắng, đau khổ. Mối tình Bé Hai và Chờ tưởng sẽ bị cắt đứt từ đó. Thế nhưng, không ngờ cuối cùng nỗi oan gia cũng được giải tỏa và họ vẫn có ngày sum họp. Câu chuyện có cái kết như bao chuyện tình trên sân khấu xưa nay. Vẻ đẹp, sự quyến rũ và hấp dẫn của vở kịch chính nhờ ở sự kết hợp giữa cảm xúc của nhân vật, tài diễn xuất của các nghệ sĩ Tú Sương, Hữu Quốc, Mỹ Uyên cùng sự tươi trẻ của cặp diễn viên trẻ Thu Hiền – Hồng Nhung và đặc biệt là sự đáng yêu của hai bé Gia Bảo – Hồng Quyên.
Tú Sương với vai Bé Hai đích thực là một điểm son của Tình lá diêu bông. Cô từng bộc bạch sau đêm diễn: “Nét chân quê của Bé Hai thì tôi đã có sẵn, nhưng vào một vai diễn trên sân khấu nhỏ thì vẫn rất lo lắng. Tôi lo mình là nghệ sĩ cải lương, khi diễn kịch nói không biết có bị “màu” quá không, liệu có gắn kết được với các anh chị quen diễn trên sân khấu này không? Tôi đã biết vở này khi vở thu ở đài vì con gái tôi cũng có một vai diễn nhỏ trong vở. Thật sự, tôi rất thích Tình lá diêu bông vì nội dung rất đời, rất hiện đại mà vẫn rất tình”. Có lẽ vì thế mà Tú Sương vào vai thật ngọt, càng về sau càng bừng sáng. Vở kịch kết thúc bằng sự chân chất của Bé Hai đã làm thổn thức trái tim của bao khán giả. Màn diễn của hai chị em Bé Tư (Hồng Quyên đóng) và Út hồi nhỏ cũng như màn diễn khi Út đã thành ca sĩ (ca sĩ Quốc Đại vào vai) đều tạo những cung bậc cảm xúc rất thăng hoa về sự yêu thương, đùm bọc nhau của chị em trong một gia đình. Một điều không thể không nhắc đến là diễn viên Hồng Nhung trong vai Thắm – một cô gái quê con nhà giàu bị si mê chàng Chờ – đã tạo ra những màn hài khá điệu nghệ. Hồng Nhung làm khán giả sảng khoái bởi chính cái duyên hài của mình. Chị thể hiện một cô Thắm rất thật tình, có một chút lả lơi, khôn khôn, ngố ngố, làm cho khán giả thấy mắc cười nhưng vẫn thấy thương. Còn Hùng Thuận tạo được sự tương phản thú vị trong hình ảnh cậu con nhà giàu chơi bời và một anh chồng thần kinh tật nguyền. Hai vai hài đã góp phần tạo nên bức tranh hoàn chỉnh cho Tình lá diêu bông mà đạo diễn Hữu Quốc đã chủ ý cài với một liều lượng hài vừa đủ cho một vở kịch tâm lý – xã hội.
Trong cả hai vai trò đạo diễn và diễn viên, Hữu Quốc đã làm đẹp thêm hình ảnh của Chờ – chàng nông dân tốt bụng, nồng ấm. Nếu diễn xuất của Tú Sương gợi cảm xúc đẹp bởi sự mộc mạc thì những cảnh diễn của Hữu Quốc với Gia Bảo và Hồng Quyên lại đầy cảm xúc, tinh tế đến từng nụ cười, cử chỉ. Chính sự nồng ấm bởi chữ “tình” trong câu chuyện vốn làm cho hình ảnh lá diêu bông như một ước mơ đến vô vọng của thi sĩ Hoàng Cầm đã đem đến cho khán giả một hình hài rất thật, rất đời, gần đến chạnh lòng trong kịch. Ca sĩ Quốc Đại trong vai của cậu Út khi đã lớn chưa là một vai diễn xuất sắc của vở, nhưng giọng ca ấm áp và cách diễn khá mộc của anh cũng tạo được cảm nhận tốt. Các diễn viên bước vào vở, hóa thân vào vai kịch của mình đều giữ được cái duyên rất đời, nhờ đó tạo được sức lôi cuốn, hấp dẫn cho các nhân vật, cho từng cảnh diễn. Bản nhạc Chị tôi của nhạc sĩ Trần Tiến với nỗi buồn da diết về hình ảnh một người chị vì lo toan cho gia đình mà không thể lấy chồng được hòa âm phối khí một cách mới mẻ, có sức lắng trong thương cảm đau đáu. Giai điệu của bản nhạc trong kịch lúc có lời, lúc không lời quấn quít nhau, cồn cào cùng hình ảnh Bé Hai đã làm nghẹn trái tim khán giả.
Hai ca sĩ Gia Bảo và Quốc Đại với tiếng hát của mình là một sự tiếp nối, đẹp trọn vẹn về diễn cảm cho nhân vật. Vì thế, cậu Út tự nhiên trở thành nhân vật tự truyện: Tình lá diêu bông là chuyện đời của Bé Hai, cũng là chuyện đời của Út!
Đưa đẩy câu chuyện bằng một tình cảm tự nhiên là cách làm mới và đạo diễn Hữu Quốc đã tỏ ra rất khéo léo trong từng chi tiết của vở kịch. Cảm giác lối mòn xưa cũ trong một câu chuyện tình mong sao lấy nước mắt khán giả đã không còn, thay vào đó là tính chất đương đại khá đậm nét, rất gần với hơi thở của cuộc sống. Trong kịch, khán giả nhận thấy tình người, sự hiếu thảo và lòng thủy chung vẫn luôn là viên ngọc sáng giữa những thói đời hỗn loạn, nhiễu nhương. Một khi có lòng tin, ai cũng có thể có tình yêu trong đời cho dù cái khó, cái khổ hằng ngày có tạo nên bao nỗi ngang trái, trắc trở.
Ngay từ buổi diễn đầu tiên, lượng khách mua vé xem có vẻ thuận với nhận định của báo giới rằng vở kịch này có sức hấp dẫn cao. Mới đây, nghệ sĩ Hồng Dung – Phó chủ tịch thường trực Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh cho biết Tú Sương đã nằm trong danh sách do Hội đề cử nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Nếu điều này thành hiện thực thì đúng là một tin vui cho Tú Sương, cho các đồng nghiệp của chị cũng như đông đảo khán giả.
Việt Nga (DNSGCT)