Kết quả cuộc thăm dò của FALMI (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM) mới đây cho thấy cứ bốn học sinh đăng ký dự thi đại học, cao đẳng thì có tới ba em không hiểu gì về ngành nghề mà mình đã chọn.
Tình trạng “bịt mắt vào mê cung”
Cách ví một học sinh khi chọn ngành đào tạo như người bị bịt mắt đi vào mê cung xem ra cũng không phải quá lời. Lý do là các em bước vào một thế giới mới rối như trận đồ bát quái mà bản thân lại chưa được chuẩn bị gì.
Lựa chọn ngành nghề là việc rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến tương lai của mỗi người
Phương Anh, 19 tuổi, sinh viên ngành Truyền thông đã bày tỏ: “Tôi chọn học ngành truyền thông, quảng cáo vì đơn giản là thích được làm việc trong môi trường sáng tạo. Vào học rồi mới biết truyền thông không chỉ là đưa ra ý tưởng, mà còn phải thuyết phục được khách hàng chấp nhận ý tưởng, rồi đảm bảo ý tưởng đi đúng hướng khi đưa vào thực tế… Thời gian đầu, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác và cứ ước gì mình đã chuẩn bị kỹ hơn để khỏi bỡ ngỡ khi làm quen với các môn học”. Đó là một trong nhiều ví dụ cho thấy hàng ngàn bạn trẻ chọn ngành chỉ dựa trên sở thích đơn thuần hoặc chạy theo xu hướng chung mà không có quá trình tìm hiểu kỹ càng. Trên thực tế, ngành nghề là lựa chọn vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến con đường sự nghiệp của mỗi cá nhân. Sự băn khoăn, mù mờ ngay từ bước chọn ngành sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như phí phạm thời gian, công sức học tập, không khai thác được tiềm năng của bản thân, dễ gặp khó khăn và nản chí khi đi làm…
Hướng nghiệp cho học sinh là việc quan trọng và cần được tổ chức chu đáo
Ở các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc…, chương trình hướng nghiệp là một phần thiết yếu tại các trường trung học. Các học sinh được khuyến khích tự tìm hiểu bản thân, về thị trường lao động để có thể lựa chọn ngành phù hợp với năng lực, sở thích và định hướng tương lai. Học sinh nếu băn khoăn về lựa chọn nghề nghiệp có thể tìm đến phòng chuyên hỗ trợ hướng nghiệp để được tư vấn.
Còn tại Việt Nam, công tác tư vấn hướng nghiệp còn khá sơ sài, thường chỉ dừng lại ở các buổi trao đổi, hỏi đáp tập thể do Đoàn Thanh niên hoặc giáo viên phụ trách. Hình thức tư vấn chung này thường bỏ sót những học sinh có hoàn cảnh, nhu cầu riêng. Chưa kể, công tác hướng nghiệp đòi hỏi những người chủ trì cuộc trao đổi phải có hiểu biết chuyên môn sâu rộng và giàu kinh nghiệm để có thể dẫn dắt các em tìm được câu trả lời xác đáng về nghề nghiệp trong tương lai.
Nói về vai trò của tư vấn hướng nghiệp, cô Phoenix Hồ – thạc sĩ quản trị giáo dục, thạc sĩ tư vấn chuyên ngành Tư vấn hướng nghiệp, hiện đang là chuyên gia tư vấn hướng nghiệp tại Đại học RMIT Việt Nam cho biết: “Hoạt động tư vấn nghề nghiệp dành cho học sinh, sinh viên rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cả đời người. Ở ngưỡng cửa vào đời, các em cần phải tự quyết định những vấn đề rất quan trọng như đi học tiếp hay đi làm, học nghề hay vào đại học, sẽ theo nghề nghiệp nào, sẽ phát triển tương lai ra sao…”.
Cô Phoenix Hồ trong một buổi tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên Đại học RMIT Việt Nam
RMIT Việt Nam là một trong những trường đại học đi tiên phong trong việc đầu tư mô hình hướng nghiệp quốc tế.Tại đây, phòng hướng nghiệp sẽ hỗ trợ học sinh từ trước khi các em tham gia học chính thức qua các buổi tư vấn cá nhân để tự tìm hiểu bản thân. Trong quá trình học tại trường, sinh viên sẽ được tham gia các lớp phát triển kỹ năng mềm, hướng dẫn viết hồ sơ xin việc, trả lời phỏng vấn, tạo mối quan hệ… Sau khi tốt nghiệp, những ai vẫn còn gặp vấn đề trong hướng đi nghề nghiệp thì có thể quay trở lại trường để được tư vấn thêm.
Cô Phoenix Hồ chia sẻ: “Điều quan trọng nhất mà người làm tư vấn hướng nghiệp cần kiên trì thực hiện là không sớm cho học sinh câu trả lời, mà giúp các em tìm ra câu trả lời cho chính mình. Trên nền tảng đó, trong chặng đường nghề nghiệp sau này, nếu có gặp phải khó khăn, vất vả đến đâu thì các em vẫn vững vàng xử lý được”.
Câu chuyện học sinh “bịt mắt đi vào mê cung” khi chọn ngành nghề chỉ có thể được giải quyết khi công tác hướng nghiệp được quan tâm, đầu tư đúng mức. Bản thân từng học sinh cũng nên chủ động tìm hiểu về khả năng của mình và sự đa dạng của các ngành nghề trong thực tế để tránh bị lạc lối khi định hướng sự nghiệp lâu dài.
Hoạt động hướng nghiệp tại ngày hội thông tin RMIT Việt Nam
Cuối tháng 3 – đầu tháng 4, Đại học RMIT Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo định hướng nghề nghiệp trong khuôn khổ Ngày hội thông tin của trường. Tại đây, qua những chia sẻ hữu ích của các chuyên viên hướng nghiệp và sinh viên đã học chuyên ngành, các bạn học sinh sẽ được truyền cảm hứng để có thể tự trả lời những câu hỏi như “Tôi là ai?”, “Tôi đam mê điều gì?”, “Đâu là thế mạnh của tôi?”… nhằm xác định nghề nghiệp tương lai phù hợp. Thời điểm cụ thể:
Tại TP. Hồ Chí Minh: Chủ nhật, 30-3, từ 8g đến 14g.
Tại Hà Nội: Chủ nhật, 6-4, từ 8g đến 12g.
Tuyết Nhi