Có những sự thật mà nhân viên sẵn sàng chia sẻ với sếp trong ngày làm việc. Nhưng cũng có những sự thật mà các nhân viên chỉ “rỉ tai nhau” vào những lúc vui vẻ, khi không có sếp, nhất là trong các bữa tiệc giao lưu giữa nhân viên với nhau sau giờ làm việc.
Làm thế nào để biết nhân viên có đang thật sự vui vẻ và hài lòng với môi trường làm việc hiện tại của họ hay không? Để có câu trả lời, hai giáo sư Rob Goffee và Gareth Jones của Trường Kinh doanh London (LBS) đã không ngại làm việc cả ngày lẫn đêm, thâm nhập vào những câu chuyện nơi công sở cũng như những bữa tiệc ngoài giờ làm của nhân viên để tìm hiểu rõ những “lời nói thật” của họ. Kết quả của nghiên cứu này là một cuốn sách mới được xuất bản gần đây có tựa đề Why Should Anyone Work Here? (Tạm dịch: Vì sao ai đó làm việc ở đây?).
Để cho ra đời cuốn sách nói trên, các tác giả đã dành thời gian để trao đổi với các nhân viên ở 21 tổ chức lớn, trong đó có Heineken, Novo Nordisk, McDonald’s, Samsung và Unilever. Theo quan sát của các tác giả bằng cách tìm hiểu thực tế qua các câu chuyện trao đổi trực tiếp với nhân viên, những môi trường làm việc tốt nhất là những nơi nuôi dưỡng văn hóa không phân biệt đối xử, tạo điều kiện để nhân viên được tự thể hiện và tạo ra sự khác biệt.
- Xem thêm: Để nhân viên thật sự vui vẻ
Ở những môi trường làm việc này, nhân viên cảm thấy không cần thiết phải thay đổi tính cách hay tạo cho mình “một bộ mặt khác” mỗi khi họ bước chân vào văn phòng. Nhân viên cũng cảm thấy được tự do và thoải mái đưa các đề xuất cũng như tranh luận với các đề xuất do người khác đưa ra.
Từ quan sát nói trên, Goffee và Jones đã xây dựng các câu hỏi khảo sát theo kiểu trắc nghiệm giúp các nhà quản lý doanh nghiệp tìm hiểu liệu nhân viên có cảm thấy họ là chính mình nơi công sở hay không. Theo đó, các nhân viên có thể chọn lựa câu trả lời theo thang điểm số từ 1 đến 5 để thể hiện mức độ đồng tình với một vấn đề được đưa ra. Cụ thể, 1 tương đương với “hoàn toàn không đồng ý”; 2 có nghĩa là “không đồng ý”; 3: “không có ý kiến”; 4: “đồng ý”; 5: “hoàn toàn đồng ý”. Đó là một số vấn đề sau đây:
- Con người tôi khi ở nhà hay khi ở công sở đều như nhau.
- Tôi cảm thấy khi được là chính mình nơi công sở.
- Chúng tôi (nhân viên) được khuyến khích thể hiện sự khác biệt của mình.
- Những nhân viên có suy nghĩ khác biệt so với số đông thường rất thành công ở đây.
- Nhân viên luôn được khuyến khích nuôi dưỡng và theo đuổi đam mê của mình, ngay cả khi điều đó dẫn đến xung đột.
- Ở đây có nhiều loại người cùng thích nghi với môi trường làm việc.
Theo Goffee và Jones, nếu nhân viên trả lời bất cứ câu hỏi nào trên đây với số điểm 1-2, các nhà quản lý cần phải quan tâm ngay để tìm hiểu nguyên nhân đằng sau đó. Các tác giả cho rằng, nếu tổng số điểm nhỏ hơn 18 thì điều đó có nghĩa là tổ chức chưa thật sự đánh giá cao tính cá nhân của nhân viên.
- Xem thêm: Quan tâm đến nhân viên nhiều hơn
Nếu trường hợp này xảy ra thì doanh nghiệp cần phải làm gì? Các giáo sư cho rằng thay đổi văn hóa của tổ chức là một việc đòi hỏi nhiều thời gian. Trước tiên, các nhà quản lý cần tìm hiểu điều gì thật sự khiến cho nhân viên cảm thấy họ đang bị “đánh mất bản thân” khi đến công sở. Từ đó, thay đổi theo hướng chứng minh cho nhân viên thấy rằng tổ chức vẫn khuyến khích sự xung đột và bất đồng quan điểm ở một mức nhất định với mục đích xây dựng và phát triển.
Ngoài ra, các tác giả khuyên, đôi khi doanh nghiệp cũng nên cân nhắc tuyển dụng nhân sự mới, những người sẵn sàng phát biểu ý kiến của riêng họ, để làm thay đổi dần văn hóa vốn có thể đã ăn sâu vào nhận thức và thói quen của các nhân viên hiện tại.