Trước khi đến Namibia công tác, ngoài công việc, chúng tôi không mấy quan tâm đến thông tin du lịch của quốc gia nằm ở phía tây nam châu Phi này. Chỉ khi đến đây, cả nhóm mới biết Namibia là điểm đến hấp dẫn của nhiều ngôi sao Hollywood và nhiếp ảnh gia hàng đầu thế giới.
Quả thật, trong những sa mạc vắng bóng người có nhiều cảnh sắc đẹp ngoài sức tưởng tượng và lắm câu chuyện chỉ nghe một lần sẽ nhớ mãi!
Windhoek, góc gió lộng trên cao nguyên
Từ trên máy bay nhìn xuống, thủ đô Windhoek như một viên ngọc xanh nằm giữa sa mạc trải dài đến ngút tầm mắt. Thành phố có quy hoạch ngăn nắp theo phong cách Đức được vây quanh bởi các rặng núi thấp trơ trụi cỏ cây. Những ngày cuối tháng Mười, vùng nam bán cầu đang là mùa hè, không khí nóng và khô, bầu trời không một chút mây xanh đến nhức mắt.
Chưa biết vào trong phố phường thì sẽ thế nào chứ chỉ riêng cái tên Windhoek, nghĩa là góc gió lộng nghe đã thấy nên thơ. Nhiều người lại cho rằng tên này thật ra được đọc trại đi từ chữ Winterhoek (góc mùa đông) có từ thời thuộc địa Đức.
Tọa lạc trên cao nguyên Khomas với độ cao 1.700 mét so với mực nước biển, Windhoek nằm đúng ở trung tâm điểm của Namibia. Có dân số chưa đến 350 ngàn người, quy mô của Windhoek không lớn nhưng rất sạch sẽ, xinh xắn.
Thành phố mang đậm dấu ấn kiến trúc Đức với những ngôi nhà mái ngói đỏ thắm, tường vàng nhạt với ô cửa sổ cao duyên dáng. Xen giữa những công viên đầy hoa và cỏ xanh là nhiều tòa nhà cao tầng hiện đại. Nhiều cao ốc sang trọng, đẹp đẽ khiến du khách không thể không ngắm nhìn.
Đại lộ Independence, trục đường chính của Windhoek chia thủ đô ra làm hai khu vực khác biệt. Một bên là bầu không khí trang nghiêm yên ắng với nhà thờ, tòa án, tòa nhà quốc hội, một bên náo nhiệt hơn với các trung tâm thương mại, văn phòng và dân cư.
Trên một ngọn đồi thoai thoải, thánh đường Christuskirche được xây dựng theo lối Tân cổ điển (Gothic revival) nằm cạnh vườn Parliament và Tintenpalast được coi là trái tim của Windhoek. Khác với vẻ đẹp thanh thoát của nhà thờ, tòa nhà Quốc hội bên cạnh đó lại đồ sộ vuông vức.
Tuy vậy, cảnh sắc uy nghiêm ở đây vẫn có nét nên thơ nhờ hàng phượng tím duyên dáng thả những chùm hoa cánh mỏng xuống giữa màu nắng trong như mật. Cách đó không xa, khu Thành cổ (Alte Feste), biểu tượng cho bộ máy cai trị quyền lực của người Đức trước đây nay thành nhà bảo tàng.
Vào đây, du khách được nhìn thấy đời sống của những gia đình từ nước Đức xa xôi đến vùng đất này tìm cách làm giàu. Những xe ngựa, trang phục dạ hội lộng lẫy, đồ nội thất xa hoa… cho thấy đa số những người đủ can đảm rời bỏ châu Âu đã không phải thất vọng.
Dọc theo đại lộ Independence là khu phố đi bộ xinh xắn và rộng rãi. Xen giữa các quán cà phê thanh lịch có những cửa hàng bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ khá lớn. Đây quả là thiên đường cho những ai thích sưu tập đồ lưu niệm độc đáo.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Namibia rất đa dạng, tinh xảo, đầy màu sắc sinh động. Từ tượng thú rừng bằng gỗ, đồ trang trí bằng xương thú vật hay kim loại thô đều rất sáng tạo, mang đậm nét văn hóa bộ lạc và yếu tố thần linh của người châu Phi.
Thích nhất là người bán ở đây đa số thân thiện, cởi mở. Phần lớn người Namibia sử dụng được cả tiếng Anh, tiếng Anh Afrikaan (ngôn ngữ thường dùng ở Nam Phi do di dân từ Đức và Hà Lan tạo ra) và thổ ngữ thế nên họ trao đổi với nhau nghe rất vui tai.
- Xem thêm: Ethiopia, “trái tim châu Phi”
Đi dạo chán mọi người nghỉ chân ăn trưa. Thực đơn nhìn có vẻ bình thường với các món ăn chủ đạo là thịt, thế nhưng nếm một miếng thịt bò ngon tuyệt chúng tôi mới biết ẩm thực Namibia cũng khá hấp dẫn. Mặc dù phần lớn diện tích đất đai là sa mạc, Namibia có tỷ lệ gia súc trên đầu người cao nhất thế giới và chất lượng thịt cũng rất ngon. Bò tót, heo mọi, trâu sừng nhọn và gà rừng ở đây được thả rông hằng tháng trên núi, trên những cánh đồng hoang vắng nên săn chắc và rất ít mỡ.
Núi đá và đầm lầy chết trong sa mạc
Hiện nay, có đến 40% trong số hơn hai triệu dân Namibia sống nhờ vào du lịch. Ngày càng nhiều du khách từ các nơi đến đây thám hiểm sa mạc, thăm các thôn sóc bán khai còn sót lại và đi dạo trong khu thú hoang dã được bảo tồn.
Cách Windhoek chỉ nửa giờ xe, trang trại Okapuka rộng 14.000ha tái hiện gần như hoàn hảo một thiên nhiên Phi châu thuần khiết. Vùng đất khô cằn này hóa ra lại là chỗở của nhiều loại chim chóc, nai, sao, hoẵng, linh dương, heo rừng, cá sấu, hươu cao cổ, ngựa vằn, tê giác, báo, bò tót, sư tử…
Thế nhưng, muốn hiểu về Namibia hơn nữa, du khách phải ngồi xe thêm dăm tiếng đi qua hàng triệu đụn cát trùng trùng. Sa mạc Namib nước này được coi là tổ tiên của tất cả sa mạc trên thế giới do đã hình thành cách đây hơn 5 triệu năm.
Dưới bầu trời cao xanh vời vợi, một biển cát với gam màu chủ đạo là đỏ và ánh vàng lấp lánh trong cái nắng rực lửa. Gió thổi từ hàng triệu năm qua đã khiến cho Namib có những đụn cát cao nhất thế giới. Cát ở đây mang màu đỏ của sắt oxit, tuy trông khô cằn nhưng vẫn giữ đủ độẩm cần thiết cho thực vật sinh sống. Big Daddy, biểu tượng của Namibia là cồn cát cao nhất với độ cao 325m và có tuổi thọ 5 triệu năm.
Namib còn có những khối đá granit, gọi là Spitzkoppe được tạo nên do sự sụp đổ và phun trào của núi lửa granit cách đây hơn 100 triệu năm. Đỉnh cao nhất của các khối đá này lên đến 700m. Spitzkoppe nổi bật nhờ cách sắp xếp ngẫu nhiên tuyệt đẹp của các khối đá mang hình dáng kỳ lạ với nhiều hình vẽấn tượng của thổ dân châu Phi cổ.
Điểm đến kế tiếp của chúng tôi trong sa mạc là Sossusvlei, một lòng chảo đất sét khổng lồ được bao quanh bởi những cồn cát đỏ khổng lồ. Gió ở đây thổi từ nhiều hướng khiến cho các mặt của cồn cát tạo thành dạng ngôi sao khi nhìn từ trên cao.
Cũng nhờ kiểu gió này, các cồn cát ở Sossusvlei ổn định và hiếm khi di chuyển. Du khách còn gọi Sossusvlei bằng cái tên Deadvlei, nghĩa là đầm lầy chết vì trong lòng chảo có những hàng cây chết khô cả ngàn năm nay trông kỳ bí như tranh vẽ.
Xưa kia, sông Tsauchab chảy qua Namib làm ngập các thảm thực vật tồn tại trong chảo đất sét này. Rồi khoảng 900 đến 1.000 năm trước, Sossusvlei trải qua một trận hạn hán khốc liệt. Các cồn cát dịch chuyển dần tới lòng chảo và ngăn sông chảy qua.
Nước ngầm trở nên khô cạn, mưa cũng không đủ thấm đất, cây cối bị sấy khô. Trải qua chừng đó thời gian, những cành cây ngoằn ngoèo với lớp vỏ nhăn nhúm vẫn rất hiên ngang trước vô số cơn bão từng thổi qua sa mạc.
- Xem thêm: Tanzania, đất trời Phi châu hoang dã
Điều đặc biệt là cây chết không hóa thạch mặc dù vật liệu hữu cơ của chúng đã dần dần bị thay thế bởi các khoáng chất. Thay vào đó, cây bị ánh nắng Mặt trời hun cháy biến thành một màu đen như than. Khu vực này khô cằn đến nỗi gỗ cũng không thể phân hủy được.
Mặc dù vậy, sự sống luôn hiện hữu ở khắp nơi. Tồn tại trong Deadvlei là những con bọ cánh cứng, chuột nhảy, đà điểu, linh dương và một vài loài động vật khác. Người châu Phi tin rằng dù khắc nghiệt đến đâu, mỗi vùng đất vẫn là nơi sinh sống dành riêng cho một số loài nào đó. Có lẽ vì vậy mà Namibia vẫn còn rất nhiều điều có thể khám phá đang chờ chúng tôi phía trước.