Ngày 3-7, Đại sứ Lê Hoài Trung – Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc tiếp tục gửi thư lên Tổng thư ký Ban Ki-moon, đề nghị lưu hành hai văn bản về lập trường của Việt Nam phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa… được xem như tài liệu chính thức của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 68. Đây đã là lần thứ tư Việt Nam gửi thư đề nghị Tổng thư ký Ban Ki-moon lưu hành các tài liệu của Việt Nam liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan của họ trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Tàu cá Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam (phải)
Văn bản thứ nhất bác bỏ toàn bộ, cả trên thực tế cũng như pháp lý, hai văn bản của Trung Quốc đã gửi cho Tổng thư ký Ban Ki-moon trong các ngày 22-5 và 9-6. Văn bản thứ hai hoàn toàn bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa vì Việt Nam đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo này từ khi nơi đây còn là lãnh thổ vô chủ. Các tài liệu, hồ sơ gửi kèm hai văn bản này đưa ra đầy đủ bằng chứng cho thấy Trung Quốc làm tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế về cấm sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, thậm chí họ còn thực hiện những hành động vô nhân đạo đối với ngư dân, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam. Trung Quốc đã huy động hơn 100 tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự vào vùng biển của Việt Nam để bảo vệ giàn khoan mà họ đã hạ đặt trái phép. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc còn liên tục đâm húc, bắn vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật và tàu cá của Việt Nam. Từ ngày 2-5, Việt Nam đã gửi công hàm, giao thiệp trên 30 lần ở nhiều cấp khác nhau để phản đối Trung Quốc nhưng Trung Quốc đã khước từ các nỗ lực và thiện chí đó.
Gần đây nhất, ngày 3-7, các tàu Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 94912 TS cùng sáu ngư dân ở vùng đánh bắt chung thuộc vịnh Bắc bộ khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Ngay sau đó, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao nước ta đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đề nghị Trung Quốc thông báo chính thức cho Việt Nam về vị trí tọa độ, lý do Trung Quốc bắt giữ tàu cá nói trên. Đồng thời, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để xác minh thông tin và yêu cầu các biện pháp bảo hộ đối với sáu ngư dân nhưng phía Trung Quốc chưa đáp ứng.
Về phần mình, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc từng bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và kêu gọi các bên kiềm chế tối đa trong hành động. Sau khi nhận được công hàm của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc, ông Stephane Dujarric – phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc cho biết nếu các bên liên quan yêu cầu thì Tổng thư ký Ban Ki-moon sẽ đứng ra hòa giải, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nguyễn Thắng