Những lo ngại về sự sụt giảm của thị trường một khi VNM không chống đỡ nổi chưa xảy ra trong tuần giao dịch thứ hai của tháng 11. Tuy nhiên, rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn chưa được giải tỏa, dù HSX có hai phiên giao dịch tích cực cả về thanh khoản lẫn điểm số vào cuối tuần trước. Cổ phiếu VNM vẫn tăng giá và thu hút dòng tiền, cùng với đó là FPT, BMP…, trở thành đầu tàu trong việc thu hẹp đà giảm của chỉ số. VN-Index vì thế vẫn trụ được quanh mốc 610 điểm, chỉ giảm nhẹ 0,18% so với tuần trước đó, xuống còn 611,27 điểm. HNX-Index cũng gần như không thay đổi sau một tuần, tăng nhẹ 0,09%, dừng ở 81,57 điểm. Thanh khoản tăng khá, chủ yếu nhờ sự khởi sắc của dòng tiền trong hai phiên cuối tuần. Khối lượng khớp lệnh trên sàn HSX tăng 16,9% so với tuần trước, còn trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh tăng 2,6%.
Sau ba tuần liên tiếp mua ròng, các nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang bán ròng, chủ yếu trên HSX (380 tỉ đồng), trong khi vẫn mua ròng (21 tỉ đồng) trên HNX. Hoạt động bán ròng của khối ngoại chủ yếu trong hai phiên tăng điểm cuối tuần, nên không ảnh hưởng nhiều đến điểm số. Ngoài ra, việc bán ròng của khối này cũng chỉ tập trung vào VIC (tổng giá trị 195 tỉ đồng) và MSN (123 tỉ đồng) nên tầm ảnh hưởng không lớn. Một số bluechip cũng bị khối ngoại bán ròng như GAS (gần 40 tỉ đồng), HPG (28,6 tỉ đồng)… Nếu chỉ xét dấu hiệu mua bán của khối ngoại trong tuần qua, thì việc họ bán ròng mạnh trong hai phiên thị trường tăng điểm trong khi mua ròng ở những phiên giảm điểm cho thấy khẩu vị của họ đã chuyển sang mua bán ngắn hạn và khả năng nắm bắt tốt tình huống (mua rẻ bán đắt). Phân tích sâu hơn, dòng tiền khối ngoại vẫn đang chịu sự chi phối của đồng USD. Sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm tốt hơn dự kiến, đồng tiền nước này đang dao động quanh mức cao nhất trong vòng một thập niên. Ngược lại, giá trị đồng tiền của các thị trường mới nổi đang giảm xuống mức rất thấp. Đồng euro được giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm nay, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu để ngỏ khả năng tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế trong tháng tới. Các nhà đầu tư tài chính toàn cầu vì vậy sẽ tiếp tục điều chỉnh danh mục đầu tư của mình sao cho phù hợp. Xác suất để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất trong cuộc họp cuối cùng của năm 2015 đã tăng từ mức 39% của tháng trước và 50% của một tuần trước lên 68% vào cuối tuần qua. Nếu điều này xảy ra, có khả năng một bộ phận dòng vốn sẽ bị rút ra khỏi các nước đang phát triển, trong đó có nước ta.
Về tình hình kinh tế vĩ mô, tuần rồi Quốc hội đã thông qua kế hoạch năm 2016 với một số chỉ tiêu cơ bản như GDP tăng khoảng 6,7%, lạm phát dưới 5%. Nếu như mục tiêu tỷ lệ lạm phát dưới 5% là khả thi, do giá hàng hóa nguyên liệu ở mức thấp, thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% là không dễ dàng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nguy cơ giảm tốc, đặc biệt là Trung Quốc. Các dòng thuế giảm trong tương lai theo một số hiệp định thương mại tự do sẽ khiến nguồn thu càng căng thẳng hơn và các dòng thuế nội địa có thể tăng lên đề bù đắp khiến sức khỏe của nền kinh tế yếu đi.
Có thể nói, việc VN-Index thời gian qua duy trì được mức điểm khá cao vẫn phụ thuộc nhiều vào các cổ phiếu như VNM, FPT, BMP…, là những cổ phiếu lớn có câu chuyện thoái vốn từ SCIC và có kết quả kinh doanh tốt. Sự lên xuống của VNM có tác động quá lớn đến chỉ số và câu hỏi đặt ra là liệu cổ phiếu này có thể tiếp tục đà đi lên ấn tượng khi đã tăng gần 40% trong nhịp tăng vừa qua? Đặt ra câu hỏi này cũng để thấy rằng rủi ro giảm điểm của chỉ số trong ngắn hạn vẫn chưa kết thúc. Nhiều cổ phiếu cơ bản đã có chuỗi giảm điểm khá dài, trong đó có không ít cổ phiếu bluechip. Ngoài ra, không có nhiều nguồn tiền đầu tư mới từ các nhà đầu tư trong nước đổ vào trong thời gian qua, trong khi dòng tiền margin lại tăng khá nhanh cũng là một chỉ dấu rủi ro. Chưa kể một bộ phận dòng tiền tập trung vào các cổ phiếu có tính đầu cơ cao, họ rất dễ bán tháo cổ phiếu khi thị trường giảm điểm. Tuy nhiên, những người lạc quan cũng cho rằng nhiều khả năng nhịp điều chỉnh của thị trường đã có dấu hiệu kết thúc và lực cầu ngắn hạn có thể gia tăng trong thời gian tới.
Phiên giao dịch đầu tuần mới (16-11) VN-Index vẫn đang dao động theo quỹ đạo khó lường. Số mã giảm áp đảo (137) so với số mã tăng điểm (101) nhưng nhờ sự kiên trì tăng giá của VNM (đã ở mức 140 ngàn đồng/cổ phiếu, hơn 13.000 đồng/cổ phiếu so với một tuần trước), VN-Index không bị mất điểm quá nhiều, chỉ giảm 2,06 điểm, dừng ở 609,21 điểm. Rủi ro ngắn hạn vẫn chưa hết với thị trường chứng khoán nước ta.
Tuấn Thanh (DNSGCT)