Nhìn kỹ, trong hẻm Spreuerhofstrasse không có nhà, chỉ là 1 lối đi, không thể so sánh với hẻm xưa Phố cổ Hà Nội được.
Đến một TP lớn, tôi không mấy quan tâm tới những tòa lầu chọc trời, mà thường thẫn thờ trước các con hẻm nhỏ mơ mộng. Nói đúng hơn, tôi si mê những nét đẹp văn hóa mà các con hẻm nhò chuyển tải, như một nhà khảo cổ đọc những thông tin trên mẩu xương hóa thạch phủ đầy bụi.
Kể chuyện hẻm xưa
Tôi hồi nhỏ sống ở phố Cát Dài, TP Hải Phòng. Phố Cát Dài có 3 hẻm nối tiếng: ngõ Tam Thuật, ngõ Đào Ký và ngõ Gà, được phong là “3 danh hẻm”, nổi tiếng là khu tập trung tới 90% dân cư là người Hoa. Ba con hẻm ngày nay đều rộng rãi, sầm uất, chẳng khác gì phố Cát Dài. Rất khó khăn, tôi mới kiếm được tấm hình tư liệu ngõ Đào Ký từ người bạn cũ, thể hiện cảnh tịch mịch xưa.
Người Hoa tuy đã người đi lầu trống, nhưng văn hóa ẩm thực vẫn còn đó, trở thành nét đặc sắc hấp dẫn du khách. Những món ăn mà nghe tên chỉ có dân đất Cảng mới hiểu: sui dìn (bánh trôi nước), sủi êt (bánh đúc tàu)… Tôi ăn thử, thấy cũng chỉ hao hao mà thôi.
Theo bước chân di cư của người Hải Phòng, nhiều món ăn đã bén rễ ở Chợ Lớn. Ta có thể dễ dàng tìm được bánh trôi nước ở Chợ Thiếc, có 3 loại nhân mè đen, dừa và đậu phộng; bánh đúc tau thì bày bán ở xóm Lò Siêu, người bản địa quen gọi là “bánh Hải Phòng” chỉ 5.000đ/đĩa, là quà ăn sáng rẻ nhất TPHCM.
Đến khu phố cổ Hà Nội, ngoài vẻ hào nhoáng pha chút rêu phong, tôi phải rùng mình, vì những con hẻm cực nhỏ… có lẽ là chật nhất thế giới.
Trên khắp các tuyến phố như: Hàng Buồm, Hàng Chiếu, Ngõ Gạch, Lò Sũ… không khó để tìm thấy những ngõ rộng chưa đầy 1 mét, sâu tít tắp vào bên trong, phải bật điện suốt 24/24 thì mới thấy lối đi lờ mờ.
Nhiều ngõ còn nhỏ hơn. Ngõ 86 Hàng Buồm rộng 60cm nhưng sâu đến 20m là không gian sinh hoạt của 4 hộ dân. Ngõ số 55 Hàng Chiếu còn khiến cho người dân ngột ngạt, khó chịu hơn khi có đến 15 hộ sinh sống. Xe máy phải dắt cẩn thận mới vào được nhà, mua đồ điện lạnh phải tháo rời, thậm chí, phải thuê xe cẩu để cẩu đồ qua mái nhà hàng xóm. Nói dại, nhà có người chết chỉ có cõng nhau ra nhà tang lễ Phùng Hưng mà làm đám (phim Mất xác).
Người Sài Gòn sẵn sàng bán một căn nhà mặt tiền ở trung tâm rồi lên Bình Dương mở nhà máy để 10 năm sau về mua lại biệt thự ở Sài Gòn. Người Hà Nội thì sẵn sàng “tứ đại đồng đường”, “giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội”, cho nên từ xưa dù chật chội dơ dáy tới mấy, người Hà Nội vẫn thích sống ở trong những con hẻm như vậy. Hà Nội có tới 3.000 con hẻm, nhưng chỉ xung quanh phố cổ mới tồn tại hẻm nhỏ đáng thưởng ngọan.
Những con hẻm nhỏ nổi danh thế giới
Nép mình trong khu dân cư lâu đời nhất của thủ đô Prague, CH Czech, con đường nhỏ Vinarna Certovka là một trong những điểm nhấn thu hút du khách khi tới thăm cộng hòa Czech. Con đường nổi tiếng vì nó hẹp, với chiều rộng là 50cm và dài gần 9,8m. Vinarna Certovka nằm nép bên hai tòa nhà và việc để hai người cùng đi một lúc trên con đường này là điều không thể. Ngoài ra, những vị khách to béo cũng khó mà ních được qua một cách suôn sẻ.
Tuy nhỏ và trông không khác gì một con hẻm, nhưng chính quyền thành phố vẫn quyết định lắp đèn giao thông ở đầu đường cho Vinarna Certovka. Đèn sẽ được bật sáng báo tin khi có không người đi qua hoặc đã có người sử dụng.
Theo người dân bản địa, kể từ khi con đường này được lắp tín hiệu giao thông nó lại càng trở nên thu hút khách. Hàng ngày, có tới hàng trăm người ghé đến nơi này chỉ để được đi qua một lần cho biệt và chụp hình lưu niệm.
Con hẻm nhỏ nhất thế giới được sách Kỷ lục Guinness công nhận tên là Spreuerhofstrasse, nằm ở thị trấn cổ Reutlingen, Đức. Được xây dựng từ năm 1727, con hẻm nhỏ nằm kẹt giữa 2 ngôi nhà, với chỗ chật nhất chỉ 31cm và chiều rộng trung bình chỉ khoảng 40cm. Muốn đi qua hẻm, bất cứ ai cao trên 1,80m đều phải cúi khom lưng. Con hẻm chỉ dài 3,8m nhưng nhờ kích cỡ tý hon mà nó thu hút được lượng khách từ cả châu Á và châu Mỹ tới đây để kiểm tra độ mi nhon của bản thân, được ví von là thước đo chuẩn nhất cho chế độ ăn kiêng của bạn.
Nhìn kỹ, trong hẻm Spreuerhofstrasse không có nhà, chỉ là 1 lối đi, không thể so sánh với hẻm xưa Phố cổ Hà Nội được.
Hẻm không rượu duy nhất giữa lòng Sài Gòn
Tôi sinh hoạt ở Hội Liên hiệp VHNT các dân tộc TP.HCM, thường gặp các văn nghệ sĩ người Chăm. Khi đi họp, để bày tỏ tín ngưỡng của dân tộc mình theo đạo Islam (đạo Hồi), họ hay đội chiếc nón trắng nhỏ trên chóp đầu. Nếu họ mặc đủ complete, phải thêm áo thụng quần trắng khăn đống; tôi thầm nghĩ, trông như nhà có tang!
Trước đây, tôi vốn tưởng ở TP.HCM, chỉ duy nhất ở P.9, Q.Phú Nhuận mới là nơi tập trung người Chăm sinh sống (khoảng 5.000 người). Mới đây, tôi có công chuyện qua Q.8 bên kia Cầu chữ Y, phát hiện tại hẻm 157 đường Dương Bá Trạc mới là nơi đạm đà bản sắc người Chăm. Máu nghề nghiệp nổi lên, tôi liền bỏ hết công việc, mở cuộc điều tra bỏ túi.
Trong hẻm có khoảng 300 hộ, 1.500 nhân khẩu, toàn bộ là người Chăm theo đạo Islam có nguồn gốc từ tỉnh An Giang đến đây định cư từ giữa thế kỷ trước. Người Chăm mang nghề dệt thổ cẩm từ An Giang tới, nhưng làng nghề xưa nay đã không còn nghe tiếng thoi đưa, bởi vì hàng thủ công không cạnh tranh lại với hàng dệt máy; thanh niên Chăm ngày nay cũng chẳng còn ai mặc đồ thổ cẩm.
Người Chăm Việt Nam không theo phái Sunny, cũng không theo phái Shiite, mà là theo phái Boni hiền hòa hơn nhiều. Mấy năm trước, khi du lịch ở Kuala Lumpur, Malaysia, tôi thấy mấy ông chủ người Hoa ở chợ treo biển tuyển công nhân bằng tiếng Hoa. Tôi thắc mắc hỏi ông chủ, vì sao không đề tiếng Malay cho nhiều người biết hơn, vì dù sao người Malay vẫn chiếm trên 50% dân số. Ông chủ trả lời: “Họ theo đạo Islam, nghỉ ngày thứ sáu, mỗi ngày cầu kinh 5 lần, liệu ông có chịu nổi không”?
Người Chăm Việt Nam cũng vậy: mổi ngày hướng về thánh địa Mecca làm lễ 5 lần, chưa hết, mỗi khi làm lễ, còn phải rửa mặt, gội đầu, rửa chân 3 lần, nếu không có đức tin mạnh mẽ, khó lòng hoàn thành những nghi thức phiền toái đó. Tôi không khỏi thắc mắc: Đa số người Chăm làm phụ hồ hoặc các công việc năng nhọc khác, chẳng lẽ họ xếp công việc giữa chừng để cầu nguyện sao? Chẳng ai giải đáp cho tôi cả.
Khi tôi đến đúng vào tháng Ramadan (16-5 đến 15-6-2018), tín đồ phải phải nhịn ăn, không được cả uống nước, từ khi khi mặt trời mọc tới mặt trời lặn, nên trong hẻm vắng tanh. Tôi hỏi 1 thanh niên, lao động nặng nhọc mà nhịn ăn nhịn uống thì lấy sức đâu mà làm? Thì được trả lời: “Đã quen rồi”.
Người Chăm sử dụng lịch Hồi, đây mới là âm lịch thực sự, không có điều chỉnh tháng nhuần và 24 khi tiết như Âm lịch của mình, nên ngày Tết và tháng Ramadan có thể dời vào bất kỳ ngày, tháng nào trong năm.
Mọi người đều biết Muslim bị cấm ăn thịt heo, các loại thịt dê, bò, gà, vịt… cũng phải được đánh dấu Halal, chứng tỏ là thịt sạch, họ mới dám dùng.
Muslim cũng không đụng đến một giọt rượu, nên con hẻm này trở thành “xóm không nhậu” duy nhất ở TP.HCM, nên các loại tội phạm cũng rất thấp. Coi bộ, lực lượng giáo hóa của tôn giáo còn có sức mạnh hơn hình phạt khắc khe.
- Xem thêm: Khi hẻm nhỏ lên đời